Ly hôn là gì?
Theo khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Tòa án là cơ quan duy nhất có trách nhiệm ra phán quyết chấm dứt quan hệ hôn nhân của vợ chồng. Phán quyết ly hôn của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức: bản án hoặc quyết định.
– Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì Tòa án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định.
– Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn.
Ly thân là gì?
Hiện nay, tất cả các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình chưa có khái niệm ly thân, đây là cách gọi thông thường và có rất nhiều sư hiểu nhầm từ các cặp vợ chồng.
Theo cách hiểu thông thường, ly hôn là hai vợ chồng không còn chung sống với nhau khi quan hệ tình cảm đã có dấu hiệu rạn nứt, không còn tiếng nói chung nhưng vẫn chưa thực hiện các thủ tục ly hôn.
Luật Hôn nhân và Gia đình đã quy định tại khoản 14 điều 3, quan hệ vợ chồng chỉ chấm dứt bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án khi thực hiện thủ tục ly hôn (theo yêu cầu của 1 hoặc do cả 2 bên).
Ly thân có được pháp luật công nhận không?
Ly thân không phải sự kiện pháp lý để chấm dứt quan hệ hôn nhân hợp pháp. Đây chỉ là khái niệm để chỉ trạng thái khi hai vợ chồng không còn chung sống với nhau nữa mà chưa thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định tại cơ quan thẩm quyền.
Vậy nên, ly thân không phải ly hôn và không được pháp luật công nhận. Vì thế, dù hai vợ chồng có ly thân không chung sống với nhau nữa thì quan hệ hôn nhân và gia đình vẫn đang tồn tại, vẫn là vợ chồng hợp pháp và có đầy đủ quyền cũng như phải thực hiện mọi nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Quyền, nghĩa vụ vợ chồng khi ly thân
Ly thân không phải hành động chấm dứt quan hệ vợ chồng, vậy nên mọi quyền và nghĩa vụ khi vợ chồng ly thân vẫn phải được đảm bảo, cụ thể:
Quyền của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
- Được bảo vệ quyền về nhân thân.
- Bình đẳng với nhau, có quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, khi thực hiện các quyền của công dân.
- Được thoả thuận chọn nơi cư trú.
- Được đối phương tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
- Thương yêu, chung thuỷ, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, chia sẻ và cùng thực hiện các công việc trong gia đình.
- Sống chung với nhau trừ trường hợp có thoả thuận hoặc có lý do khác (nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...);
- Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Quyền với tài sản chung vợ chồng
Mặc dù ly thân (không sống chung với nhau nữa) nhưng quan hệ hôn nhân giữa 02 người vẫn được pháp luật công nhận. Do đó, vợ chồng vẫn có quyền ngang nhau trong việc định đoạt, sử dụng tài sản chung.
Đồng thời, dù ly thân, vợ chồng cũng vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ về tài sản khi cùng thực hiện hoặc khi một trong hai người thực hiện vì nhu cầu thiết yếu của gia đình...
Quyền, nghĩa vụ với con cái
- Thương yêu, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo việc học tập, giáo dục con.
- Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.
- Không được phân biệt đối xử giữa các con, không được bắt con phải làm việc nặng quá sức, không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái đạo đức, trái pháp luật...
Tuệ AnBạn đang xem bài viết Ly hôn, ly thân là gì? Ly thân khác nhau thế nào với ly hôn, pháp luật có công nhận ly thân không? tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].