Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Lịch tiêm phòng cho bà bầu chuẩn và chi tiết nhất

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ khi có bầu nên tiêm phòng vắc xin để bảo vệ khỏi những nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Dưới đây là các loại vắc xin và lịch tiêm phòng cho bà bầu trong suốt thai kỳ.

Những loại vắc xin và lịch tiêm phòng trước khi mang thai 

Trước khi mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần phải được tiêm phòng Rubella, thủy đậu và viêm gan B để đảm an toàn tuyệt đối cho sức khỏe trước khi bước vào thai kỳ.

  Tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai nhằm tránh rủi ro cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ

Tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai nhằm tránh rủi ro cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ

Sau khi được tiêm phòng, các vắc xin này sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra những kháng thể để tiêu diệt virus gây bệnh. Dưới đây là những loại vắc xin cần tiêm trước khi mang thai: 

Tiêm vắc xin phòng Rubella

Các số liệu thống kê cho thấy, 90% trường hợp người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật thai nhi hoặc sảy thai.

Đây là loại vi rút ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt của em bé trong bụng, thậm chí có thể để lại di chứng khi trẻ chào đời.  

Do đó, trước khi có định mang thai khoảng 3 tháng, phụ nữ nên tiêm phòng Rubella để tránh nguy cơ lây nhiễm loại vi rút này và gây hại cho sức khỏe của bé.   

Tiêm vắc xin phòng viêm gan B

Virus viêm gan B có khả năng lây lan qua đường máu và dịch cơ thể.

Để tránh được nguy cơ nhiễm bệnh, phụ nữ cần phải tiêm phòng 3 mũi trong vòng 4 tháng trước khi có ý định mang thai. 

Tiêm vắc xin phòng thủy đậu

Vắc xin phòng thủy đậu được tiêm muộn nhất là 2 tháng trước khi mang bầu.

Khoảng 2% số bé có mẹ mắc thủy đậu trong 5 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ mắc dị tật, gồm dị dạng hình thể, liệt chân tay.

Ngoài ra, người mẹ mắc thủy đậu còn có thể chuyển virus gây bệnh này sang cơ thể con trong khi sinh nở. 

Vắc xin phòng Cúm

Cảm cúm thông thường sẽ không gây ra những biến chứng gì đặc biệt.

Song khi mang thai, những cơn cảm cúm kéo dài có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Nếu lỡ mang thai mà chưa kịp tiêm phòng cúm, bạn vẫn có thể tiêm ngừa trong thai kỳ của mình. Vắc xin phòng ngừa cúm được chế tạo từ những virus đã chết nên rất an toàn với bà bầu.

Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung

Nếu dưới 26 tuổi, bạn nên xem xét đến việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung.

Vắc xin này bao gồm 3 mũi, kéo dài trong 6 tháng và không thể tiếp tục nếu như bạn mang thai.

Vì vậy, bạn nên tính toán thời gian phù hợp nếu muốn hoàn thành việc phòng ngừa này trước khi có bầu.

Tiêm phòng uốn ván

Bệnh có thể gây tử vong cho trẻ sơ sinh. Phụ nữ trong tuổi có khả năng sinh sản nên được tiêm vắc xin ngừa uốn ván trước khi có thai hoặc vào tuần 27-36 của thai kỳ.

Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh trong thời gian mang thai

  Lịch tiêm phòng cho bà bầu trong suốt thai kì

Lịch tiêm phòng cho bà bầu trong suốt thai kì

Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh cúm

Phụ nữ đang mang thai thường có nguy cơ mắc phải các biến chứng vô cùng nguy hiểm từ bệnh cúm như viêm phổi và suy hô hấp.

Trường hợp mẹ bầu bị cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ có nguy cơ khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh.

Đối với những mẹ bầu đang mang thai trong "mùa cúm" từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau càng phải nên tiêm phòng loại vắc-xin này, để bảo vệ tuyệt đối cho sự phát triển của thai nhi trong bụng.

Mẹ bầu có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm vào bất kỳ thời điểm nào, không bắt buộc phải chờ đến khi mang thai mà có thể tiêm phòng ngay cả khi chưa bước vào thai kỳ.

Lịch tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván, bạch hầu, ho gà trong thai kỳ

Trong thai kỳ, các mẹ nên tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván, bạch hầu, ho gà để tránh được nguy cơ thai lưu hoặc sinh non.

Theo bộ y tế Việt Nam, đối với những phụ nữ chưa từng tiêm phòng uốn ván lần nào thì nên tiêm phòng loại vắc xin này vào hai lần:

- Lần thứ nhất sau khi phát hiện thai nghén

- Lần thứ hai cách lần thứ nhất 4 tuần

Đối với những phụ nữ đã tiêm phòng uốn ván 2 lần, nếu thời điểm hiện tại cách lần tiêm mũi cuối cùng ít hơn 5 năm thì chỉ cần tiêm 1 mũi trong lần này.

Trường hợp thời điểm hiện tại cách lần tiêm mũi cuối cùng nhiều hơn 5 năm thì lần này cần phải tiêm 2 mũi.

Đối với những phụ nữ đang mang thai đã tiêm phòng uốn ván đủ 5 mũi theo đúng lịch, nếu mũi cuối cùng đã cách đây hơn 10 năm thì nên tiêm phòng thêm 1 mũi để nhắc lại trong lần này.

Việc tiêm vắc xin phòng bệnh này sẽ giúp cho thai nhi thoát khỏi những nguy cơ mắc bệnh ho gà, bạch hầu hay uống ván.

Ho gà là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm có khả năng gây tử vong cho bất cứ ai, đặt biệt là trẻ nhỏ.

Theo các thống kê, có khoảng 20 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm do ho gà tại Hoa Kỳ và khoảng 50% trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi đang điều trị ho gà tại các bệnh viện.

Điều này cho thấy, việc tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà là vô cùng quan trọng, các mẹ bầu tuyệt đối không nên bỏ qua.     

Lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 2

Lịch tiêm phòng và các mũi tiêm phòng cho bà bầu lần 2 phụ thuộc vào trước đây bạn đã tiêm hay chưa và cách nay đã bao lâu.

Khi mang thai lần thứ 2, bà bầu cần chú ý việc tiêm nhắc các loại vắc xin mà chỉ có hiệu lực trong vài năm.

Ví dụ như nếu lần mang thai sau cách lần mang thai đầu 5 năm, mẹ bầu nên làm xét nghiệm kiểm tra kháng thể để tiêm nhắc các loại vắc xin như vắc xin ngừa viêm gan B, Rubella… nếu lượng kháng thể xuống thấp dưới mức bảo vệ.

- Đối với vắc xin ngừa cúm:

Bộ Y tế khuyến cáo nên tiêm hằng năm.

- Đối với vắc xin phòng uốn ván:

Lịch tiêm phòng cho bà bầu mang thai lần 2 khác với lần đầu. Số mũi tiêm phụ thuộc vào mũi tiêm cuối cùng cách đó bao lâu. Cụ thể là:

+ Nếu là mang thai lần đầu:

Nếu mang thai lần đầu và chưa tiêm uốn ván trong vòng 5 năm gần nhất, thai phụ cần tiêm mũi đầu tiên trong 3 tháng giữa của thai kỳ và mũi thứ 2 tiêm sau mũi 1 tối thiểu 1 tháng và trước ngày dự sinh tối thiểu 1 tháng.

+ Nếu là mang thai lần 2:

Nếu là mang thai lần 2 hoặc những lần sau mà trong vòng 5 năm chưa tiêm nhắc vắc xin uốn ván, thai phụ cần tiêm một mũi vào 3 tháng giữa thai kỳ.

Nếu thai phụ đã được tiêm chủng mở rộng 3 mũi bạch hầu, ho gà, uốn ván từ nhỏ thì tiêm thêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 của thai kỳ.

Nếu thai phụ đã được tiêm phòng 3 – 4 mũi uốn ván từ trước, lần tiêm cuối cùng đã trên 1 năm thì tiêm thêm 1 mũi nhắc lại.

Nếu thai phụ đã tiêm đầy đủ 5 mũi uốn ván thì không cần phải tiêm bổ sung khi mang thai lần sau. Vì sau 5 mũi thì khả năng bảo vệ là trên 95%. Nhưng nếu mũi thứ 5 đã tiêm trên 10 năm thì các mẹ nên tiêm nhắc lại 1 mũi.      

 Một số lưu ý khi tiêm phòng cho bà bầu 

- Để đảm bảo an toàn, mẹ nên thảo luận từng vaccine với bác sĩ trước khi chích ngừa.

- Nếu mẹ đang bị bệnh nhiễm trùng cấp gây sốt, bị các bệnh đang điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch hay kháng viêm steroid (corticoid) … cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng.

- Bà bầu nên theo dõi cơ thể trong vòng 24 – 48h sau tiêm vắc xin.

- Với những vắc xin cần tiêm trước khi mang thai, mẹ cũng nên lưu ý cần tránh thai an toàn trong thời gian quy định cho từng loại vắc xin đã tiêm. Nếu bị vỡ kế hoạch cần tham khảo bác sĩ.

H.Tú (T/h)

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính