Báo Điện tử Gia đình Mới

Làm thế nào để xóa đi những ký ức tổn thương thời thơ ấu? 4 cách có thể giúp bạn 'chữa lành'

Chấn thương từ thời thơ ấu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của một người khi trưởng thành. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp có thể giúp bạn chữa lành và kiểm soát những ảnh hưởng của chấn thương thời thơ ấu.

Những sự kiện gây tổn thương hoặc đau buồn trong thời thơ ấu, ví dụ chứng kiến hoặc bị lạm dụng, đột ngột mất đi người thân... có thể dẫn đến chấn thương tâm lý thời thơ ấu.

Chấn thương từ thời thơ ấu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của một người khi trưởng thành. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp như liệu pháp tâm lý có thể giúp bạn chữa lành và kiểm soát những ảnh hưởng của chấn thương thời thơ ấu.

1. Chấn thương thời thơ ấu là gì?

dua tre ton thuong trong ta

Chấn thương thời thơ ấu có thể xảy ra khi một đứa trẻ chứng kiến hoặc trải qua một biến cố bất lợi khiến chúng cảm thấy bị đe dọa, không an toàn hoặc không thể đối mặt.

Theo Cơ quan Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Chất gây nghiện (SAMHSA), hơn 2/3 trẻ em trải qua ít nhất một sự kiện chấn thương tâm lý trước tuổi 16.

Các sự kiện sau đây có thể gây chấn thương tâm lý thời thơ ấu:

  • Bị lạm dụng thân thể, tình dục hoặc tâm lý
  • Bị bỏ mặc
  • Mất người thân đột ngột
  • Thảm họa thiên nhiên
  • Bạo lực quy mô lớn như khủng bố hoặc bạo lực học đường
  • Tai nạn hoặc bệnh tật nghiêm trọng, đe dọa tính mạng
  • Chiến tranh, tị nạn...

2. Chấn thương ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?

Chấn thương có thể ảnh hưởng đến nhiều mặt cuộc sống của trẻ, bao gồm:

  • Sức khỏe thể chất: Trẻ có thể gặp các phản ứng căng thẳng cao hơn và các triệu chứng thể chất như đau đầu, đau bụng.
  • Sức khỏe tâm thần: Rối loạn lưỡng cực, trầm cảm, lo âu và rối loạn tâm thần.
  • Khả năng nhận thức: Ảnh hưởng đến quá trình xử lý thông tin và cảm xúc trong não bộ. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, học hỏi thông tin mới và lý luận một cách hiệu quả.
  • Lòng tự trọng: Chấn thương tuổi thơ có thể khiến trẻ có cảm giác xấu hổ, tội lỗi, vô dụng, tự trách bản thân, bất lực.
  • Điều tiết cảm xúc: Trẻ bị chấn thương có thể gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc, hay sợ hãi và lo âu.
  • Các mối quan hệ: Chấn thương thời thơ ấu có thể ảnh hưởng tới khả năng hình thành sự gắn bó giữa trẻ với người chăm sóc, người bề trên, bạn bè.

3. Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)

chua lanh chan thuong thoi tho au 2

Theo Bộ Cựu chiến binh Mỹ, 3 - 15% bé gái và 1 - 6% bé trai bị PTSD sau khi trải qua biến cố đau thương thời thơ ấu.

Trẻ bị PTSD có thể có các triệu chứng như:

  • Sợ hãi, buồn bã mãnh liệt
  • Không ngừng hồi tưởng lại sự kiện đau thương
  • Cảm thấy rất khó chịu khi bị khơi gợi ký ức về sự kiện đau thương
  • Trở nên thu mình, khép kín
  • Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực
  • Khó ngủ và gặp ác mộng
  • Né tránh những người hoặc những địa điểm liên quan đến chấn thương
  • Khó chịu và bộc phát sự tức giận
  • Dễ giật mình
  • Thường xuyên cảnh giác với các mối đe dọa
  • Tê liệt cảm xúc
  • Phủ nhận sự kiện đau thương đã xảy ra

4. Triệu chứng chấn thương thời thơ ấu ở người trưởng thành

chua lanh chan thuong thoi tho au 3

Chấn thương thời thơ ấu có thể gây ảnh hưởng kéo dài, đôi khi là suốt đời. 

Người trưởng thành có thể gặp những ảnh hưởng như:

4.1. Sức khỏe thể chất

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), những biến cố đau thương thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ một số bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Theo một đánh giá khoa học, những người từng trải qua chấn thương thời thơ ấu có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe sau cao hơn khi trưởng thành:

  • Rối loạn giấc ngủ
  • Bệnh tim
  • Bệnh ung thư
  • Bệnh tự miễn
  • Bệnh gan

4.2. Sức khỏe tinh thần

Những người trải qua chấn thương thời thơ ấu có thể có nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng cao hơn khi trưởng thành, bao gồm:

  • Trầm cảm
  • PTSD
  • Rối loạn tâm thần
  • Khó kiểm soát tức giận

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), cứ 3 ca mới được chẩn đoán sức khỏe tâm thần thì có 1 người liên quan đến những biến cố bất lợi trong thời thơ ấu.

4.3. Các mối quan hệ

Sang chấn tuổi thơ có thể gây căng thẳng độc hại, ảnh hưởng đến khả năng hình thành các mối quan hệ ổn định, lành mạnh.

Một nghiên cứu năm 2017 liên quan đến các cặp vợ chồng mới cưới cho thấy những người từng bị lạm dụng thời thơ ấu ít cảm thấy hài lòng trong mối quan hệ, ngay cả khi mới cưới, bất kể bạn đời có đặc điểm, hành vi như thế nào.

4.4. Lạm dụng chất gây nghiện

Chấn thương thời thơ ấu có thể dẫn đến lạm dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên và người trưởng thành, gây rối loạn sử dụng chất và thậm chí là nghiện.

5. Chữa lành chấn thương thời thơ ấu

chua lanh

Các phương pháp điều trị, hỗ trợ người trưởng thành từng trải qua chấn thương thời thơ ấu bao gồm:

5.1. Tâm lý trị liệu

Liệu pháp trò chuyện, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức tập trung vào chấn thương (CBT), có thể giúp bạn thay đổi cách suy nghĩ, năng lực, hành vi, đồng thời phát triển những cách lành mạnh để đối phó với ảnh hưởng lâu dài của chấn thương thời thơ ấu.

5.2. Hỗ trợ

Dành thời gian với bạn bè, người thân hoặc nhóm hỗ trợ có thể giúp bạn bớt cảm thấy bị cô lập và kiểm soát những ảnh hưởng của sang chấn tuổi thơ.

5.3. Giảm căng thẳng

Thực hành chánh niệm, tập thể dục hoặc các phương pháp giảm căng thẳng khác có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng và điều tiết cảm xúc.

5.4. Lối sống lành mạnh

Duy trì lịch trình ăn uống, ngủ nghỉ, tập thể dục và các hoạt động khác lành mạnh có thể giúp bạn đối mặt và giảm tác động tiêu cực của những chấn thương thời thơ ấu.

6. Khi nào nên nói chuyện với bác sĩ?

Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Mỹ) khuyến nghị liên hệ với chuyên gia y tế nếu một đứa trẻ bị chấn thương tâm lý có các triệu chứng như:

  • Trầm cảm
  • Tê liệt cảm xúc
  • Hồi tưởng
  • Dấu hiệu căng thẳng rõ ràng

Người trưởng thành bị ảnh hưởng về thể chất hoặc tinh thần do chấn thương thời thơ ấu cũng có thể nói chuyện với bác sĩ để được giúp đỡ và điều trị.

Điều này có thể bao gồm cả điều trị vấn đề sức khỏe thể chất và tìm chuyên gia sức khỏe tâm thần để giúp họ vượt qua những khó khăn trong cảm xúc và kiểm soát tình trạng sức khỏe tâm thần.

(Theo Medical News Today)

Hoàng Nguyên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO