Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia

Hội chứng ruột kích thích (IBS), hay còn gọi là đại tràng co thắt là bệnh phổ biến ở cả nam giới lẫn phụ nữ. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, cách điều trị, kinh nghiệm chữa bệnh này một cách toàn diện nhất.

Chuyên đề đặc biệt Hội chứng ruột kích thích (IBS) được thực hiện với sự tư vấn của các chuyên gia:

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia 0

-PGS. TS. BSCC Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Tiêu hóa, Gan mật; nguyên Phó Giám đốc BV Nông nghiệp 

-Lương y Nguyễn Thúy (phòng khám Đông y Ích Thọ Đường, Hà Nội)

 

 NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

1. Hội chứng ruột kích thích là gì?

Có tới 15% - 20% dân số trên thế giới mắc hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome - IBS). Ở Việt Nam có thể chiếm tỷ lệ còn cao hơn.

Đáng chú ý, phụ nữ mắc ruột kích thích nhiều hơn nam giới từ 2 – 3 lần. Nguyên nhân có thể do phụ nữ thường gặp phải nhiều vấn đề khiến họ stress, căng thẳng.

Không chỉ lo lắng vì áp lực công việc, chị em còn trách nhiệm lớn với gia đình, chăm con, đưa đón con đi học, lo đối nội đối ngoại... Với người nào có đường ruột nhạy cảm, khi stress như vậy họ dễ mắc ruột kích thích.

  PGS. TS. Bác sĩ cao cấp Nguyễn Duy Thắng cho biết: Bác sĩ cần giải thích cho người mắc hội chứng ruột kích thích hiểu rõ về bệnh, từ đó điều trị mới hiệu quả.

PGS. TS. Bác sĩ cao cấp Nguyễn Duy Thắng cho biết: Bác sĩ cần giải thích cho người mắc hội chứng ruột kích thích hiểu rõ về bệnh, từ đó điều trị mới hiệu quả.

Hiểu thế nào cho đúng về hội chứng ruột kích thích, còn được gọi là đại tràng co thắt?

Ruột già, còn có tên gọi khác là đại tràng, nối giữa ruột non với trực tràng và hậu môn. Các chức năng chính của ruột già là hấp thụ nước, chất dinh dưỡng và muối từ các thực phẩm đã được tiêu hóa một phần ở ruột non. Phần chất thải sau khi tiêu hóa sẽ được ruột già đẩy xuống trực tràng và hậu môn.

Cơ chế hoạt động của ruột già như sau: Một ngày co bóp vài lần, đẩy phân xuống trực tràng, dẫn đến nhu cầu đại tiện. Sự co bóp này được điều khiển bởi các dây thần kinh, kích thích tố, và các xung bên trong các cơ của ruột già.

Nếu các cơ của ruột già, cơ vòng và xương chậu không kết hợp một cách đúng đắn, cũng như ruột già quá nhạy cảm trước các kích thích, sẽ dẫn đến cơ chế nêu trên (sự co thắt) diễn ra không bình thường. 

Hệ quả là bệnh nhân bị các triệu chứng như đau quặn bụng, bụng nổi u cục, đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, cảm giác đi ngoài không hết phân...

1.1 Hội chứng ruột kích thích phân loại theo Tây y

Theo Tây y, chứng ruột kích thích được chia làm 4 thể:

  • Hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C): nguyên nhân do đại tràng co thắt quá chậm, dẫn đến thành ruột hút hết nước ở các chất thải trong quá trình hình thành. Phân thải ra do đó bị khô và dẫn đến táo bón.

  • Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy (IBS-D): Ngược lại với thể táo bón, thể này là tình trạng đại tràng co thắt quá nhanh, không kịp hấp thụ hết nước ở các chất thải. Do đó phân thải ra ngoài bị lỏng, gây ra tình trạng tiêu chảy.

  • Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp (IBS-M): Một số người đại tràng co thắt bất thường, dẫn đến tình trạng vừa táo bón vừa tiêu chảy.

  • Hội chứng ruột kích thích thể chưa được phân loại (IBS-U): là những trường hợp có đầy đủ những triệu chứng của bệnh, nhưng tình trạng phân không đúng với 3 trường hợp trên.

Tùy theo từng thể bệnh, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả, giảm thiểu các triệu chứng bệnh.

1.2 Hội chứng ruột kích thích phân loại theo Đông y

Theo Đông y có thể chia bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích theo thể hàn và thể nhiệt, thể khí trệ.

  • Thể hàn: có thể bị đau bụng hoặc không, đại tiện lỏng nát, người lạnh, chân tay lạnh, sắc mặt môi miệng nhợt. Thích uống nước nóng, ăn đồ nóng. Thích chườm nóng vào bụng.

  • Thể nhiệt: người mắc chứng ruột kích thích thể nhiệt đại tiện táo bón, thích uống nước nguội, ăn đồ mát. Môi miệng đỏ, lưỡi đỏ, tưa lưỡi vàng. Môi miệng khô khát. Có thể thấy đau ở hố chậu trái hoặc phải.

  • Ngoài ra, bệnh nhân có thể vừa bị đi ngoài táo, vừa bị đi ngoài lỏng (ban đầu táo, sau đó lỏng trong một lần đi ngoài).

  • Thể khí trệ: Một triệu chứng khá phổ biến nữa là bệnh nhân bị đầy hơi, trướng bụng (khí trệ). Những người này ăn kém, khó tiêu, trung tiện được thì bụng nhẹ, thích xoa bóp nhẹ.
  Lương y Nguyễn Thúy cho biết cần khám kỹ qua đúng 4 bước 'Vọng, văn, vấn, thiết' để chẩn đoán đúng bệnh

Lương y Nguyễn Thúy cho biết cần khám kỹ qua đúng 4 bước "Vọng, văn, vấn, thiết" để chẩn đoán đúng bệnh

Đông y có tổng kết là phải khám đủ 4 bước: Vọng – Văn – Vấn – Thiết thì mới chẩn đoán đúng.

Trong đó Vọng tức là xem sắc mặt, các biểu hiện bên ngoài của bệnh nhân, Văn là nghe tiếng nói của bệnh nhân, Vấn là hỏi bệnh, khai thác các triệu chứng bệnh. Cuối cùng là Thiết – tức là bắt mạch.

Ngoài ra, để có thể xác định đúng là bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích, tức đại tràng co thắt, thì bác sĩ Đông y cũng cần tham khảo kết quả nội soi đại tràng, để loại trừ các căn bệnh có triệu chứng tương tự như viêm đại tràng.

  Ruột kích thích chính là tình trạng đại tràng quá nhạy cảm, dẫn đến co thắt bất thường

Ruột kích thích chính là tình trạng đại tràng quá nhạy cảm, dẫn đến co thắt bất thường

2. Những triệu chứng điển hình của Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia 4

Lý giải nguyên nhân hội chứng ruột kích thích và lý do người bệnh liên tục buồn đi ngoài

 
ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH

Khi nào hội chứng ruột kích thích cần phải đi khám bác sĩ?

Các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa cảnh báo nếu gặp một trong những triệu chứng sau, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ ngay:

1. Chảy máu trực tràng

Đây là triệu chứng không thường gặp ở người mắc hội chứng ruột kích thích, tuy nhiên, tình trạng này vẫn có nguy cơ xảy ra. Chảy máu có thể do bạn bị hội chứng ruột kích thích thể táo bón, hoặc trĩ do mắc hội chứng này quá nặng.

Nếu thấy có một lượng lớn máu trong phân, hoặc liên tục bị chảy máu mỗi khi đi ngoài, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt. 

2. Bị hội chứng ruột kích thích và giảm cân 

Nếu đột nhiên bị giảm cân không rõ lý do, bạn cần được chăm sóc y tế càng sớm càng tốt.

Nhiều người mắc hội chứng ruột kích thích dai dẳng không khỏi rơi vào tình trạng người xanh xao, mệt mỏi, không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Kèm theo đó, sức đề kháng của người bệnh cũng bị giảm đáng kể. Có nhiều người bệnh bị suy dinh dưỡng, thiếu nước và chất điện giải trầm trọng. 

3. Sốt, nôn và thiếu máu

Chỉ cần có 1 trong số 3 biểu hiện trên, bạn cũng không nên bỏ qua.

Bất kỳ vấn đề nào trong số này cũng có thể dẫn tới tình trạng nghiêm trọng khác. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân.

4. Lo lắng, mất ngủ kéo dài

Hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu tình trạng này xảy ra. Trầm cảm, căng thẳng, lo lắng là căn nguyên gây nên hội chứng ruột kích thích, tuy nhiên ngược lại, bị hội chứng ruột kích thích nặng cũng khiến bạn lo lắng nhiều hơn. Để "vòng tròn luẩn quẩn" này diễn ra càng lâu, bệnh của bạn càng trở nên trầm trọng. 

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm để điều trị tình trạng bệnh này.


Điều trị hội chứng ruột kích thích: Nên dùng thuốc Tây y hay Đông y?

Hầu hết những người mắc hội chứng ruột kích thích có thể kiểm soát triệu chứng này bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, thay đổi lối sống nhằm hạn chế căng thẳng, dùng các loại thuốc theo kê đơn của bác sĩ.

Hội chứng ruột kích thích có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Chính vì vậy việc đầu tiên là bạn phải xác định một số nguyên nhân khiến hội chứng ruột kích thích mình mắc phải trở nên tồi tệ hơn, từ đó áp dụng phương pháp điều trị đúng.

Không có một phương pháp điều trị đơn lẻ nào giải quyết được hội chứng ruột kích thích. Sau đây là một số phương pháp điều trị mà bạn có thể được bác sĩ gợi ý kết hợp:

1. Thuốc Tây y điều trị hội chứng ruột kích thích

Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn sử dụng một số loại thuốc sau:

- Tùy thuộc vào thể bệnh mà bạn mắc phải, bạn sẽ được kê đơn thuốc bổ sung chất xơ, thuốc nhuận tràng chống táo bón hoặc thuốc làm giảm tiêu chảy, chẳng hạn như diphenoxylate và atropine (Lomotil) hoặc loperamide (Imodium).

- Bạn có thể được kê đơn thuốc chống co thắt đại tràng, giúp kiểm soát co thắt lớp cơ ở đại tràng và làm giảm đau bụng. Một loại thuốc chống co thắt đại tràng được sử dụng phổ biến hiện nay là Spasmomen 40mg.

- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể làm giảm một số triệu chứng. Tuy nhiên, một số loại thuốc chống trầm cảm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón, vì vậy bác sĩ cũng sẽ kê toa thuốc giãn cơ trong bàng quang và ruột, chẳng hạn như kết hợp belladonna alkaloid và phenobarbital (Donnatal Theo) và chlordiazepoxide và clidinium bromide (Librax).

Các loại thuốc này có chứa một thuốc an thần nhẹ, có thể gây nghiện, vì vậy cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Một loại thuốc đặc biệt để điều trị hội chứng ruột kích thích là alostron hydrochloride (Lotronex). Tuy nhiên, Lotronex nên được sử dụng  thận trọng bởi vì thuốc có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng như chứng táo bón nặng hoặc giảm lưu lượng máu cho đại tràng.

Với bất kỳ loại thuốc nào, thậm chí các loại thuốc như thuốc nhuận tràng và bổ sung chất xơ, người bệnh cần lưu ý uống đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không nên tự động mua thuốc uống, uống theo đơn thuốc của người khác.

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia 5

Vì sao hội chứng ruột kích thích thường bị tái đi tái lại?

Hội chứng ruột kích thích không thể chữa khỏi hẳn. Các loại thuốc, thực phẩm chức năng sử dụng cho hội chứng ruột kích thích mới chỉ dừng ở việc điều trị các triệu chứng gây bệnh như thuốc giảm đau, giảm co thắt, chống sinh hơi, chống tiêu chảy, chống táo bón, an thần,…

Phải phát hiện đúng bệnh, dùng đúng loại thuốc, cùng với điều chỉnh lối sống, giảm stress thì mới mong đẩy lùi bệnh.

Nhiều trường hợp bác sĩ không phát hiện đúng bệnh hoặc giải thích, tư vấn cho bệnh nhân không đầy đủ, bệnh nhân phải dùng nhiều loại thuốc mà không hiệu quả, dễ nảy sinh tâm lý lo lắng, chán nản.

Với hội chứng ruột kích thích, càng lo lắng bệnh càng nặng. Cứ như vậy, sẽ tạo thành một vòng luẩn quẩn trong điều trị, người bệnh khó ăn, mất ngủ, mệt mỏi, suy kiệt.

2. Một số thuốc Đông y được sử dụng điều trị chứng ruột kích thích

Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu một số loại dược liệu tốt cho tỳ, vị, chống co thắt đại tràng, như:

- Hoàng Bá: có tác dụng chống nhiễm khuẩn, giảm co thắt đại tràng do có tá dụng ức chế hệ thần kinh trung ương.

- Bạch Phục Linh: có tác dụng bổ tỳ vị, chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, nôn mửa.

- Bạch Thược: có chứa Paeoniflorin giúp ức chế hệ thống thần kinh trung ương, loại bỏ các kích thích thần kinh từ não bộ xuống ruột, từ đó giảm các cơn co thắt đường ruột, giúp bệnh nhân dễ ngủ, không đau bụng.

- Bạch Truật: giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp protein ở ruột non, tăng cường chức năng miễn dịch của tế bào, giúp tăng sức chịu đựng của cơ thể với các tác nhân gây bệnh.

Ngoài các loại thảo dược trên, ngày nay, các nhà khoa học phát hiện một hợp chất được tinh chế từ hạt của một loại cây mọc ở Châu Phi, có tên là Griffonia simplicifolia. Đó là 5 – Hydroxytriptophan (viết tắt là 5 – HTP), là tiền chất của serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh được tiết ra dưới tác động của các xung động kích thích trong lòng ruột.

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia 6

Video: Hướng dẫn cách xoa bóp giảm đau bụng hữu hiệu khi mắc chứng ruột kích thích

Nhiều người mắc chứng ruột kích thích vô cùng khổ sở khi hay bị đau quặn bụng, cảm giác đầy bụng, chướng hơi thường xuyên.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, các bác sĩ Tây y và Đông y đều khuyên bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp massage bụng để giảm đau, giảm co thắt đại tràng.

Sau đây là bài hướng dẫn của Lương y Nguyễn Thúy về cách tự xoa bóp giảm đau cho bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích.

Hướng dẫn: Nên xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, mỗi lần từ 200– 300 vòng, vào một giờ nhất định hàng ngày hoặc ngay khi đau bụng. Xoa bụng vào một giờ cố định ngoài tác dụng giảm đau tức thời còn có tác dụng tăng cường nhu động ruột, hỗ trợ để hình thành thói quen đi ngoài đúng giờ.

Bệnh nhân ruột kích thích thể hàn cũng có thể dùng thêm điếu ngải (cây ngải cứu sấy khô, nghiền nát, cuốn lại thành điếu như điếu thuốc lá) để châm cứu vào các huyệt đạo xung quanh rốn.

Hi vọng thông qua video ngắn gọn này bệnh nhân mắc ruột kích thích có kỹ năng đơn giản để massage bụng giảm đau, giảm đầy hơi, ổn định nhu động ruột, từ đó cải thiện tình trạng bệnh.


Những điều nên và không nên làm khi mắc hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích không quá nguy hiểm nhưng lại có thể gây rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Với những lời khuyên đơn giản sau, bạn hoàn toàn có thể chung sống với hội chứng này một cách dễ dàng.

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia 7

Những loại thực phẩm bổ sung tốt nhất cho người mắc hội chứng ruột kích thích

Để giảm các triệu chứng bệnh, việc điều chỉnh chế độ ăn uống là rất quan trọng. Ngoài các thực phẩm tự nhiên, người mắc hội chứng ruột kích thích có thể tìm hiểu để sử dụng thêm thực phẩm bổ sung.

Thực phẩm bổ sung (supplements, hay một số tài liệu gọi là thực phẩm chức năng) có thể giúp bạn thoát khỏi những triệu chứng khó chịu của hội chứng ruột kích thích:

Lợi khuẩn Probiotics giúp người mắc chứng ruột kích thích giảm đầy bụng

Probiotics là một loại vi khuẩn “tốt”, hỗ trợ sự cân bằng vi khuẩn trong đường ruột. Vi khuẩn này hoạt động như thế nào vẫn còn là một bí ẩn, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy sử dụng thực phẩm bổ sung probiotics giúp những người mắc hội chứng ruột kích thích giảm bớt hiện tượng đau bụng, đầy bụng, nhu động ruột bất thường...

Probiotics có nhiều trong sữa chua, các sản phẩm lên men. Ngoài ra, bạn có thể dùng viên uống bổ sung Probiotics.

Prebiotics - giúp cơ thể "tự chữa khỏi" chứng ruột kích thích

Prebiotics có tên gọi gần giống như Probiotics, nhưng lại là một thành phần không tiêu hóa được trong thực phẩm, giúp kích thích, “nuôi” những vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Prebiotics có trong nhiều loại thực phẩm chức năng. Ngoài ra, người mắc hội chứng ruột kích thích có thể tìm thấy chất này trong bột yến mạch, một số ngũ cốc, nhiều loại rau củ quả như măng tây, ác-ti-sô, hành, chuối.

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia 8

Thực phẩm bổ sung chất xơ - hỗ trợ người mắc chứng ruột kích thích thể táo bón

Với những người bị hội chứng ruột kích thích dạng táo bón, việc sử dụng thực phẩm bổ sung chất xơ là rất cần thiết.

Thực phẩm này cũng giúp ích cho cả người bị hội chứng ruột kích thích dạng tiêu chảy. Tuy nhiên, ở một số trường hợp sau khi uống thực phẩm này có thể bị đầy bụng, đầy hơi.

Tinh dầu bạc hà - giảm triệu chứng chứng ruột kích thích

Nghiên cứu cho thấy dầu bạc hà làm giảm triệu chứng trong hội chứng ruột kích thích khá hiệu quả. Thực tế, dầu bạc hà tốt hơn giả dược trong việc giảm thiểu triệu chứng của hội chứng ruột kích thích ở một số người. Hãy tìm mua dạng viên nang và tan trong ruột, loại này hiếm khi gây cảm giác ợ nóng.

Nếu muốn sử dụng tinh dầu bạc hà, bạn nên yêu cầu bác sĩ tư vấn trước, đặc biệt là khi đang sử dụng các loại thuốc khác.

Kinh nghiệm điều trị hội chứng ruột kích thích bằng vị thuốc Đông y dễ tìm mà hiệu quả

Cũng như khi xác định nguyên nhân gây bệnh, việc điều trị cũng chia theo 2 hướng riêng cho người bệnh thể hàn và thể nhiệt.

Hội chứng ruột kích thích thể hàn có thể dùng các loại thảo dược vị cay, tính ấm, ôn ấm trừ hàn, có tác dụng ôn ấm táo thấp.

Cụ thể như sau:

- Rang lá ngải nóng và chườm vào bụng giúp giảm đau bụng. Cần lưu ý rang lá nóng vừa phải để đảm bảo không bị bỏng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng túi chườm nóng chườm vào bụng.

- Khi bị đau bụng, đi ngoài nhiều, có thể dùng gừng nướng lên, đập ra, đổ nước sôi vào để uống. Có thể cho thêm chút đường.

