Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, F0 được phân loại thành 4 nhóm nguy cơ và có hướng xử trí, cách ly, điều trị cụ thể như sau:
Nguy cơ thấp (màu xanh): Tuổi từ 3 tháng trở lên đến dưới 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc-xin sức khoẻ chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên.
Đối với nhóm này được chăm sóc tại nhà riêng (đủ điều kiện theo quy định). Trạm y tế, nhân viên y tế, tình nguyện viên… theo dõi, quản lý người nhiễm, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn. Cùng với đó, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, vận động, theo dõi sức khoẻ liên tục, đánh giá nguy cơ. Đồng thời, cung cấp gói chăm sóc tại nhà (Thuốc kháng vius, vitamin, nhu yếu phẩm…).
Nguy cơ trung bình (màu vàng): Từ 50-64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc-xin; tuổi từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi và chưa tiêm đủ liều vắc-xin; có dấu hiệu như: Sốt, ho, đau họng, khó thở nhẹ… và SpO2 từ 97% trở lên.
Nhóm này điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị COVID-19 (tầng 1). Nếu cơ sở điều trị tầng 1 của địa phương quá tải thì có thể xem xét điều trị tại cộng đồng.
Theo hướng dẫn, với nhóm nguy cơ trung bình cần theo dõi sát sao, phát hiện sớm dấu hiệu thay đổi cần nhập viện ngay hoặc chuyển tầng cao hơn. Việc điều trị bằng thuốc kháng virus; điều trị triệu chứng như: Hạ sốt, giảm đau, giảm ho cùng với nâng cao thể trạng, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, hỗ trợ tâm lý…
Nguy cơ cao (màu cam): Tuổi từ 65 trở lên và đã tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc-xin; từ 50-64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc-xin; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày; trẻ em từ dưới 3 tháng tuổi; SpO2 từ 94%-96%.
Với nhóm này điều trị tại Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 (tầng 2). Theo dõi phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn; điều trị thuốc kháng virus, dinh dưỡng, điều trị dự phòng thuốc chống đông, bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ ôxy và dùng thuốc chống viêm khi suy hô hấp; theo dõi điều trị kết hợp bệnh lý nền.
Nguy cơ rất cao (màu đỏ): Tuổi từ 65 tuổi trở lên và chưa tiêm đủ liều vắc-xin; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc-xin; có tình trạng cấp cứu; SpO2 dưới 94%. Nhóm này điều trị tại Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 (tầng 2, 3); Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 (căn cứ theo chỉ định của bác sĩ và số giường bệnh).
Với nhóm nguy cơ rất cao, việc điều trị tập trung hỗ trợ thở: Thở ô xy, thở HFNC, thở máy, ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), hỗ trợ các cơ quan suy chức năng (chạy thận, lọc máu, trợ tim, vận mạch…).
Đồng thời, điều trị chống viêm, chống đông, kháng sinh, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, phòng ngừa biến chứng… Theo dõi điều trị kết hợp bệnh lý nền, chuyển tầng điều trị thấp hơn nếu đáp ứng điều trị.
Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đề cập 7 nguyên tắc điều trị F0, trong đó theo dõi, chăm sóc các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và các ca bệnh nhẹ ngay tại nhà (nếu đủ điều kiện).
Ngoài ra, tập trung điều trị tốt ngay tại tầng 1, tầng 2 cho người bệnh, tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh nặng ở tầng trên. Mỗi cơ sở thu dung bố trí ít nhất “2 tầng điều trị” và bảo đảm tỷ lệ giường bệnh hồi sức tích cực theo phân tầng điều trị. Cùng với đó, tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, tầng trên chỉ đạo tuyến cho tầng dưới để điều trị hiệu quả ngay tại tầng dưới…
An AnBạn đang xem bài viết Hướng dẫn mới về cách ly, điều trị F0, người nào được điều trị tại nhà, người nào đi viện tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].