Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Dạy con kiểu bố mẹ Đức: Hãy cứ để trẻ tranh chấp và tự giải quyết mâu thuẫn

Một bà mẹ Mỹ sống tại Đức đã hiểu được lợi ích của việc để trẻ tự giải quyết tranh cãi giữa chúng.

de tre danh nhau

Bài viết được đăng tải trên The Wall Street Journal của một tác giả và cũng là một bà mẹ người Mỹ đã sống ở Đức nhiều năm. Gia Đình Mới xin dịch lại bài viết gửi tới bạn đọc.

Sự hỗn loạn của trường mầm non ở Đức đôi khi khiến người Mỹ khó có thể hiểu nổi. 

Khi tôi đã sống được gần 7 năm ở Berlin, tôi đã rất ngạc nhiên khi lần đầu biết rằng ở các trường mầm non và nhà trẻ chỉ có chơi và chơi. Không học đọc, không làm toán. Không có quy định gì cả,

Trẻ em chạy vòng quanh, la hét, chơi bất cứ trò gì chúng muốn với bất cứ ai chúng muốn. Cũng có một số quy định được áp dụng, nhưng khá cơ bản, chẳng hạn như không đánh nhau, không trèo lên bàn. Giáo viên hiếm khi tổ chức trò chơi cho trẻ.

Những hình ảnh đó đi ngược hẳn với định kiến rằng người Đức rất nghiêm khắc. Phong trào chống độc tài của nước này năm 1968 đã thách thức những cách làm việc cũ, bao gồm cả cách nuôi dạy trẻ.

Một số nhà giáo dục thậm chí còn thành lập những trường mẫu giáo không có quy tắc nào cả. Sự cực đoan đó đã suy yếu, nhưng đến nay, nhiều người Đức vẫn phản đối phần lớn việc áp kỷ luật khắc nghiệt lên trẻ em.

Trẻ em đánh nhau là chuyện bình thường. Nhưng cách giáo viên ở nhà trẻ Đức giải quyết mâu thuẫn giữa trẻ rất khác so với người Mỹ.

Họ không vội vàng can thiệp, trừ khi có một đứa trẻ sắp bị thương. Họ không phạt, không cảnh cáo, không viết tên những đứa trẻ nghịch ngợm lên bảng,...

Thay vào đó, các giáo viên Đức dành thời gian quan sát tình huống. Đôi khi họ nói chuyện riêng với những đứa trẻ, đôi khi họ nói với cả lớp một cách trực tiếp về sự công bằng và lòng tốt, hoặc gián tiếp thông qua kể những câu chuyện liên quan. Đôi khi họ chẳng làm gì cả.

'Trẻ em thực sự rất giỏi tự giải quyết vấn đề của chúng' - một giáo viên nhà trẻ cam kết với tôi.

Cách giáo dục này cũng được ghi lại trong cuốn sách của Margarete Blank-Mathieu: 'Trẻ phải tranh cãi, cho dù giáo viên hay cả lớp không mong muốn'. Những cuộc tranh cãi rất quan trọng cho sự phát triển cá nhân và xã hội của trẻ. 

Cô cho rằng, trẻ đánh nhau vì nhiều lý do: để đặt ranh giới, để thu hút sự chú ý, để thử nghiệm sức mạnh (thể chất và xã hội) và đơn giản chúng không thích là người thua cuộc. 

Trẻ phải học được cách giải quyết mọi chuyện khi chúng lớn lên - và theo người Đức thì trẻ học được điều này tốt nhất thông qua tương tác với nhau chứ không phải là người lớn nhảy vào cuộc, phạt một đứa trẻ và bênh vực một đứa trẻ khác. 

Tôi có chút nghi ngờ liệu phương pháp này có hiệu quả không, nhưng tôi đã nhận thấy sự tác động của nó lên các con tôi.

Tác giả bài viết Sara Zaske và hai con

Tác giả bài viết Sara Zaske và hai con

6 năm trước, khi con gái Sophia của tôi được 5 tuổi, con bé có hai cô bạn thân ở trường mầm non. Chúng đều là những cô bé mạnh mẽ, tuyệt vời - chúng tranh cãi rất nhiều, thường yêu cầu Sophia phải lựa chọn một trong hai người.

Điều này kết thúc với nhiều cảm xúc không vui. Con bé bị 'cắt xít' và hàng chục lần không được mời đến những bữa tiệc sinh nhật. Con bé thường khóc vì điều đó.

Chiến tranh giữa chúng ngày càng rõ rệt đến mức các cô giáo cũng nhận ra, và nhẹ nhàng kéo các bé ra nói chuyện riêng. 

Các cô hỏi chúng những câu hỏi như 'Con nghĩ điều đó sẽ khiến bạn ấy cảm thấy thế nào?' hoặc là 'Nếu con là bạn ấy thì con sẽ thấy sao?'.

Phương pháp 'phản chiếu' này nhằm để trẻ tự nhìn vào hậu quả của những hành động của mình, và biết đồng cảm với người khác.

Nhưng phương pháp này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt nhất. 'Nếu lũ trẻ nói 'Con không muốn chơi với bạn ấy' thì chúng ta phải chấp nhận' - cô giáo chủ nhiệm chia sẻ với tôi. 'Cũng có thể 10 phút sau chuyện thay đổi'.

Các giáo viên không bao giờ trừng phạt hay áp dụng biện pháp cho những tranh cãi như vậy.

Dù chiến tranh của con gái tôi kéo dài hơn tôi mong muốn, nhưng cuối cùng, trải nghiệm đó cũng dạy cho con bé những bài học quý giá. 

Đến khi lên tiểu học, con bé luôn là người hòa giải. Đến tận bây giờ, con tôi rất hiếm khi gặp vấn đề với một 'cô bé xấu tính' hay trở thành nạn nhân của một vụ tranh cãi nào đó.

Con bé cũng không 'dán nhãn' cho ai là xấu tính. Vì thực sự không có đứa trẻ nào là cô bé hay cậu bé xấu tính. Chúng chỉ là những đứa trẻ đang học cách hòa hợp với nhau, và có thể mắc lỗi trong quá trình ấy. 

Theo Sara Zaske

Zaske là tác giả cuốn sách 'Achtung Baby: An American Mom on the German Art of Raising Self-Reliant Children' (Nghệ thuật nuôi con tự tin, tự lập của người Đức) sắp xuất bản ngày 2/1/2018.

Thư Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính