Tuân theo sự chỉ dẫn của bệnh viện
Theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, từ ngày 12/3, Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể đã có trường hợp bệnh xâm nhập, có sự lây truyền tại chỗ từ người bệnh xâm nhập sang người tiếp xúc gần (F1) và lây truyền từ người tiếp xúc gần thứ nhất sang người tiếp xúc gần thứ hai (F2).
Sự lây lan của dịch bệnh vẫn đang ở diện hẹp và được khống chế hiệu quả. Tất cả các chùm ca bệnh cũng như những người tiếp xúc thế hệ F1, F2, thậm chí cả F3, F4 cũng đã được cách ly, theo dõi giám sát chặt chẽ.
Để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, bác sĩ Tuấn khuyến cáo, hiện nay khi người dân đi khám chữa các bệnh thông thường cần hết sức lưu ý và thực hiện tốt mọi sự chỉ dẫn của nhân viên tiếp đón tại các bệnh viện và cơ sở y tế để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Ngành y tế đã có văn bản chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế trong và ngoài công lập phải tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khâu tiếp đón, khi người bệnh đăng ký khám chữa bệnh; có nhân viên hướng dẫn phân luồng và có phòng khám riêng cho những người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt…).
Hiện tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập đều phải bố trí ít nhất một phòng khám cách ly các trường hợp ho sốt chưa rõ nguyên nhân, tiến hành các biện pháp phòng ngừa, cách ly ngay sau khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu của ca bệnh nghi ngờ. Đặc biệt lưu ý khai thác yếu tố dịch tễ của người bệnh sống hoặc đến từ vùng dịch trong vòng 14 ngày.
Khai báo đầy đủ thông tin
Ngay khi đến cơ sở khám chữa bệnh mọi người dân khi đăng ký khám, cần liên hệ ngay với nhân viên tiếp đón đồng thời khai báo nhanh tình trạng sức khỏe, nhất là khai báo các dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính hiệu như ho, sốt… để được hướng dẫn cụ thể và phân loại vào từng khu vực khám bệnh phù hợp.
Cùng với đó, mọi người dân khi đi khám chữa bệnh hay đi chăm sóc, thăm hỏi bệnh nhân trong bệnh viện phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay hoặc sát khuẩn tay nhanh để phòng tránh bệnh COVID-19; thường xuyên chú ý các biển báo, chỉ dẫn; tuyệt đối không đi lại những khu vực có biển báo “Khu vực cách ly”; hạn chế tối đa thời gian trong bệnh viện khi không cần thiết.
Những điều không nên làm trong phòng ngừa và điều trị COVID-19
Các biện pháp sau đây không được khuyến cáo trong việc điều trị COVID-19 bởi chúng không có hiệu quả và có thể gây nguy hiểm:
- Hút thuốc
- Tự uống thuốc, ví dụ như kháng sinh
- Đeo nhiều khẩu trang cùng lúc để tối ưu mức bảo vệ
Trong bất kì trường hợp nào, nếu bị sốt, ho kéo dài và cảm thấy khó thở, hãy đi khám để giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nên nặng hơn và kể cho nhân viên y tế biết bạn đã đi những đâu trong thời gian gần đây.
BS Khổng Minh TuấnBạn đang xem bài viết Mùa dịch COVID-19: Đi thăm khám bệnh cần lưu ý những gì để phòng tránh dịch bệnh tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].