Giao thừa tôi ra chùa – nơi tâm linh và thiêng liêng của làng. Dân làng hầu như cũng đã tề tựu đông đủ trên một khoảng sân rộng. Tiết trời se lạnh dường như làm mọi người gần nhau hơn.
Ngày thường dân làng tứ tán mỗi người một phương. Tết là dịp gặp nhau hàn huyên đủ thứ chuyện. Những chuyện kể vào đêm giao thừa dường như ý nghĩa lắng đọng hơn.
Thời khắc giao thừa bắt đầu bằng 3 hồi trống. Tiếng trống rền vang như cầu mong một năm mới bình an. Xuân đang ngập tràn. Trên bầu trời đâu đó rền vang tiếng sấm, những vệt sét thoáng qua. Một dấu hiệu khá đặc biệt trong thời khắc đặc biệt.
Mỗi người chúng tôi hái một nhành cây nhỏ, mang lộc về nhà. Những mầm cây xanh non, đang căng tràn sự sống.
Năm mới, ai cũng thầm cầu mong một sức sống mới như vậy. Mong một năm mới sẽ khác, sẽ nhiều niềm vui, sức khỏe và thành công hơn.
Giữa thời khắc giao thừa thiêng liêng ấy, tôi hít hà một thứ năng lượng tinh khiết của đất trời quê hương lúc chuyển giao. Thứ năng lượng chỉ quê hương mới có. Tôi chỉ thầm ước một năm mới bình an, cho tất cả.
Sáng mùng Một, tôi dậy sớm. Hai cha con chuẩn bị bữa cơm cúng đầu năm. Mâm cơm đơn giản. Có bánh chưng và dưa hành, có thịt đông và giò lụa.
Trước gian thờ tổ tiên, bố tôi thành tâm khấn tạ ông bà. Tôi bồi hồi nhớ lại những người thân đã mất. Tôi mừng tuổi ông nội. Chúc ông những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Ông nội tôi đã đón 97 mùa xuân.
Năm nay trời mưa to. Cả một bầu không gian rộng lớn như được gột rửa. Thứ năng lượng Tết quê hương thuần khiết như ngập tràn khắp nơi.
8 giờ sáng chú tôi và gia đình (nhà ở bên cạnh) mang lễ qua nhà tôi dâng lên ban thờ và chúc Tết. Chú cười rất tươi. Tiếng chúc mừng năm mới của chú vang lên từ đầu ngõ. Năm nay chú có tin vui, con trai chú sẽ lấy vợ.
Một lát sau thì gia đình chú tôi trên thành phố cũng về tới. Ai cũng vui tươi. Đặc biệt là thím tôi. Thím vừa qua cơn bạo bệnh.
Rồi các cô ở xa cũng về. Ai cũng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.
Sau một hồi hàn huyên Tống cựu nghênh tân, đại gia đình chúng tôi cùng nhau đến giâng hương ở nhà thờ Tổ. Đó là nơi chúng tôi tưởng nhớ tới những thế hệ cha ông đã cách chúng tôi tới mười, mười lăm đời.
Tại đó chúng tôi lại được nghe các cụ kể về thời xa xưa, cả một dòng quá khứ như quay trở lại, nhắc nhở chúng tôi về đạo lý Uống nước nhớ nguồn.
Rồi chúng tôi đi từng nhà anh em trong họ hàng để chúc Tết. Tôi được gặp những người đã từ lâu không gặp; được giới thiệu những đứa cháu, đứa em đã lớn lên con nhà ai; được giới thiệu những người con dâu, con rể mới trong dòng họ…
Nếu không có ngày Tết, thật, ra đường có khi đánh nhau không biết đó là anh em cùng chung một dòng họ.
“Bao giờ cháu lấy chồng?” “Công việc có tốt không?” những câu hỏi tưởng như làm người ta khó chịu nhưng tôi thấy ai cũng vui vẻ, vì họ cảm nhận được sự quan tâm chân thành dành cho nhau.
Trên đường đi, chúng tôi gặp từng đoàn người đi chúc Tết như vậy. Dưới hạt mưa bắt đầu nặng hạt, ai cũng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.
Cứ như vậy, trong ngày Tết tôi được gặp rất nhiều người. Cả những người thân quen, những người đã từ rất lâu không gặp và những người mới.
Mùng 1 Tết Cha. Mùng 2 Tết Mẹ. Mùng 3 Tết Thầy. Ngày mai, tôi sẽ đi chúc Tết ở quê ngoại. Còn ngày mùng 3, chúng tôi sẽ tụ tập bạn học đồng niên để đi Tết Thầy. Năm nào cũng vậy.
Tết quê tôi như vậy. Dù ai có nói gì thì tôi vẫn thấy Tết vui. Dù thiên hạ có đồn thổi chán Tết, Tết nhạt thì với tôi ngày Tết vẫn thật nhiều ý nghĩa.
Trước một niềm vui, thay vì gồng mình lên tiếp nhận, thì hãy cùng cảm nhận trong niềm hân hoan.
Lòng người yên bình, Tết sẽ bình yên.
Trần Mừng
Bạn đang xem bài viết Lòng người yên bình, Tết sẽ bình yên tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].