Vậy bạn sẽ làm gì? Người hàng xóm bị làm vỡ cửa sổ rất bực mình. Gia đình bạn sẽ phải đền tiền sửa cửa sổ. Về phía người bạn của con bạn, cha mẹ cậu bé đó cũng rất buồn vì con họ bị đổ tội, và tình bạn của hai đứa trẻ có nguy cơ rạn nứt.
Bạn quyết định cấm con chơi mọi đồ điện tử trong hai tuần, cấm túc con ở nhà suốt tháng, và tịch thu hết tiền mừng tuổi của con để đền tiền cửa sổ.
Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến con bạn? Cậu nhóc có hối lỗi không? Có thể. Cậu nhóc có xấu hổ không? Cũng có thể. Cậu nhóc có cảm thấy được tiếp sức mạnh để dũng cảm hơn, và nếu lần sau có mắc lỗi lớn sẽ dám nói thật không? Chắc là không.
Khi đối mặt với những hành vi sai trái, chúng ta mong muốn điều gì từ các con? Chúng ta muốn các con biết bố mẹ luôn ở bên con và đặt lợi ích của con lên hàng đầu. Chúng ta muốn con thấy hối hận, ăn năn nhưng đồng thời cũng phải được tiếp sức mạnh để đưa ra quyết định đúng đắn hơn trong tương lai.
Vậy hãy tua lại tình huống lúc nãy, và thử một cách khác. Khi bạn phát hiện ra sự thật và mọi cảm xúc tiêu cực nổi lên, mặt bạn nóng bừng và đầu óc bạn quay mòng mòng, thì thay vì phản ứng lại ngay lập tức, hãy cầm một cuốn sổ, đi vào phòng và suy nghĩ cho thông suốt.
Con bạn đã làm sai ở chỗ nào? Cậu nhóc làm vỡ cửa kính nhà người khác rồi nói dối, đổ tội cho bạn. Hãy liệt kê tất cả những hậu quả của hành động ấy.
Sau đó hãy tự hỏi bản thân, động cơ của cậu con có thể là gì nhỉ? Chuyện vỡ cửa sổ chỉ là một tai nạn, nhưng nếu con cẩn thận hơn thì có thể cửa kính đã không vỡ. Rồi khi cửa kính vỡ, con sợ hãi và tìm cách đổ tội cho ai khác để tự vệ.
Giờ bạn hãy suy nghĩ xem, con bạn có thể sẽ hành động khác đi như thế nào? Trước hết bạn muốn con để ý đến mọi thứ xung quanh và cẩn thận hơn. Nhưng nếu chẳng may sự cố vẫn xảy ra, thì bạn muốn con hiểu mọi người sẽ không đánh giá con bằng sai lầm của con, và con có thể sửa chữa sai lầm của mình.
Bây giờ bạn đã bình tĩnh hơn, hãy dẫn dắt con theo quá trình ấy. Khi con đã tỏ ra hối lỗi, hãy nói với con bạn sẵn sàng đứng bên con khi con đi xin lỗi hàng xóm và người bạn của con. Sau đó bạn có thể giúp con tìm cách đền tiền cửa sổ vỡ. Nếu bạn bỏ tiền trả trước cho con thì sau này có thể để con làm việc nhà bù lại cho bạn.
Vậy là con sẽ hiểu được ra rằng, dù cho con có mắc lỗi thì con vẫn sẽ an toàn. Bạn đã giúp con có kỹ năng để đưa ra những lựa chọn tốt hơn, bạn tiếp sức cho con để con dám dũng cảm nhận lỗi khi mắc sai lầm.
Và đó mới là điều quan trọng nhất.
Thư NguyênBạn đang xem bài viết Hình phạt có giúp sửa sai? tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].