Một năm hơn 500.000 người mất vì đột quỵ do nhiệt độ cực đoan

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, riêng năm 2019 đã có hơn 500.000 người mất vì đột quỵ liên quan đến nhiệt độ cực đoan. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên do biến đổi khí hậu mà con người gây ra.

Nghiên cứu được công bố ngày 10/4 trên tạp chí Thần kinh học (Neurology) phát hiện rằng, từ năm 1990, số lượng các trường hợp đột quỵ do nhiệt độ cực đoan đã gia tăng trên toàn cầu.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhiệt độ cực đoan liên quan đến đột quỵ ở nam giới nhiều hơn nữ giới, nhưng ảnh hưởng chung đến mọi nhóm tuổi.

Nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Tương Nhã thuộc Đại học Trung Nam (Trung Quốc )đã xem xét nhiệt độ và các trường hợp đột quỵ ở 204 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một mô hình sử dụng dữ liệu toàn cầu về bệnh tật, tử vong và khuyết tật cùng dữ liệu khí hậu bao gồm nhiệt độ, mây và các yếu tố thời tiết khác.

Các tác giả lưu ý rằng, số lượng người bị đột quỵ đã tăng lên do dân số gia tăng và già đi, nhưng điều này không phải là tất cả.

"Nhiệt độ không lý tưởng" là một yếu tố quan trọng: Số người bị đột quỵ do nhiệt độ cực đoan năm 2019 tăng lên đáng kể so với năm 1990.

Năm 2019, nhiệt độ thấp đã dẫn đến số lượng ca đột quỵ cao hơn. Mặc dù điều này có vẻ ngược với hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhưng nhiệt độ thấp cũng đi kèm với biến đổi khí hậu. Nhiệt độ cao hơn trên đất liền làm ảnh hưởng đến xoáy cực - vùng áp suất thấp ở tầng trên cao nằm gần cực của Trái Đất - và khi nó bị suy yếu, nó có thể làm nhiệt độ giảm.

Hiện nay, số người chết vì đột quỵ do nhiệt độ cực đoan phân bố không đều, tập trung ở các khu vực có nhiều người nghèo và và hệ thống y tế yếu như châu Phi. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng, gánh nặng đột quỵ do nhiệt độ cao ở Trung Á đang tăng nhanh.

Trái Đất ấm lên, gánh nặng đột quỵ do nhiệt độ cao đã tăng nhanh và sẽ  còn tăng mạnh trong tương lai.

Năm ngoái là năm nóng nhất kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu ghi lại nhiệt độ toàn cầu vào năm 1850 và dự kiến nhiệt độ sẽ phá kỷ lục hơn nữa trong tương lai gần. Tháng 3 vừa qua là tháng 3 nóng nhất từ trước đến nay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tiến sĩ Mary Rice, giáo sư khoa nội tại Đại học Y Harvard, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho rằng các kết quả của nghiên cứu rất đáng chú ý:

"Tôi nghĩ nhóm nghiên cứu đã làm rất tốt khi tiếp cận toàn cầu để xem xét dữ liệu quá khứ và chú ý đến một vấn đề sức khỏe mà tôi nghĩ không được chú ý nhiều lắm. Tổng số người chết vì đột quỵ do nhiệt độ thực sự là một con số rất lớn."

Gần đây, Tiến sĩ Rice đã công bố một nghiên cứu trong tạp chí Frontiers in Science cho thấy biến đổi khí hậu cũng đang gây ra ngày càng nhiều bệnh miễn dịch như dị ứng, hen suyễn, bệnh tự miễn và ung thư. Nghiên cứu của TS Rice cho thấy cần hành động cấp bách để giảm lượng phát thải và cải thiện chất lượng không khí, giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Nếu không có hành động toàn cầu ngay lập tức, thế giới sẽ chứng kiến một gánh nặng bệnh tật lớn hơn nhiều, TS cho biết.

Vấn đề của toàn cầu

Đột quỵ là một vấn đề sức khỏe đáng chú ý. Đây là nguyên nhân gây tàn tật thứ 3 trên toàn thế giới và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra, khi nhiệt độ quá cao, cơ thể khó điều tiết và làm mát bằng cách ra mồ hôi. Điều này có thể dẫn đến tình trạng máu dễ đông và tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra có thể gây mất nước, buộc tim phải làm việc quá sức, tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.

Nhiệt độ quá thấp cũng có thể dẫn đến đột quỵ. Cơ thể tiếp xúc với cái lạnh kích thích các cảm biến lạnh trên da, kích hoạt phản ứng "chiến đấu hay bỏ chạy" của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến co thắt mạch máu, gây tăng huyết áp và có thể dẫn đến đột quỵ.

Tiến sĩ Ali Saad, một bác sĩ thần kinh liên quan đến Chương trình Khí hậu và Sức khỏe tại Đại học Colorado, người không tham gia vào nghiên cứu này, hy vọng nghiên cứu mới sẽ thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo toàn cầu và ảnh hưởng đến chính sách công cộng:

"Mọi người thường nghĩ rằng ô nhiễm môi trường hoặc nhiệt độ tăng cao gây đột quỵ và ảnh hưởng sức khỏe chỉ ảnh hưởng tới các nước thu nhập thấp và trung bình, nhưng nó đang xảy ra trên toàn cầu và dự báo sẽ càng tệ hơn".

(Theo CNN)

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính