Mới vài chục năm trước thôi, định nghĩa ‘thành công’ là sự giàu có và thời gian rảnh rỗi để hưởng thụ sự giàu có ấy.
Ngày hôm nay, tôi có thể không nhìn vào hiệu quần áo anh mặc, loại xe mà anh đi hay số lần ‘check-in’ ở những quán ăn sang chảnh của anh.
Nhưng tôi sẽ nhìn vào thành tựu trong công việc, sự đóng góp của anh nơi công sở hay số dự án mà anh đã hoàn thành để cân nhắc xem có nên xếp anh vào nhóm ‘thành công’ hay không.
Một cách ‘nâng tầm’ giá trị bản thân
‘Người ta cho rằng bạn càng bận rộn càng có nghĩa là bạn được cần đến, được quan tâm và càng ‘có giá’’ – Tiến sĩ tâm lý học Christina Cruz chia sẻ.
‘Mức độ bận rộn còn là một kiểu thang đo để chứng tỏ là mình đóng góp cho xã hội và những người xung quanh như thế nào, là một nhân viên, một người chồng, người vợ, là những bậc phụ huynh tốt ra sao’ - Tiến sĩ, nhà tâm lý học xã hội Julie de Azevedo Hanks nói về ‘hội chứng nghiện việc’ ngày nay.
Một khách hàng mà Hanks từng giúp đỡ đã từng ‘vật lộn’ để học cách nói không với những lời đề nghị từ gia đình, bạn bè hay công ty. Cô lúc nào cũng thấy thiếu thời gian và cảm thấy mệt mỏi vì những gì mình phải làm.
‘Lý do khiến cô ấy làm nhiều việc đến thế là vì cô ấy muốn chứng tỏ giá trị của bản thân với cha mẹ mình bằng cách khiến mọi người vui trẻ, tránh tuyệt đối việc khiến người ta thất vọng’ – Hanks nói.
‘Rất nhiều người trong chúng ta từ nhỏ đã lớn lên cùng với những lời khen ngợi về thành tích của mình’ – Tiến sĩ tâm lý học Sally Naziri chia sẻ.
Đó có thể là những điểm 10 trên trường lớp, xếp thứ hạng cao, những suất học bổng hay giải thưởng thể thao nào đó.
Với những người trưởng thành, sự khen thưởng ấy là những lời khen ngợi, hoa hồng hay tiền thưởng trong công việc.
Trước kia, chúng ta ca ngợi sự bận rộn theo kiểu ‘lao động là vinh quang’, nhưng dường như càng ngày sự tôn vinh ấy đã dần trở thành một nỗi ám ảnh.
‘Chúng ta bắt đầu sợ rằng nếu mình không trả lời ngay cú điện thoại của một khách hàng nước ngoài thì một người khác sẽ trả lời mất.
Nếu như không có mặt 24/7 thì sợ rằng công việc sẽ hỏng bét và ta sẽ mất đi những gì mình từng gây dựng’ – nhà tâm lý học Barbara Sapienza chia sẻ.
Hay ‘trốn chạy’ thực tế?
Đôi khi, việc theo đuổi sự bận rộn không phải bởi đam mê, muốn chứng tỏ bản thân, mà có thể là vì ‘những vấn đề tâm lý ẩn sâu bên trong’ - Barbara Sapienza nói.
Có thể đó là do áp lực phải đáp ứng mọi kỳ vọng của bố mẹ từ nhỏ, hình thành nên tính cả nể khiến ta khó có thể từ chối những công việc được giao thêm hay một lời nhờ vả của ai đó.
‘Nhiều người tìm đến công việc như một cách trốn tránh cảm giác cô đơn trong tình yêu, khi họ thấy người yêu ngày càng xa cách’ – nhà tâm lý học Nazari chia sẻ.
‘Tôi đã từng thấy nhiều người dùng sự bận rộn như một ‘liều thuốc ngủ’ cho bản thân, họ cảm thấy khó khăn khi phải đối diện với chính mình hay những ám ảnh từ quá khứ’.
Phải chăng từ khi còn thơ bé, chúng ta chưa bao giờ được dạy cách đối diện với những nỗi sợ hãi và thất vọng?
Mỗi khi buồn bã hay bật khóc thì ngay lập tức chúng ta đều được ‘dỗ’ hay dùng những trò chơi để ‘đánh lạc hướng’ nỗi buồn, và điều đó trở thành một thói quen khi ta đến tuổi trưởng thành.
Niềm đam mê hay sự ám ảnh
Một nghiên cứu của tờ báo về tâm lý học Psychosocial Nursing and Mental Health Services đã chỉ ra rằng những người nghiện việc gặp phải nhiều vấn đề trong quan hệ xã hội, tâm lý và sức khỏe nhiều hơn.
Các con số thống kê cho thấy nhóm người này có nguy cơ kiệt sức, trầm cảm hay suy giảm sức khỏe cao hơn hẳn chỉ số của những người khác.
Giờ đây, khi thấy một người say sưa trong văn phòng công ty từ sáng tới tối, ta thường gắn nó với hai từ thần thánh: đam mê. Các công ty và tổ chức cũng luôn dùng ‘đam mê’ để khuyến khích nhân viên hăng say hơn trong công việc.
Tất cả những điều này không có gì là xấu, thế nhưng chúng đã vô tình (hay cố ý) làm mờ đi ranh giới giữa một người chăm chỉ và một người nghiện công việc.
Nếu công việc ấy hoàn toàn nằm trong khả năng của ta và cân bằng được với đời sống cá nhân thì sẽ không có gì đáng bàn.
Tuy nhiên, rất nhiều người đã lấy thước đo thành công và bận rộn với công việc để trở thành thước đo giá trị của bản thân hay người khác, và điều đó khiến cho niềm vui sống cũng như tầm nhìn trong cuộc sống bị giới hạn đi rất nhiều.
Tìm lại tự do
Nếu có những khoảnh khắc giữa bộn bề công việc, bạn dừng lại và ngẩn ra ‘Mình đang làm cái quái gì thế này?’, rất có thể cơ thể và tâm trí bạn đang cần đến một phút lắng lại an yên.
1. Hãy định nghĩa lại ‘Dạo này bận quá’ của mình: Đó có phải chỉ là một lời cảm thán đơn thuần? Hay ẩn sau đó là những đêm mệt mỏi stress với công việc, hoặc cảm giác khao khát được thấy mình quan trọng, hay có thể là cái cớ để trốn tránh một việc cần làm, một người cần gặp nào khác.
2. ‘Liệu sự bận rộn có đang khiến mình đánh mất điều gì không?’: Hãy nhìn lại thời gian bạn dành cho công việc và thời gian cho gia đình, bạn bè, liệu sự chênh lệch có phải là quá lớn hay không.
Hãy nhớ lại lần cuối bạn thực sự trò chuyện với bố mẹ, con cái hay có thể là chính người bạn đời của mình.
Nếu công việc đã đẩy bạn ra xa những người quan trọng, hãy dành một vài phút giải lao trong giờ để có thể gọi một cú điện thoại ngắn hay nhắn một tin nhắn quan tâm cho người yêu, người thân.
Chúng không tốn của bạn quá nhiều thời gian, nhưng sẽ khiến những người quanh bạn cảm thấy họ cũng quan trọng với bạn đến thế nào.
3. Dành thời gian cho những thú vui nho nhỏ: Bên cạnh những niềm vui trong công việc, đừng quên tìm sự thư giãn trong những niềm vui giản dị khác.
Đó có thể là đắm mình trong không gian tràn ngập màu xanh của khu nhà trên cây mộng mơ nơi ngoại ô thành phố, hay tìm đến với mùi hương của sách trong một tiệm sách lãng mạn xưa cũ…
Những giây phút ấy sẽ khiến bạn nạp lại năng lượng, nuôi dưỡng tâm hồn và cân bằng với nhịp quay của bộn bề công việc.
Mai HoaBạn đang xem bài viết Hội chứng ‘nghiện việc’ thời hiện đại: Đam mê hay ám ảnh? tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].