Một bệnh nhân nam nhìn rất khỏe mạnh nhưng sau 2 ngày đi du lịch cuối tuần ở biển về phải đến bác sĩ vì đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Trước đó, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn bình thường, nhưng những ngày đi biển luôn gặp phải tình trạng tiêu chảy. Mặc dù sau khi uống thuốc, triệu chứng đi ngoài phân lỏng đã cải thiện nhưng bụng vẫn ậm ạch khó chịu, đau bụng, khó tiêu…
Đó là câu chuyện của một bệnh nhân khi đến nhờ PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, chuyên khoa Nội - Tiêu hóa, Bệnh viện Đa Khoa Nông Nghiệp thăm khám. “Vào mùa hè, thực tế thăm khám bệnh tôi gặp rất nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa sau những đợt đi du lịch biển.
Thường triệu chứng chung mà bệnh nhân gặp phải là đi ngoài phân lỏng, đau bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa… Mà nguyên nhân chủ yếu là do khi đi biển họ ăn quá nhiều chất đạm.
Hầu hết các bệnh nhân đều nói rằng họ ăn mực, tôm, cua và nhiều loại hải sản khác. Trong khi, một chế độ ăn bổ sung quá nhiều đạm, lại uống thêm nước ngọt, đồ uống có ga thì chỉ một lúc sau bụng sẽ khó chịu và đi ngoài.
Đó là còn chưa kể đến mùa hè nóng bức nên thực phẩm dễ bị ôi, thiu do vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Hơn nữa, nhu cầu của khách du lịch đông nên chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thường không tốt.
Đây là những lý do khiến nhiều người, thậm chí là những người khỏe mạnh cũng gặp vấn đề về đường tiêu hóa sau một đợt đi du lịch biển. Và bác sĩ tiêu hóa chúng tôi thường gọi đó là hội chứng đi biển”, bác sĩ Thắng chỉ rõ.
“Hội chứng đi biển” rất dễ nhận biết thông qua các rối loạn bất thường của bộ máy tiêu hóa sau những bữa ăn quá nhiều đạm, kèm với nước uống ngọt, có ga. Trong đó, đau bụng, tiêu chảy là thường những biểu hiện đầu tiên của hội chứng này.
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, có nhiều nước hơn bình thường hoặc phân toàn nước, đi ngoài trên 3 lần trong vòng 24 giờ. Bất cứ người nào cũng có thể mắc bệnh tiêu chảy. Phân càng có nhiều nước, mức độ nguy hiểm của bệnh tiêu chảy càng cao, thậm chí không ít người tử vong vì bị mất nước rất nhanh.
Tình trạng tiêu chảy thường diễn ra trong vòng từ 1 đến 2 ngày, hầu hết sẽ tự khỏi, nhưng cũng có một số trường hợp tiêu chảy nặng gây mất nước nhiều hoặc kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Sau khi hết triệu chứng tiêu chảy, người bệnh có thể xuất hiện dấu hiệu khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, bụng ậm ạch khó chịu… Với tình trạng này, người bệnh cần được thăm khám bác sĩ và điều trị thuốc theo chỉ định. Có những người chỉ cần uống men vi sinh, men tiêu hóa là có thể cải thiện tình trạng.
Để phòng ngừa “hội chứng đi biển”, bác sĩ Thắng khuyến cáo người dân khi đi du lịch cần lưu ý:
- Lựa thực phẩm đã qua chế biến, đồ uống phải có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm. Thực phẩm tươi sống phải được sơ chế sạch sẽ trước khi chế biến, nấu ăn.
- Tăng cường ăn rau, củ, quả, hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đạm, nhất là các loại hải sản.
- Thức ăn nên nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi nấu. Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn để sơ chế, nấu ăn.
- Tránh tiếp xúc giữa thực phẩm sống và thức ăn chín, thức ăn ăn ngay.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; không ăn tái, ăn sống thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn như tiết canh, gỏi cá, nước lã…
- Rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.
-Chuẩn bị sẵn thuốc về tiêu hóa theo chỉ dẫn của bác sĩ bên cạnh các thuốc, dụng cụ y tế thông thường khác.
- Khi có những biểu hiện tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa nghi do ăn uống cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.
Linh NhiBạn đang xem bài viết ‘Hội chứng đi biển' nguy hiểm đến tính mạng: Bác sĩ tiêu hóa chỉ ra nguyên nhân và cách phòng ngừa tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].