Bộ Y tế cho biết, đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết, 72 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, năm nay, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng xuất hiện sớm hơn, tăng nhanh hơn, tỉ lệ tử vong cao hơn hẳn so với các năm trước đó.
Nguyên nhân, theo ông Cấp, có thể do đặc tính của chủng vi rút Dengue gây bệnh năm nay, cũng có thể vì quần thể bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mắc bệnh này sau mắc COVID-19, có các thay đổi về miễn dịch, ảnh hưởng diễn biến trên bệnh nhân.
Bên cạnh đó, ngành y tế đang gặp khó khăn, nhiều nơi thiếu thuốc hoặc nhân lực, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Ngày 9/9, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi đến các cơ sở nhập khẩu thuốc về việc cung ứng dịch truyền dextran để điều trị sốc sốt xuất huyết.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue, dung dịch cao phân tử được hướng dẫn sử dụng trong điều trị sốc sốt xuất huyết gồm: dextran 40, dextran 70, hydroxyethyl starch 6% 200.000 dalton.
Các dịch truyền chứa dextran 40 hoặc dextran 70 hiện không có sản phẩm nào có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Do đó việc cung ứng thuốc phải thông qua hình thức cấp phép nhập khẩu chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Tuy nhiên việc nhập khẩu thuốc gặp nhiều khó khăn do hạn chế về cơ sở nước ngoài cung ứng thuốc vào Việt Nam (hiện chỉ có một cơ sở sản xuất ở Thái Lan cung ứng dịch truyền này cho nước ta).
Tổng cộng nhu cầu dịch truyền của các cơ sở khám chữa bệnh của cả nước là hơn 31.200 túi. Trong đó, 32 đơn vị có công văn đề xuất nhu cầu là 13.708 túi dextran 40 và cam kết nhận hàng.
Ngoài ra 25 đơn vị khác đề xuất với 17.537 túi dextran. Tuy nhiên, thông tin đề xuất của 25 đơn vị này mới chỉ được ghi nhận trên hệ thống dự trù trực tuyến của Cục Quản lý khám chữa bệnh mà chưa có công văn dự trù. Các bệnh viện được nêu tên như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (đề xuất 100 túi), Bệnh viện Thống Nhất (40 túi)...
Cục Quản lý dược đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc có chứa dextran 40 hoặc dextran 70.
Sau khi tìm được nguồn cung ứng, liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Cục Quản lý dược.
Bên cạnh đó cung ứng thuốc đầy đủ theo dự trù của các sở Y tế, bệnh viện, viện có giường trực thuộc bộ khi nhập khẩu được thuốc.
Sốt xuất huyết Dengue là gì?
Sốt xuất huyết Dengue (Dengue hemorrhagic fever, DHF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang virus gây bệnh (giống muỗi Aedes aegypti).
Bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, chủ yếu tập trung tại những khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, nhiều ao nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của muỗi. Trước đây, trẻ em là đối tượng chủ yếu mắc sốt xuất huyết Dengue, nhưng hiện tại rất nhiều trường hợp người lớn cũng mắc bệnh và nguy cơ tử vong khá cao.
Cho đến nay, chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết Dengue. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể tự khỏi sau khoảng một tuần. Đối với những trường hợp nặng, việc điều trị bệnh chủ yếu là hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực.
Những triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue tương tự như cúm, thường kéo dài khoảng từ 2 - 7 ngày. Sau khi bị đốt bởi muỗi mang mầm bệnh, các triệu chứng thường chưa xuất hiện ngay mà theo sau bởi một thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày. Sốt cao (40°C) là biểu hiện điển hình của sốt xuất huyết, kèm theo ít nhất hai trong số những triệu chứng sau, bao gồm:
- Phát ban da
- Nhức đầu
- Đau hốc mắt
- Buồn nôn, nôn
- Sưng hạch bạch huyết
- Đau mỏi các cơ, xương và khớp.
Giai đoạn biến chứng nghiêm trọng thường xảy ra vào ngày thứ 3 - 7 sau khi khởi phát triệu chứng. Vào lúc này, thân nhiệt giảm, song điều đó không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngược lại, bệnh nhân cần được tích cực theo dõi, vì bệnh có nguy cơ tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue thể nặng, đặc biệt với những dấu hiệu cảnh báo như sau:
- Cơn đau bụng cấp
- Nôn ói dai dẳng
- Chảy máu chân răng
- Nôn ra máu
- Thở gấp, thở ngắn
- Mệt mỏi, bứt rứt, suy kiệt.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hơn 190.000 ca mắc, 72 bệnh nhân qua đời vì virus Dengue, Bộ Y tế tìm khẩn nguồn thuốc điều trị tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].