Lớp học đặc biệt
8 giờ sáng hàng ngày, lũ trẻ được phụ huynh chở đến lớp học này. Những gương mặt ngây thơ, non nớt, hớn hở nô đùa trước khoảng sân trống. Hầu hết các em đều mang trong mình những căn bệnh khác nhau như tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, nhiễm chất độc hóa học, trẻ em lang thang cơ nhỡ với đủ độ tuổi khác nhau.
Đặc biệt hơn, đó là cô giáo của lớp học này đã 80 tuổi, vẫn xe ôm lên lớp học đều đặn mỗi ngày dù nắng hay mưa.
Từng là hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, từ năm 1995 cô giáo Nguyễn Thị Côi tham gia dự án giáo dục từ thiện dành cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật và thiểu năng trí tuệ của ủy ban quận Hai Bà Trưng.
Cô đã tự mình lặn lội đến từng tổ dân phố, từng hộ gia đình có trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, thông qua công an phường, các tổ chức mặt trận vận động con em đến lớp học.
Sau 9 năm dự án kết thúc, dù thiếu nguồn tài trợ, nhưng lòng yêu thương của cô đối với những mảnh đời cơ cực lớn dần, cô vẫn quyết tâm tìm mọi cách duy trì lớp học.
"Tiếng lành đồn xa", lớp học của cô được phụ huynh đến gửi học ngày càng đông. Đến nay, số lượng học sinh được cô dạy chữ không đếm xuể nữa. Vậy mà, lớp học này đã kéo dài được hơn 25 năm. Gắn bó với lớp học từ thiện này, bao khó khăn vất vả cũng không làm cô nản lòng.
Khóc cười với lớp học
Một buổi học, cô kiêm hết nhiệm vụ của nhiều giáo viên bởi học sinh trong lớp thuộc nhiều độ tuổi khác nhau: 8 tuổi, 10 tuổi, 15 tuổi...thậm chí có em đã 32 tuổi. Cô dạy chữ cho nhóm này xong lại quay qua dạy toán cho nhóm khác.
Cô Côi chia sẻ: “Các em mới đầu đến lớp không đọc được, không biết cầm bút tôi chỉ dạy dần dần từng chữ một, không những dạy các em học mà uốn nắn cứ chỉ hành động các em, ở nhà ở lớp khác nhau. Đến hôm nào trở trời nhiều em bị thần kinh, có em đập phá đồ, có em khóc, có em cười, nhưng mà dạy các em lâu rồi tôi cũng dần quen và thấy nó bình thường”.
Cô Côi suốt bao nhiêu năm là người mẹ, người bà chăm lo cho các em học sinh. Cô biết rõ bệnh tật, gia cảnh của từng đứa, biết cả cách sơ cứu khi chúng gặp bất trắc sức khỏe.
“Có hôm có em bị lên cơn động kinh, cứ 5 phút lại lên cơn một lần. Tôi vừa dạy học, vừa chạy vạy làm y tá luôn. Xoa bóp, bấm huyệt cho chúng nó, đủ cả. Bao nhiêu lần như vậy giờ đã thành quen”, cô giáo nói.
Sự hiếu động của những đứa trẻ cũng không ít lần khiến cô phải phiền lòng. Đôi khi mệt mỏi nhưng cô Côi vẫn luôn tâm niệm: "Các em quá bất hạnh nhưng mình tự nguyện đi dạy, phải đặt chữ Tâm lên hàng đầu nên chẳng bao giờ mình thấy ức chế chút nào cả”.
Khi hỏi về niềm vui lớn nhất của cô, nét mặt rặng rỡ, cô sung sướng kể về hai đứa học trò đỗ đạt, thành công, tự lập cuộc sống của mình: “Ngày xưa có đứa học trò Thủy, hoàn cảnh khó khăn lắm, đến tuổi đi học, chẳng có cả tờ giấy khai sinh để đến trường như bạn bè. Thủy đến xin học rồi tôi nhận dạy miễn phí, giúp đỡ cả tiền mua sách vở. Đến giờ em ấy đã tốt nghiệp đại học, thành công trên con đường của mình. Chị Hạnh học bên Tài chính, cũng đã tốt nghiệp, giờ cũng có thể tự lập kiếm sống bằng chính mình”.
Với cô, vì tình yêu thương trẻ con, cô chỉ muốn mình khỏe mạnh để dạy các em, nhìn các em cô thương lắm, cảm thông với gia đình các em. Nếu các em không có người chỉ dạy uốn nắn thì thành gánh nặng cho gia đình xã hội.
Dạy các em nên người chính là nguồn động viên để cô cảm thấy cuộc sống ý nghĩa, tươi đẹp hơn, chống lại bệnh tật chống lại lão hoá. Cô bảo, cô còn khỏe, còn sống ngày nào sẽ còn tiếp tục dạy các em ngày đó...
Kim Thu - Trần NhànBạn đang xem bài viết Lớp học đặc biệt chỉ 10 mét vuông của cô giáo 80 tuổi tại chuyên mục Quà tặng Cuộc sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].