Báo Điện tử Gia đình Mới

Hà Nội cấy 'gen' thông minh trong mọi quy hoạch

Để phát triển đô thị thông minh một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hà Nội đã cấy 'gen' thông minh trong mọi quy hoạch.

Hà Nội có lợi thế quan trọng nhưng rất nhiều thách thức khi xây dựng thành phố thông minh

Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết xây dựng thành phố thông minh, Hà Nội có vị thế, cơ hội và cũng nhiều thách thức.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh Hà Nội có vị thế, cơ hội và cũng nhiều thách thức khi xây dựng thành phố thông minh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh Hà Nội có vị thế, cơ hội và cũng nhiều thách thức khi xây dựng thành phố thông minh.

Về lợi thế, Hà Nội có dân số chiếm gần 8,4% dân số cả nước; tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2022 tăng 8,89%; tổng thu ngân sách 9 tháng/2023: 305.300 tỷ đồng, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022. 

Công cuộc xây dựng thành phố thông minh cho Hà Nội bước đầu đã có những cơ chế, chính sách cụ thể làm nền tảng: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 2/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hà Nội cũng là địa phương có nhiều khu đô thị được quy hoạch thông minh nhất cả nước 3 khu: Vinhome Ocean Park, Vinhome Smart City và mới đây nhất là Thành phố thông minh Bắc Hà Nội.

Tuy nhiên, Hà Nội đang chịu áp lực lớn giải bài toán xây dựng thành phố thông minh để phát triển Kinh tế - Xã hội xứng tầm Thủ đô. Thành phố phải đối mặt với những thách thức không nhỏ như: dân số đông, gia tăng cơ học một cách nhanh chóng; Những vấn đề bất cập do hạ tầng giao thông chưa kịp phát triển để đáp ứng tốc độ đô thị hóa; Ô nhiễm môi trường và các vấn đề liên quan đến cấp/thoát nước, xử lý ngập nước…

Theo báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông, Hà Nội đang cần giải quyết rất nhiều bài toán liên quan đến dữ liệu số: Dữ liệu thì vừa thiếu, vừa thừa; khai thác dữ liệu khó khăn, chưa có chuẩn kết nối, độ chính xác chưa cao, mô hình thông tin, chiến lược dữ liệu cũng cần được chú trọng đầu tư bài bản hơn.

Về các nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm xây dựng Thành phố thông minh, Hà Nội xác định gồm hạ tầng kinh tế xã hội thông minh: Y tế, văn hóa, giáo dục, kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, thương mại thông minh. Hà Nội cũng xác định, để tạo nền móng chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh cần phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nhân lực số; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Hà Nội đặt yếu tố thông minh trong mọi quy hoạch

Đề cập đến các giải pháp chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh tiến trình đưa Hà Nội trở thành thành phố thông minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Hà Nội đang triển khai các phần việc rất quan trọng theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị là: điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô, sửa đổi Luật Thủ đô, trong đó, nội dung xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xanh, phát triển bền vững được bao trùm và nhắc lại nhiều lần.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết

Mục tiêu đến 2045 Thủ đô là thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm với thủ đô các nước trên thế giới. Với nhiệm vụ quan trọng đó, Hà Nội xác định chuyển đổi số là đột phá, thông minh, hiệu quả. 

Phó Chủ tịch UBND TP phân tích, dữ liệu số là gốc rễ của mọi vấn đề. Đây là nguồn tài nguyên mới mang tính quyết định mọi khía cạnh của chuyển đổi số. Muốn xây dựng thành phố thông minh, muốn chuyển đổi số thì phải bắt nguồn từ dữ liệu. Dữ liệu là cơ sở để chúng ta phân tích, ra quyết định trong bối cảnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

Hà Nội xác định rõ cơ sở dữ liệu là đặc biệt quan trọng. Thành phố đã ban hành danh mục dữ liệu, tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn khó khăn bất cập. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu 2 khó khăn vướng mắc đó là: cơ chế thu thập dữ liệu. Ngay chuyện rà soát dữ liệu để số hóa cũng phải tính toán để làm sao nhanh nhất, cấu trúc chuẩn, mà không lãng phí. Thứ hai, là cơ chế chia sẻ dữ liệu cần rà soát quy định, cách thức chia sẻ thế nào để hiệu quả nhất.

Với việc thành phố thông minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh trong điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô đã cấy được “gen” thông minh trong mọi quy hoạch.

“Thành phố thông minh, phát triển bền vững phải có mục tiêu xuyên suốt là lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Cuộc sống người dân phải được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Sản phẩm mà người dân thấy được, được thụ hưởng phải là thành phố thông minh”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ: “Phát triển đô thị thông minh chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô của đô thị nhưng tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn của đô thị bao gồm giao thông, môi trường, năng lượng, xử lý rác thải, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị,... Và để đạt được những nội dung này một cách bài bản thì các yếu tố thông minh phải được xác định, tính toán và đưa vào ngay từ khi quy hoạch đô thị, thành phố.

Phát triển đô thị thông minh chính là xây dựng một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả dựa trên việc ứng dụng các công nghệ có tính đổi mới, sáng tạo, không phải một tập hợp rời rạc các hệ thống, ứng dụng của các cơ quan chuyên môn do các vấn đề trong đô thị có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Các địa phương phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, không tách rời, không trùng lặp, tất cả đều hướng đến mục tiêu lấy người dân làm trung tâm. Người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể tham gia thông qua các hình thức đầu tư xã hội hóa. Các đơn vị liên quan cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế -xã hội”.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO