Mô hình ‘Bệnh viện chị em’ giúp nhiều người bệnh thoát cửa tử

Với việc triển khai mô hình “Bệnh viện chị em” tại các cơ sở y tế tuyến dưới của Hà Nội đã giúp nhiều người bệnh được cứu sống, được điều trị và nhận những dịch vụ chăm sóc y tế tốt nhất.

Nhiều bệnh nhân được cứu sống kịp thời

Khi đang tham dự một cuộc họp ở xã, ông L.H.N. (65 tuổi, ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) bỗng nhiên thấy các ngón tay bên phải của mình đau nhức, cơn đau nhanh chóng lan dần lên bàn tay, rồi lan ra toàn bộ cánh tay phải. Ông N. dần cảm thấy phần nửa người bên phải mỏi dần, khó cử động và khó cầm nắm bàn tay.

Ngay sau đó, ông được người thân đưa đến một phòng khám tư nhân ở trong xã để thăm khám. Khi khai thác bệnh sử thì nhân viên y tế ở phòng khám được biết ông N. bị tăng huyết áp nên đã cho ông uống thuốc hạ huyết áp rồi hướng dẫn về nhà theo dõi. Sau đó, ông N. bảo người nhà đưa đến BV ĐK Ba Vì thăm khám.

Ông N. được đưa tới phòng cấp cứu của BV ĐK Ba Vì sau 2,5 giờ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Tại đây, các bác sĩ đơn nguyên Cấp cứu, BV ĐK Ba Vì nhận định, ông có dấu hiệu điển hình của cơn đột quỵ thể nhồi máu não.

Bệnh nhân được đưa ngay lên phòng chụp cắt lớp vi tính (CT-Scanner). Cùng lúc đó, bác sĩ Nguyễn Đức Đa, phụ trách đơn nguyên Cấp cứu, BV ĐK Ba Vì đã kết nối hội chẩn online tới các bác sĩ cấp cứu, hồi sức tại BV ĐK Xanh Pôn (Hà Nội).

Ngay sau đó, chỉ định tiêm thuốc tiêu sợi huyết tại phòng chụp CT nhanh chóng được đưa ra. Sức khỏe bệnh nhân sau đó ổn định, dấu hiệu đau, mỏi dần thoái lui, cảm giác bàn tay dần hồi phục.

Tiếp đó, ông N. được đưa ra BV ĐK Xanh Pôn (cách 50km) chụp mạch, đánh giá tình trạng sau can thiệp rồi lại trở về BV ĐK Ba Vì theo dõi, phục hồi chức năng.

Người bệnh đến BV ĐK Ba Vì được điều trị và chăm sóc tốt hơn nhờ mô hình

Người bệnh đến BV ĐK Ba Vì được điều trị và chăm sóc tốt hơn nhờ mô hình "Bệnh viện chị em"

Một trường hợp nữa được cứu sống kịp thời là bệnh nhân P.T.T. (ở Ba Vì, Hà Nội). Khi vào BV ĐK Ba Vì, chị T. có biểu hiện kích thích phù nặng 2 mắt, ban đỏ toàn thân, ngứa, khó thở, tức ngực kem theo mạch nhanh, đo huyết áp 80/60 mmHg.

Qua khai thác bệnh sử thì được biết, sau khi ăn tôm trong bữa cơm gia đình, chị T. xuất hiện tình trạng dị ứng nhanh và có dấu hiệu chuyển biến xấu. Chị T. được người nhà đưa tới BV ĐK Ba Vì cấp cứu.

Nhận thấy đây là ca phản vệ độ III mức độ nguy kịch, bác sĩ Lăng Thị Thu Huyền, bác sĩ Lê Văn Đạo cùng cả kíp trực đã nhanh chóng xử trí Adrenaline tiêm bắp 1 ống, Solumedrol tiêm tĩnh mạch, lập đường truyền tĩnh mạch ngoại vi bù dịch cho bệnh nhân. Sau 5 phút, tình trạng của bệnh nhân T. đã ổn định hơn.

Sau đó, bệnh nhân T. tiếp tục được chuyển về khoa Hồi sức tích cực điều trị. Sau khi được các y bác sĩ kíp trực hồi sức thăm khám và kiểm tra chức năng sinh tồn, các triệu chứng: tức ngực, khó thở, mày đay, phù Quincke 2 mí mắt của bệnh nhân chưa cải thiện nhiều, huyết áp 90/60 mmHg.

Nhận thấy đây là ca phản vệ mức độ nặng, tình trạng phản vệ của bệnh nhân có thể diễn biến nặng lên, cần được theo dõi sát chức năng sinh tồn trên monitor.

Bệnh nhân tiếp tục được xử trí phản vệ theo hướng dẫn của Bộ y tế. Truyền adrenalin bằng đường tĩnh mạch, bắt đầu bằng liều 0,1mcg/kg/ph đồng thời lập thêm đường truyền tĩnh mạch bù dịch cho bệnh nhân. Sau 15 phút tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ, tức ngực, khó thở đỡ, phù Quincke 2 mí mắt giảm nhiều, mày đay còn rải rác toàn thân.

Bệnh nhân tiếp tục được duy trì truyền adrenalin và được theo dõi sát bởi nhân viên y tế trong đêm trực. Sau 5 ngày điều trị tình trạng bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện.

Nhờ mô hình Bệnh viện chị em mà nhiều trẻ sơ sinh được chăm sóc tốt hơn

Nhờ mô hình Bệnh viện chị em mà nhiều trẻ sơ sinh được chăm sóc tốt hơn

Triển khai hiệu quả mô hình “Bệnh viện chị em”

Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và phân công các bệnh viện tuyến dưới, Trung tâm Y tế thực hiện mô hình “Bệnh viện chị em”.

Năm 2023, Sở Y tế Hà Nội phân công BV ĐK Xanh Pôn, BV Tim Hà Nội, BV Phụ sản Hà Nội trực tiếp hỗ trợ toàn diện đối với BV ĐK Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người dân trên địa bàn.

Trong tháng 9 và tháng 10 năm 2023, BV ĐK Xanh Pôn (Bệnh viện chị) đã hỗ trợ, hướng dẫn BV ĐK Ba Vì (Bệnh viện em) cải tiến quy trình khám, chữa bệnh đảm bảo tính một chiều; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt; tư vấn, hỗ trợ xây dựng danh mục kỹ thuật, danh mục thuốc; đọc kết quả online đối với phim X-quang, phim chụp cắt lớp vi tính (CT - Scanner), phim chụp cộng hưởng từ (MRI); tư vấn, trao đổi hướng dẫn xây dựng dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu...

Theo đó, hai đơn vị đã thống nhất thành lập Phòng khám Ba Vì - Xanh Pôn, khu điều trị Ba Vì - Xanh Pôn, thiết lập phòng hội chẩn online; hỗ trợ BV ĐK Ba Vì điều trị bệnh nhân.

Đặc biệt, thành quả từ những nỗ lực của 2 đơn vị là việc thành lập Đơn nguyên Cấp cứu và Đơn nguyên Sơ sinh vào ngày 11/11/2023 vừa qua.

BV ĐK Ba Vì thành lập Đơn nguyên Cấp cứu với sự hỗ trợ từ mô hình Bệnh viện chị em

BV ĐK Ba Vì thành lập Đơn nguyên Cấp cứu với sự hỗ trợ từ mô hình Bệnh viện chị em

Đơn nguyên Cấp cứu của bệnh viện là nơi tiếp nhận và xử trí các trường hợp cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng như: Tai nạn, chấn thương, bệnh lý cấp tính. Cấp cứu, hồi sức, chống sốc cho bệnh nhân. Chuyển tuyến kịp thời các trường hợp vượt quá khả năng điều trị. Thực hiện các kỹ thuật cấp cứu: ngừng tuần hoàn cơ bản, cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao, đặt ống nội khí quản, đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm, dẫn lưu tràn khí màng phổi, dẫn lưu dịch màng phổi, dẫn lưu dịch màng tim, sốc điện chuyển nhịp, điều trị cấp cứu các loại sốc: sốc tim, sốc chấn thương, sốc nhiễm khuẩn, cấp cứu đa chấn thương, cấp cứu chửa ngoài tử cung vỡ,…

BV ĐK Ba Vì thành lập Đơn nguyên Sơ sinh

BV ĐK Ba Vì thành lập Đơn nguyên Sơ sinh

Còn Đơn nguyên Sơ sinh có nhiệm vụ tiếp nhận, theo dõi, chăm sóc và điều trị các bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh bao gồm suy hô hấp, nhiễm khuẩn, vàng da, thiếu tháng và biến chứng sau sinh. Tại Đơn nguyên Sơ sinh triển khai các kỹ thuật như: Chăm sóc sơ sinh thiết yếu; chăm sóc trẻ đẻ non, nhẹ cân; hồi sức sơ sinh cơ bản, thực hiện chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kanggaroo; nhận biết các dấu hiệu bệnh lý trẻ sơ sinh cần chuyển tuyến, thực hiện chuyển tuyến an toàn và xử trí ban đầu trước khi chuyển; tư vấn, truyền thông về chăm sóc thai nghén và sơ sinh thiết yếu; bảo đảm nguyên tắc luôn có nhân viên trực hai mươi tư trên hai mươi tư để theo dõi và xử trí các diễn biến của trẻ sơ sinh; tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ và cập nhật các nội dung trong Hướng dẫn quốc gia về Làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh.

Những điều này là minh chứng cho sự hợp tác bền vững của 2 bệnh viện và cũng là cam kết của BV ĐK Ba Vì trong việc cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho cộng đồng và đảm bảo sức khỏe của người dân trên địa bàn huyện Ba Vì. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kết hợp các giải pháp hỗ trợ toàn diện của các bệnh viện tuyến trên, chất lượng khám, điều trị của BV ĐK Ba Vì ngày càng được nâng cao.

Linh Ly

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính