Quá dày, quá nhiều dữ liệu và quá khó là những cảm xúc của bác sĩ Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) khi đọc lại tập bệnh án của bệnh nhân này.
Khi đọc lại bệnh án, ngay cả bác sĩ Chính, người có nhiều kinh nghiệm điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nặng vẫn thấy hồi hộp, cảm xúc dâng trào và vỡ oà khi lật dở tới trang cuối cùng.
Và để giúp mọi người có thêm những hình ảnh, những thông tin về cuộc chiến với tử thần đầy khốc liệt của các bác sĩ, nhân viên y tế khi giành lại sự sống cho người bệnh, bác sĩ Lương Quốc Chính đã chia sẻ một bài viết rất hay và ý nghĩa trên facebook cá nhân của mình.
Gia Đình Mới xin đăng tải lại bài viết của bác sĩ Lương Quốc Chính:
‘Hôm nay lục được cái bệnh án thuộc loại khủng trên kho và bất cứ bác sĩ nào khi nhìn thấy bệnh án này sẽ đều nghĩ rằng bệnh nhân sao mà nằm viện lâu thế, cỡ vài tháng mất.
Không, chỉ khoảng 40 ngày thôi - không quá ngắn và cũng chẳng quá dài, nhưng đây là khoảng thời gian thực sự khốc liệt đối với người bệnh, các bác sĩ và nhân viên y tế trong cuộc chiến chống lại tử thần.
Khoảng tháng 4 năm 2015, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chuyển tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai một bệnh nhân nữ, 57 tuổi, với chẩn đoán Viêm phổi/Giảm tiểu cầu tiên phát/Sử dụng corticoid kéo dài.
Tình trạng bệnh nhân khi vào viện chưa nặng lắm. Sau khi xử trí cấp cứu, bác sĩ trực cho bệnh nhân nhập viện vào Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai.
Tuy nhiên, bệnh nặng khó lường, chỉ 2 ngày sau bệnh nhân bị suy hô hấp do viêm phổi tiến triển nặng hơn thành Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS).
Bệnh nhân được đặt ông nội khí quản, thở máy và chuyển xuống Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.
Những ngày đầu ở Khoa Hồi sức Tích cực, tình trạng của bệnh nhân rất nặng, oxy máu rất thấp (chỉ số PaO2/FiO2 chỉ bằng 48 mmHg thôi).
Ai cũng nghĩ bệnh nhân này khó qua khỏi vì nhiều lý do như tổn thương phổi nặng không đáp ứng với thở máy (theo ARDS network), tụt huyết áp vì sốc nhiễm khuẩn... trên cơ địa đái tháo đường, suy giảm miễn dịch vì dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài để điều trị giảm tiểu cầu nguyên phát.
Trời quả không phụ lòng người, với sự mãnh mẽ của người bệnh, quyết tâm của các bác sĩ và nhân viên y tế, đặc biệt là những lo toan cả về tinh thần, sức lực và vật chất của gia đình dành cho người bệnh, chỉ sau hơn 40 ngày bệnh nhân được hồi sức tích cực bằng thở máy, trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO), lọc máu liên tục (CVVH), những loại thuốc tốt nhất, và đặc biệt là sự chăm sóc ân cần của nhân viên y tế... bệnh nhân đã sống, thậm chí sống khoẻ mạnh, và ra viện mà không cần tới sự hỗ trợ của bất cứ loại thiết bị và khí y tế nào.
Khi đọc lại bệnh án, ngay như bản thân mình đã từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân nặng như thế, mà vẫn thấy hồi hộp, cảm xúc dâng trào và vỡ oà khi lật dở tới trang cuối cùng.
Cả buổi chiều nay không làm được gì vì cái bệnh án này, nó quá dày, quá nhiều dữ liệu và quá khó để hiểu hết những diễn biến một cách chi tiết’.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Cuộc chiến với tử thần của các bác sĩ cấp cứu để giành lại sự sống cho người bệnh tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].