Theo Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng quan trọng nhất nghi ngờ bệnh lao.
Ngoài ra, người bệnh có thể có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Gầy sút, kém ăn
- Mệt mỏi
- Sốt nhẹ về chiều
- Ra mồ hôi “trộm” ban đêm
- Đau ngực, đôi khi khó thở.
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra.
Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm hơn 80% tổng số ca bệnh).
Bệnh lao lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn (nước bọt) khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói lớn tiếng.
Bệnh lao có thể phòng và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Ai có nguy cơ cao bị nhiễm lao và mắc bệnh lao?
Ai cũng đều có thể có nguy cơ mắc bệnh lao, tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ cao bị nhiễm và mắc bệnh lao, đó là:
- Người nhiễm HIV;
- Người sống chung trong hộ gia đình có người mắc lao;
- Người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi;
- Người đã bị nhiễm lao trong vòng 2 năm trở lại đây;
- Người mắc các bệnh mạn tính như: loét dạ dày-tá tràng, tiểu đường, suy thận mạn;
- Người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá, thuốc lào; bệnh nhân tiểu đường, suy thận mạn, ung thư, ghép tạng…
Một người mắc bệnh lao phổi có thể lây nhiễm vi khuẩn lao cho 10-15 người khác thông qua tiếp xúc gần trong 1 năm.
Một người nhiễm HIV và bị nhiễm lao nhưng không điều trị nhiễm HIV và không điều trị lao tiềm ẩn thì có nguy cơ khoảng 1/10 trong số họ sẽ chuyển thành bệnh lao.
Người bệnh tiểu đường bị nhiễm lao nhưng không điều trị lao tiềm ẩn thì có nguy cơ khoảng 1/3 trong số đó sẽ chuyển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời của họ.
Ngoài ra, người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc lao cao gấp 3 lần những người không bị bệnh tiểu đường.
Tầm soát, chẩn đoán và điều trị lao tiềm ẩn như thế nào?
Người bệnh đã nhiễm vi khuẩn lao, nếu không điều trị thì vi khuẩn lao trong cơ thể có thể nhân lên và gây bệnh lao khi cơ thể yếu đi.
Khi đó, người bệnh trở thành nguồn lây nhiễm lao cho những người xung quanh.
Hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lao tới 90%.
Chẩn đoán lao tiềm ẩn bằng cách nào?
Chẩn đoán lao tiềm ẩn dựa trên 2 yếu tố:
(1) Xét nghiệm Mantoux (TST) hoặc IGRA dương tính, và
(2) Loại trừ được mắc lao hoạt động qua khám lâm sàng, X quang phổi, xét nghiệm đờm hoặc dấu hiệu bất thường ở các cơ quan ngoài phổi nghi lao.
Điều trị lao tiềm ẩn như thế nào?
Điều trị lao tiềm ẩn (trước đây còn gọi là điều trị dự phòng lao) là liệu trình điều trị hiệu quả cho người có nguy cơ cao mắc lao hoặc có bằng chứng mắc lao tiềm ẩn.
Sau khi được chẩn đoán xác định và được tư vấn điều trị, người bệnh cần được đăng ký quản lý điều trị lao tiềm ẩn càng sớm càng tốt tại một đơn vị chống lao tuyến huyện hoặc tương đương. Nguyên tắc điều trị: (1) Dùng thuốc đúng liều lượng. (2) Dùng thuốc đều đặn. (3) Dùng thuốc đủ thời gian quy định.
Thời gian điều trị: Điều trị lao tiềm ẩn chỉ dùng 1 đến 2 loại thuốc. Tùy vào phác đồ điều trị mà thời gian điều trị có thể giao động từ 3 tháng đến 12 tháng.
Theo dõi điều trị: Người bệnh được theo dõi, giám sát, quản lý điều trị tại nơi đăng ký điều trị.Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như sốt, sụt cân không có lý do, mẩn ngứa, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, đau khớp, mệt mỏi kéo dài, dị cảm ở bàn tay và bàn chân, nước tiểu sậm màu, dễ bị bầm tím hay chảy máu, phân nhạt màu, hoặc vàng da…cần thông báo ngay cho nhân viên y tế.
(Theo HCDC)
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết Ho kéo dài trên 2 tuần xin đừng chủ quan, cần nghĩ ngay đến một bệnh lý nguy hiểm tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].