Kẽm là một vi khoáng chất đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thiếu kẽm gây ảnh hưởng đến hoạt động chức năng bình thường của các cơ quan. Hãy cùng tìm hiểu vai trò của kẽm đối với trẻ nhỏ thông qua bài viết dưới đây nhé!
1 Tác dụng của kẽm đối với trẻ nhỏ
Hỗ trợ thai nhi khỏe mạnh
Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung đủ lượng kẽm cần thiết trong thai kỳ, làm giảm tỷ lệ dị tật bẩm sinh, giảm nguy cơ sinh con nhẹ cân và giảm mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật.
Kẽm giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh, giảm tình trạng trẻ sinh non chậm phát triển trí tuệ, viêm da, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử, bệnh phổi mạn tính và bệnh võng mạc. Bổ sung kẽm trong thai kỳ là an toàn, không ảnh hưởng đến nguy cơ thai lưu hoặc tử vong sơ sinh.
Bổ sung đầy đủ kẽm giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh
Tăng cường hỗ trợ miễn dịch
Kẽm giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh ở trẻ em bằng cách hỗ trợ sự phát triển các tế bào lympho, các đại thực bào và bạch cầu. Do đó giúp bảo vệ cơ thể trẻ em khỏi sự tấn công của các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus.
Kẽm giúp bảo vệ trẻ em khỏi tác động của các tác nhân gây bệnh
Hỗ trợ sự phát triển của não bộ
Kẽm là nguyên tố cần thiết cho sự phát triển bình thường của não bộ và các chức năng nhận thức, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Cùng với vitamin B6, kẽm giúp tăng cường hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh, giúp các tế bào thần kinh hoạt động ổn định và nâng cao trí nhớ.
Kẽm giúp ổn định tế bào thần kinh và nâng cao trí nhớ
Thúc đẩy sự phát triển của trẻ sơ sinh
Kẽm hiện diện trong hơn 80 loại enzym cần thiết cho sự tổng hợp ADN, ARN, chuyển hóa protein và nhiều chức năng khác của tế bào và cơ thể.
Một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp của 78 thử nghiệm lâm sàng, cho thấy việc bổ sung kẽm đem lại hiệu quả tăng trưởng rõ rệt về chiều cao và cân nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi.
Xem thêm: Bảng chiều cao cân nặng của trẻ từ 0-18 tuổi chuẩn WHO mới nhất
Kẽm thúc đẩy phát triển chiều cao ở cả trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi
Hỗ trợ sự phát triển của sụn và xương
Kẽm thúc đẩy sự hình thành collagen giúp xương phát triển chắc khỏe, đồng thời phát triển sụn giúp khớp khỏe mạnh. Ngoài ra, kẽm còn có ảnh hưởng đến hệ thống truyền tin tế bào điều khiển hoạt động của hormon điều hòa tăng trưởng (IGF-1) trong cơ thể.
Kẽm hỗ trợ sự phát triển xương và sụn ở trẻ
Hỗ trợ điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ (ADHD)
Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn phát triển thần kinh, ảnh hưởng tới 5 - 12% trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng ở trẻ mắc chứng ADHD có nồng độ kẽm trong máu thấp, làm giảm sản xuất chất dẫn truyền thần kinh gây cản trở hoạt động của não. Vì vậy, việc bổ sung kẽm có thể giúp cải thiện các triệu chứng tăng động và giúp hỗ trợ sự tập trung, chú ý của trẻ.
Bổ sung đầy đủ kẽm giúp cải thiện triệu chứng tăng động và bốc đồng ở trẻ
Cải thiện tình trạng cảm cúm ở trẻ nhỏ
Nhiều nghiên cứu chứng minh việc bổ sung kẽm dưới dạng viên ngậm hoặc siro giúp rút ngắn thời gian xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh.
Tuy nhiên việc sử dụng viên ngậm kẽm liên tục sẽ dẫn đến việc hấp thu một lớn lượng kẽm, nếu kéo dài (6 - 8 tuần) có thể dẫn đến thiếu đồng.
Kẽm có tác dụng cải thiện tình trạng cảm cúm ở trẻ
Giảm nguy cơ bị tiêu chảy
Nhiều nghiên cứu cho thấy thiếu kẽm làm tăng khả năng nhiễm khuẩn đường ruột, là nguyên nhân chính gây ra tiêu chảy ở trẻ, đồng thời cũng có thể làm tăng tác động của độc tố do vi khuẩn gây ra.
Ngược lại, tiêu chảy kéo dài cũng sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu kẽm và suy dinh dưỡng ở trẻ em. Do đó, việc bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp giảm nguy cơ bị tiêu chảy ở trẻ.
Việc bổ sung đầy đủ kẽm giúp giảm nguy cơ tiêu chảy ở trẻ
Hạn chế tình trạng viêm phổi
Kẽm là một yếu tố quan trọng của hệ miễn dịch, có khả năng chống oxy hóa và hỗ trợ phản ứng viêm. Một nghiên cứu cho thấy bổ sung kẽm giúp cải thiện kết quả điều trị viêm phổi ở trẻ em, ổn định nồng độ oxy và nhiệt độ cơ thể nhanh hơn so với giả dược.
Kẽm giúp cải thiện tình trạng viêm phổi ở trẻ
Chữa lành vết thương nhỏ
Kẽm là một yếu cần thiết cho sự phát triển của tế bào, tái tạo mô để chữa lành vết thương. Vì vậy, kẽm đặc biệt hiệu quả đối với trẻ em vì chúng thường dễ bị trầy xước hay vết thương nhỏ.
Kẽm có vai trò tái tạo mô để chữa lành vết thương
Hỗ trợ phát triển nhận thức
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng thiếu kẽm trong giai đoạn sơ sinh sẽ cản trở sự phát triển bình thường của não và các chức năng nhận thức.
Ngoài ra một nghiên cứu khác cho thấy rằng việc bổ sung kẽm sau khi sinh giúp trẻ mới biết đi khỏe mạnh hơn và hoạt động chức năng tốt hơn.
Kẽm có tác dụng hỗ trợ phát triển nhận thức
Kích thích trẻ thèm ăn
Thiếu kẽm làm giảm vị giác và khứu giác, do đó trẻ sẽ cảm thấy chán ăn, ăn không ngon. Một nghiên cứu trên trẻ mẫu giáo từ 2 - 6 tuổi ở Iran, cho thấy việc bổ sung kẽm đầy đủ giúp cải thiện chứng biếng ăn ở trẻ.
Hơn nữa, bổ sung kẽm đầy đủ còn duy trì cảm giác thèm ăn lành mạnh, từ đó cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng một cách có hiệu quả.
Kẽm giúp duy trì cảm giác thèm ăn ở trẻ
Duy trì sức khỏe đường ruột
Kẽm thúc đẩy khả năng chống nhiễm trùng của niêm mạc bằng cách hỗ trợ hoạt động của các tế bào miễn dịch và sản xuất kháng thể chống lại mầm bệnh. Do đó, thiếu kẽm làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường ruột, gây ra tiêu chảy ở trẻ em.
Kẽm hỗ trợ hoạt động của tế bào miễn dịch giúp duy trì sức khỏe đường ruột
2 Trẻ cần bao nhiêu kẽm mỗi ngày?
Nhu cầu kẽm ở trẻ tăng dần theo độ tuổi và nhiều hơn ở bé trai do cần thiết cho chức năng sinh sản. Theo Lượng Tiêu thụ Khuyến nghị (DRI), nhu cầu kẽm hàng ngày của trẻ em là:
Độ tuổi | Nhu cầu kẽm hàng ngày (mg/ngày) |
0 - 6 tháng tuổi | 2 |
7 - 12 tháng tuổi | 3 |
1 - 3 tuổi | 3 |
4 - 8 tuổi | 5 |
9 - 13 tuổi | 8 |
14 tuổi trở lên | Nam: 11 Nữ: 9 |
Trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi cần được cung cấp 2mg kẽm mỗi ngày
3 Dấu hiệu cơ thể thiếu kẽm ở trẻ
Thiếu kẽm là một vấn đề đáng quan tâm ở trẻ bởi tầm quan trọng của chúng đối với các chức năng sống của cơ thể. Một số dấu hiệu thiếu kẽm ở trẻ mà phụ huynh cần lưu ý:
- Thiếu tỉnh táo và tập trung, nhận thức chậm, rối loạn thần kinh do thiếu kẽm làm giảm tốc độ dẫn truyền thần kinh.
- Suy giảm chức năng miễn dịch, dễ bị tấn công bởi mầm bệnh gây các bệnh nhiễm trùng (cảm cúm, viêm phổi).
- Rối loạn hấp thu và chuyển hóa chất, đặc biệt là canxi làm ảnh hưởng sự phát triển thể chất, xương khớp của trẻ.
- Gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, mất cảm giác ngon miệng làm trẻ chán ăn, chậm phát triển.
Trẻ cảm thấy chán ăn là một trong những dấu hiệu thiếu kẽm
4 Bổ sung kẽm đúng cách
Kẽm có nhiều công dụng, tuy nhiên mẹ cần chú ý bổ sung kẽm đúng cách cho bé để có thể phát huy hiệu quả tối đa.
- Cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì đây là nguồn dinh dưỡng quý giá cho bé bởi ngoài kẽm, nó còn chứa một lượng kháng thể dồi dào.
- Xây dựng chế độ ăn đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé. Việc bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C giúp hấp thu kẽm tốt hơn. (Xem thêm các sản phẩm vitamin C bổ sung chất dịnh dưỡng, tăng sức đề kháng)
- Sử dụng các loại siro chứa kẽm, đặc biệt là các chế phẩm chứa kẽm hữu cơ, kết hợp với các loại vitamin (vitamin B, vitamin C, vitamin D3).
- Nên uống kẽm trước hoặc sau ăn 1 - 2 giờ và tốt nhất nên uống buổi tối để giảm cảm giác buồn nôn, nôn mửa.
- Tránh bổ sung kẽm đồng thời với các nguyên tố khoáng khác như canxi, sắt.
5 Các thực phẩm giàu kẽm cho trẻ
Thực phẩm chứa kẽm khá đa dạng, mẹ có thể tham khảo để lựa chọn và bổ sung vào thực đơn hàng ngày để cung cấp đủ kẽm cho sự phát triển toàn diện của bé:
- Thịt và hải sản: thịt bò, thịt heo, thịt gà, tôm, cua, sò, hàu,...
- Các loại hạt và ngũ cốc: các loại đậu, lúa mì, hạt bí, hạt điều,...
- Rau củ quả: nấm, măng tây, cải xoăn, bông cải xanh, bơ, mận,...
- Sữa chua.
Bông cải xanh là một trong những loại thực phẩm giàu kẽm
Xem thêm:
- Các sản phẩm kẽm dạng nước tốt dành cho trẻ em.
- Bổ sung kẽm cho bé đúng cách, an toàn, hiệu quả bố mẹ không nên bỏ qua.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp mẹ biết được tầm quan trọng của kẽm và làm thế nào để bổ sung kẽm đúng cách cho bé. Nếu thấy bài viết hay và ý nghĩa, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè cùng biết nhé!
Bạn đang xem bài viết Kẽm có tác dụng gì với trẻ? 13 tác dụng của kẽm với trẻ em tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].