Trong đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam (từ 27/4 đến hôm nay 9/6) cả nước ghi nhận 6.044 ca mắc COVID-19. Đây là đợt dịch có số ca nhiễm lớn nhất.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đánh giá, so với các đợt dịch lần trước thì đợt dịch lần này có một số điểm khác biệt. Đó là số lượng bệnh nhân lớn tạo nên sức ép lớn đối với hệ thống điều trị. Chủng virus Ấn độ diễn biến lâm sàng nhanh hơn, tỷ lệ bệnh nhân phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn các đợt dịch trước của các chủng khác.
Các biện pháp kỹ thuật can thiệp cũng nhiều hơn như lọc máu, ECMO. Đây là gánh nặng lớn với hệ thống hồi sức cấp cứu trong điều trị COVID-19. Số lượng bệnh nhân lớn nên số các ca nặng cũng nhiều hơn.
Cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống điều trị COVID-19 chưa bị quá tải. Ở tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh, dù có nhiều bệnh nhân nhiễm, nhưng hệ thống điều trị vẫn đang đáp ứng được. Tại Bắc Ninh, chú trọng nâng cao năng lực điều trị của tuyến đầu. Khi các bệnh viện dã chiến điều trị tốt, tỷ lệ diễn biến nặng, nguy kịch sẽ thấp đi, làm giảm gánh nặng đối với Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện tỉnh cũng như các ca phải chuyển về tuyến Trung ương.
Tại Bắc Giang, các y bác sĩ cũng nỗ lực triển khai bệnh viện dã chiến cũng như hệ thống giường hồi sức cấp cứu để đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân.
Về việc Việt Nam có áp dụng việc điều trị các bệnh nhân COVID-19 ở nhà như nhiều nước trên thế giới, bác sĩ Cấp cho rằng, với số bệnh nhân mắc như hiện nay vẫn chưa vượt quá khả năng điều trị nên ưu tiên chiến lược điều trị tất cả bệnh nhân tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, bác sĩ Cấp cũng phân tích những bất cập khi điều trị COVID-19 tại nhà:
Thứ nhất, đa số các gia đình Việt Nam sống chung 2-3 thế hệ, trong đó có cả người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền. Khi bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, nguy cơ bệnh nhân lây nhiễm cho người thân rất lớn. Từ đó lại gia tăng số ca mắc.
Thứ hai, khi tự điều trị COVID-19 tại nhà, bệnh nhân khó phát hiện ra sự thay đổi bệnh lý để kiểm soát sớm. Nếu bệnh trở nặng mới vào viện, hiệu quả điều trị sẽ rất thấp.
Việc điều trị tại cơ sở y tế rất có lợi bởi đa phần bệnh nhân mắc Covid-19 đều diễn biến nhẹ ở tuần đầu tiên, sang tuần thứ hai mới trở nặng. Nếu phát hiện sớm và được xử lý sớm, tỷ lệ bệnh nhân rất nặng và nguy kịch sẽ giảm, kéo theo tỷ lệ tử vong giảm.
V.LinhBạn đang xem bài viết Hơn 1 tháng có tới 6.000 ca COVID-19 mới, Việt Nam có áp dụng điều trị bệnh nhân tại nhà? tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].