Thai phụ Nguyễn Thị T. (28 tuổi, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bất ngờ lên cơn co giật khi có thai ở tuần thứ 36, sản phụ được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ.
Tuy nhiên do tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu nên thai phụ đã được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Sơn Tây. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mặt tím tái, khó thở, giật cứng, huyết áp 180/110mmHg, nhịp tim 110 lần/phút và được chẩn đoán sản giật/thai 36 tuần con so.
Nhận định tình trạng cấp bách của sản phụ, lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo liên khoa sản và gây mê hồi sức đã nhanh chóng hội chẩn và đưa ra quyết định mổ cấp cứu. Ca phẫu thuật diễn ra thành công đã cứu sống được mẹ và con.
Sau phẫu thuật 8 ngày, sức khỏe của mẹ và bé đã hoàn toàn ổn định các chỉ số sinh hóa trở về bình thường và được xuất viện.
Chia sẻ sau ca phẫu thuật, bác sĩ Đào Văn Cường, khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện ĐK Sơn Tây cho biết: "Trường hợp của sản phụ T. rất nặng, nếu không được mổ cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con".
Bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, các sản phụ khi có thai cần phải khám thai định kỳ đúng quy trình tại các cơ sở y tế tin cậy để kịp thời phát hiện xử lý tốt những bệnh lý của thời kỳ thai nghén.
Tiền sản giật được chẩn đoán ở người phụ nữ mang thai khi họ có ba triệu chứng: huyết áp cao (>140/90 mmHg), phù, nước tiểu có protein niệu. Sản giật là biến chứng cấp tính của tiền sản giật, có kèm theo co giật và hôn mê.
Về mặt lý thuyết, tiền sản giật và sản giật thường xảy ra ở mọi lứa tuổi mang thai, nhưng thường gặp ở những thai phụ mang thai lần đầu, phụ nữ lớn tuổi (trên 40), phụ nữ béo phì, chế độ dinh dưỡng kém, có bệnh như bệnh thận mãn tính, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, thai trứng, hoặc những thai phụ mang đa thai, đa ối và thai phụ có tiền sử lần trước mang thai bị tiền sản giật – sản giật.
Tuy nhiên, tiền sản giật và sản giật thường không bị phát hiện nếu không kiểm tra huyết áp hoặc xét nghiệm nước tiểu định kỳ khi mang thai. Nhiều sản phụ chủ quan không đi khám thai định kỳ để được kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu… khi vào viện mới biết huyết áp cao, protein niệu mức độ cao ảnh hưởng tính mạng bà mẹ và đứa trẻ.
Đáng chú ý, tiền sản giật và sản giật có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Với người mẹ có thể gây phù não, xuất huyết não-màng não, phù võng mạc, xuất huyết vùng dưới bao gan, suy tim, suy thận, phù phổi cấp, rối loạn đông chảy máu trong lòng mạch, giảm tiểu cầu… Ngoài ra nó còn làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, tử vong chu sinh cao… Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
N.HoaBạn đang xem bài viết Mổ cấp cứu thai phụ 28 tuổi bị sản giật nặng khi mang thai 36 tuần tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].