- Nhục quế (vỏ quế) nghiền ra, cất trong tủ lạnh dùng dần. Bột nhục quế pha với nước sôi uống hay vỏ quế dày đun lên lấy nước uống là những cách đơn giản để điều trị chứng ruột kích thích thể hàn.

  Diếp cá rất tốt cho người mắc chứng ruột kích thích thể nhiệt

Diếp cá rất tốt cho người mắc chứng ruột kích thích thể nhiệt

Hội chứng ruột kích thích thể nhiệt cần dùng các loại thuốc giúp thanh nhiệt, giải độc, ích khí.

Bệnh nhân có thể tận dụng những thảo dược có ngay trong gia đình, có tác dụng hỗ trợ giảm bớt triệu chứng ruột kích thích.

Có rất nhiều loại rau, lá thanh nhiệt, giúp ích cho người bị chứng này. Rau diếp cá (ăn, xay lấy nước uống) là một trong số đó.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể ăn rau má, uống bột sắn, ăn các loại hoa quả mát (thanh long, bưởi, đu đủ chín...) cũng giúp các triệu chứng bệnh giảm bớt.

Đỗ đen có thể dùng để nấu chè, sao vàng để uống... cũng rất mát. Các bệnh nhân có thể uống nước hạt dành dành, hạt muồng để thanh nhiệt.

Mắc chứng ruột kích thích có cảm giác đầy hơi cũng có nhiều loại thảo dược để điều trị.

Có thể dùng lá thị (thị diệp) gói vào vải, chườm vào rốn hoặc đặt dưới lưng. Hoặc rửa sạch lá thị, hãm nước sôi uống. Cách làm này sẽ giúp người bệnh trung tiện được, thấy bụng nhẹ nhàng.

Bệnh nhân có thể dùng tỏi sống, đập nát, bọc vải mỏng, đắp lên bụng, khi thấy trung tiện được thì bỏ ra. Chú ý thấy nóng rát bỏ ra ngay, tránh bỏng rộp da do sự cay nóng của tỏi. Hoặc dùng tỏi nướng lên bọc vải, đắp vùng rốn, thấy trung tiện được hoặc nóng bỏ ra.

Có thể đun sôi uống khoảng 9 - 10 tép tỏi cũng giúp giảm đầy bụng.

Lưu ý với những người mắc bệnh thể này phải kiêng ăn đồ sống lạnh, thức ăn ôi thiu, tránh sinh hoạt, nằm ở nơi ẩm thấp.

Lương y Nguyễn Thanh Thúy nhấn mạnh các thảo dược trên chỉ có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng, còn nếu muốn chữa khỏi bệnh ruột kích thích cần sử dụng các bài thuốc Đông y chế biến từ các vị thuốc chất lượng tốt, chế biến đạt chuẩn, gia giảm theo đúng cơ địa từng bệnh nhân.

Nếu chẩn đoán đúng, bệnh nhân có thể chữa khỏi chứng ruột kích thích với thời gian từ 10 – 20 ngày uống thuốc. Những người có thể trạng yếu cần điều trị lâu hơn, từ 20 – 30 ngày là hết bệnh.

 

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia 10

 

NƠI KHÁM, ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH 

 

Mắc Hội chứng ruột kích thích nên đi khám, điều trị ở đâu?

Để phát hiện đúng bệnh, bạn có thể tham khảo một số bệnh viện, trung tâm uy tín có thể thăm khám hội chứng ruột kích thích:

1. Khoa Tiêu Hóa – Bệnh viện Bạch Mai (Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội)

Bệnh viện có nhiều chuyên khoa, trong đó khoa Tiêu Hóa thuộc bệnh viện này đi đầu cả nước trong các lĩnh vực phòng ngừa, thăm khám và điều trị hội chứng ruột kích thích, cũng như các bệnh thuộc hệ tiêu hóa khác.

2. Khoa Phẫu thuật tiêu hóa – Bệnh viện Việt Đức (Địa chỉ: số 40 phố Tràng Thi, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Những năm gần đây, hệ thống máy móc xét nghiệm của Bệnh viện Việt Đức ngày càng hiện đại, vì thế bệnh nhân ruột kích thích có thể yên tâm với các xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

  Khoa Phẫu thuật tiêu hóa – Bệnh viện Việt Đức

Khoa Phẫu thuật tiêu hóa – Bệnh viện Việt Đức

3. Trung tâm tiêu hóa – Bệnh viện E (Địa chỉ: 89 Trần Cung, Quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Trung tâm Tiêu hóa Bệnh viện E là tổ hợp chuyên ngành tiêu hóa thực hiện đầy đủ các chức năng khám, điều trị Nội khoa, Phẫu thuật Ngoại khoa kết hợp nội soi chẩn đoán và nội soi can thiệp cho các bệnh lý tiêu hóa.

4. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Địa chỉ: 1 Tôn Thất Tùng, Quận Đống Đa, Hà Nội)

Đội ngũ bác sĩ của bệnh viện là các giáo sư, tiến sỹ đầu ngành về tiêu hóa. Đây là địa chỉ thăm khám bệnh tiêu hóa uy tín, được tín nhiệm trong những năm gần đây.

5. Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật (Địa chỉ: tầng 10, tòa tháp VCCI, số 9, Đào Duy Anh, Hà Nội)

Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật chính thức ra mắt vào ngày 13/5/2018. Viện được thành lập với mục tiêu góp phần đào tạo nguồn nhân lực (đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao), cũng như đưa ra những nghiên cứu, đánh giá khoa học để đề xuất các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu và ứng dụng được những kỹ thuật mới trong việc điều trị và phòng bệnh.

Ngoài chức năng nghiên cứu và đào tạo, Viện sẽ chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học dựa trên các công nghệ tiên tiến vào chẩn đoán và điều trị người bệnh có bệnh lý tiêu hóa, gan mật, từ đó góp phần hạn chế những bất cập còn tồn tại, nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tiêu hóa tại Việt Nam.

Viện có nhiều máy móc hiện đại trong chẩn đoán bệnh về đường tiêu hóa, đáng chú ý là hệ thống máy nội soi hiện đại nhất Việt Nam, gồm 20 giàn nội soi và 120 dây soi cao cấp.

6. Bệnh viện Chợ Rẫy (Địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP.HCM)

Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện uy tín, chất lượng hàng đầu ở TP.HCM. Với đa dạng các chuyên khoa, bệnh viện có thể chữa trị và đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của đông đảo các bệnh nhân.

  Bệnh viện Nhân dân Gia Đình có đội ngũ y bác sĩ chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt

Bệnh viện Nhân dân Gia Đình có đội ngũ y bác sĩ chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt

7. Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Địa chỉ: Số 1 Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Với hội chứng ruột kích thích, bệnh nhân sẽ được khám, điều trị ở các khoa Nội soi, thăm dò chức năng, Nội tiêu hóa...

Sau khi khám và có các xét nghiệm chẩn đoán đầy đủ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị bệnh thích hợp. Chính vì thế, bệnh nhân hoàn toàn có thể an tâm trong việc lựa chọn bệnh viện này để khám bệnh.

8. Bệnh viện Nhân Dân 115 (Địa chỉ: 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM)

Từ lâu, Bệnh viện Nhân Dân 115 luôn được bệnh nhân tin tưởng không chỉ đội ngũ bác sĩ có chuyên môn và tay nghề vững vàng mà cơ sở vật chất ở đây luôn được đảm bảo.

9. Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM (Địa chỉ: 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. HCM)

Được xem là cái nôi trong việc đào tạo ra các bác sĩ giỏi, trình độ cao, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM luôn mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân trong việc thăm khám chữa bệnh.

Với những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích, bạn hoàn toàn có thể tin tưởng và tiến hành thăm khám tại đây.

Cần chuẩn bị gì trước khi đi khám hội chứng ruột kích thích? 

Khi đi khám hội chứng ruột kích thích, bác sĩ sẽ trao đổi, hỏi kỹ các triệu chứng mà bạn gặp phải. Đó là cơ sở để chẩn đoán và lựa chọn các biện pháp thăm khám tiếp theo. 

Người bệnh cần được thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để loại trừ các bệnh có triệu chứng tương tự như hội chứng ruột kích thích:

-Siêu âm bụng 

-Chụp X Quang

-Xét nghiệm máu

-Nội soi đại tràng

Bệnh nhân nên làm gì trước khi đi khám hội chứng ruột kích thích? 

Tìm hiểu trước, biết những biểu hiện của bệnh hoặc liên quan đến bệnh để nêu đầy đủ với bác sỹ

Có thể hỏi bác sỹ về việc uống thuốc nhuận tràng hôm trước khi đến khám

Nhịn ăn sáng hôm đi khám vì thức ăn làm ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm

KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG RUỘT KÍCH THÍCH 

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia 14

4 bí quyết vàng đẩy lùi hội chứng ruột kích thích

Tuy bệnh không thể chữa khỏi dứt điểm, nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, bạn vẫn có thể có cuộc sống thoải mái, sinh hoạt và làm việc bình thường nếu thực hiện những lưu ý sau.

1. Dùng đúng thuốc 

Phát hiện đúng bệnh, dùng đúng thuốc điều trị là yếu tố đầu tiên và quyết định giúp người mắc hội chứng ruột kích thích “sống chung” hòa bình với căn bệnh này.

Nếu được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn sử dụng một số loại thuốc sau:

Tùy thuộc vào thể bệnh mà bạn mắc phải, bạn sẽ được kê đơn thuốc bổ sung chất xơ, thuốc nhuận tràng chống táo bón hoặc thuốc làm giảm tiêu chảy.

Ngoài ra, đa phần các trường hợp sẽ được kê thuốc chống co thắt đại tràng. Loại thuốc này giúp kiểm soát co thắt lớp cơ ở đại tràng và làm giảm đau bụng.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể làm giảm một số triệu chứng. Tuy nhiên, một số loại thuốc chống trầm cảm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón, vì vậy bác sĩ cũng sẽ kê toa thuốc trầm cảm kết hợp thuốc giãn cơ trong bàng quang và ruột.

Các loại thuốc chống trầm cảm có thể chứa một thuốc an thần nhẹ, có thể bị nghiện, vì vậy cần tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Với bất kỳ loại thuốc nào, thậm chí cả các loại thuốc như thuốc nhuận tràng và bổ sung chất xơ, bạn cũng cần lưu ý uống đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự động mua thuốc uống, uống theo đơn thuốc của người khác.

  Việc uống thuốc đầy đủ, đúng bệnh sẽ giúp người mắc IBS giảm nhẹ các triệu chứng bệnh

Việc uống thuốc đầy đủ, đúng bệnh sẽ giúp người mắc IBS giảm nhẹ các triệu chứng bệnh

2. Chia tay ngay với căng thẳng

Điều bất ngờ là chìa khóa để điều trị hội chứng ruột kích thích thành công không chỉ là dùng thuốc, mà là kết hợp giữa các phương pháp điều trị với chế độ ăn, cũng như giảm thiểu tình trạng stress.

Các nhà nghiên cứu đã chứng minh các cảm xúc căng thẳng, rối loạn, tức giận, hoặc bị choáng có thể kích thích co thắt đại tràng ở những người bị hội chứng ruột kích thích.

Đại tràng có nhiều dây thần kinh kết nối  với bộ não. Đại tràng được kiểm soát bởi một phần hệ thống thần kinh tự chủ, phản ứng với căng thẳng.

Vì vậy khi bị căng thẳng, người bị hội chứng ruột kích thích sẽ thấy những phản ứng tức thì như đầy bụng, gò cứng ở bụng, buồn đi ngoài...

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy hội chứng ruột kích thích bị ảnh hưởng bởi hệ thống miễn dịch, chống nhiễm trùng trong cơ thể. Hệ thống miễn dịch lại chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng. Với tất cả những lý do này, kiểm soát căng thẳng là một phần quan trọng của điều trị IBS.

3. Chế độ ăn phù hợp 

Người mắc hội chứng ruột kích thích cần ăn uống đảm bảo hợp vệ sinh, ăn cân bằng dinh dưỡng, không vì lý do đau bụng mà kiêng khem quá mức dẫn tới tình trạng cơ thể thiếu chất, gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Người mắc hội chứng ruột kích thích nên ăn theo kiểu thăm dò với tất cả các thực phẩm. Nghĩa là sẽ ăn từng ít một, nếu sau đó không thấy hiện tượng gì lạ thì có thể ăn tăng dần số lượng. Nếu thực phẩm nào ăn vào thấy bụng dạ khó chịu thì nên ngừng lại.

Đặc biệt, người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn để tránh gây áp lực lên đường ruột, từ đó giảm được kích thích lên đại tràng.

  Chế độ ăn nhiều chất xơ rất hữu ích với người mắc IBS

Chế độ ăn nhiều chất xơ rất hữu ích với người mắc IBS

4. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày

Người mắc hội chứng ruột kích thích thường rất ngại vận động, thể dục thể thao, đặc  biệt là khi các triệu chứng bệnh bùng phát. Tuy nhiên, vận động nhẹ nhàng sẽ giúp bạn ngăn ngừa táo bón và giảm căng thẳng.

Các hình thức tập luyện mà bạn có thể thực hiện bao gồm:

  • Tập yoga, thiền định
  • Đi bộ
  • Chạy bộ
  • Bơi lội

Tất cả những môn tập ít ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa đều tốt cho người mắc ruột kích thích. Hãy nhớ đi vệ sinh trước khi tập và tham vấn ý kiến của bác sĩ trước tập luyện.

  Hoạt động thể chất nhẹ nhàng giúp bệnh nhân IBS bớt căng thẳng và đỡ bệnh

Hoạt động thể chất nhẹ nhàng giúp bệnh nhân IBS bớt căng thẳng và đỡ bệnh

5 loại thực phẩm những người mắc hội chứng ruột kích thích cần tránh xa

Có những loại thực phẩm có thể vô tình khiến các vấn đề của hội chứng ruột kích thích (hội chứng IBS) trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn.

Gia Đình Mới xin giới thiệu Infographic đơn giản, sinh động về những thực phẩm nên tránh với người mắc hội chứng ruột kích thích (hay còn gọi là bệnh đại tràng co thắt).

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia 18

[Video] - Những lưu ý đơn giản để 'sống chung' với hội chứng ruột kích thích

Video của tổ chức Sức khỏe tiêu hóa Canada (Canadian Digestive Health Foundation - CDHF) cung cấp những hiểu biết hữu ích về cách đẩy lùi các triệu chứng bệnh, giúp người mắc IBS có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. 

8 mẹo hay dành cho người bị hội chứng ruột kích thích nhưng lại mê 'xê dịch'

Thường xuyên phải đi vệ sinh, cảm giác đau bụng, đầy hơi, khó chịu khiến nhiều người bị hội chứng ruột kích thích cảm thấy e ngại không muốn đi ra ngoài.

Tuy nhiên, nếu lên kế hoạch cẩn thận và chuẩn bị trước, chắc chắn hội chứng ruột kích thích không thể “cầm chân” bạn ở nhà.

1. Biết rõ nơi sắp đến

Hãy tìm hiểu kỹ nơi đó có nhà vệ sinh không, cách đi nhanh nhất đến nhà vệ sinh khi có nhu cầu. Chuẩn bị trước khiến bạn không lúng túng khi “ông anh ruột” có vấn đề.

2. Xem trước thực đơn

Nếu ra ngoài ăn ở nhà hàng, nên cẩn thận xem trước thực đơn. Đa phần các nhà hàng, khách sạn hiện nay đều có website và bạn dễ dàng tìm được thông tin thực đơn trên đó.

Một số thực phẩm làm cho hội chứng ruột kích thích nặng hơn như đồ ăn chiên rán, phô mai, các chế phẩm từ sữa... bạn cần lưu ý.

3. Ăn trước khi đi dự tiệc

Nếu đến một buổi tiệc mà bạn chắc rằng sẽ có những thực phẩm không phù hợp với hội chứng ruột kích thích của mình, tốt nhất hãy ăn trước khi đi.

Bạn chỉ cần ăn một chút rau và thức ăn phù hợp với mình, nhấm nháp đồ uống... trong lúc mọi người dự tiệc.

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia 19

4. Hiểu kỹ về thực phẩm

Mặc dù rau quả được coi là vô hại với người mắc chứng chứng ruột kích thích, tuy nhiên một số loại vẫn làm cho các triệu chứng xuất hiện, ví dụ: hành, tỏi, một số loại đậu... Người bị chứng ruột kích thích nên tìm hiểu cẩn thận về thực phẩm trước khi tiêu thụ.

5. Biết cách thư giãn

Hội chứng ruột kích thích có thể xuất hiện khi bạn đang căng thẳng, vì vậy biết cách thư giãn là yếu tố đầu tiên giúp bạn thoát khỏi hội chứng này.

Duy trì các hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga hoặc bất cứ hình thức tập luyện nào giúp bạn cải thiện tâm trạng.

6. Mang theo thuốc

Nên uống thuốc 20 phút trước khi bạn đoán rằng mình có thể gặp vấn đề với hội chứng ruột kích thích. Hãy luôn mang theo thuốc (ở ví, túi xách, trong ô tô,...) để giảm các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng... có thể xảy ra khi bạn đang ở nơi công cộng, trong buổi họp quan trọng.

Hội chứng ruột kích thích (IBS): Nguyên nhân, cách điều trị và tư vấn chuyên gia 20

7. Tìm ra phương án hiệu quả cho mình

Mỗi người có một cơ địa khác nhau, vì thế hãy tìm ra cách xử trí phù hợp với hội chứng ruột kích thích của mình.

Ví dụ dùng tinh dầu bạc hà, nhấm nháp một ít sữa chua mang theo... có thể giúp cho bạn dễ chịu hơn. Quan trọng là hãy nhớ luôn mang theo các “đồ cấp cứu”này.

8. Mang theo đồ dự phòng

Nếu ra ngoài trong thời gian tương đối dài, bạn nên mang theo đồ lót dự phòng, dung dịch rửa tay không cần nước,... Những đồ vật này nên để ở ba lô hoặc bất cứ vị trí nào dễ lấy.

Video: Cận cảnh một ca nội soi đại tràng, xóa bỏ tâm lý lo sợ cho người bệnh 

Nội soi đại tràng là bước cần thiết để xác định bệnh lý về đường tiêu hóa, tuy nhiên nhiều bệnh nhân rất lo sợ khi phải nội soi. Vậy nội soi đại tràng diễn ra như thế nào, có đau không, có nguy cơ tai biến gì không?

Soi đại tràng nhằm mục đích phát hiện những bệnh trong đại tràng, biết được đại tràng có bị viêm, loét, polyp hay không...

Soi đại tràng là một phương pháp tương đối an toàn, dễ làm, dễ thực hiện. Người bệnh không nên quá lo lắng.

Ngay cả khi kết quả nội soi đại tràng cho thấy đại tràng không loét, không viêm, hình ảnh nội soi đại tràng bình thường, nhưng trước đó có một số triệu chứng như đi táo, đi lỏng kéo dài, đau quặn bụng, đầy bụng... thì bệnh nhân có thể mắc Hội chứng ruột kích thích. 

Chuyên đề đặc biệt Hội chứng ruột kích thích (IBS) được thực hiện với sự tư vấn của các chuyên gia:

-PGS. TS. BSCC Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Tiêu hóa, Gan mật; nguyên Phó Giám đốc BV Nông nghiệp 

-Lương y Nguyễn Thúy (phòng khám Đông y Ích Thọ Đường, Hà Nội)

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính