Những cách phạt con như đánh mông, phạt đứng góc… hầu như không có tác dụng giáo dục với những bé dưới 3 tuổi. Vậy ở lứa tuổi này, cha mẹ có thể làm gì để hình thành ý thức kỷ luật nhưng vẫn không làm tổn thương con?
Sau đây là những mốc thời gian và cách thức phù hợp để cha mẹ rèn luyện ý thức cho trẻ:
Trẻ dưới 8 tháng tuổi
‘Có những thứ mà thậm chí con bạn cần được học là không được phép làm, ngay từ khi còn rất nhỏ, ví dụ như kéo tóc mẹ’ - Judith Myers-Walls, Tiến sĩ tâm lý người Mỹ cho biết.
Việc đưa ra các giới hạn cho bé, ngăn chặn những hành vi không mong muốn, duy trì thói quen tốt cần bắt đầu ngay từ thời điểm này.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, em bé có khả năng hiểu ngôn ngữ, tập trung và ghi nhớ rất hạn chế, nên cách tốt nhất để giáo dục trẻ là ‘giảm thiệt hại’ chứ không phải ‘dạy dỗ’ hay ‘nói ra các yêu cầu’.
Làm cho trẻ sao nhãng (giúp bé chuyển từ một việc làm không - tốt - lắm sang một việc khác tốt hơn) và lờ đi là 2 cách rất hiệu quả.
Ví dụ, nếu đứa con nhỏ 4 tháng tuổi của bạn phát hiện ra rằng giật tóc mẹ là một việc rất thú vị, hay ho thì bạn có thể nhẹ nhàng gỡ tay bé ra, hôn bé và đưa cho bé một đồ chơi khác, ví dụ một con thú nhồi bông hoặc đồ chơi bằng vải…
Thực tế thì, một nghiên cứu gần đây tại Mỹ chỉ ra rằng 39% các bậc cha mẹ nghĩ rằng bọn trẻ đang chọc tức họ khi chúng cứ cầm điều khiển tivi chuyển hết kênh này sang kênh khác.
Tuy nhiên, với các nhóc tì dưới 8 tháng tuổi, việc làm đó đơn thuần chỉ là cách bé khám phá cuộc sống xung quanh, học cách điều khiển tay mình và thử xem ‘kết quả sẽ thế nào’…
Cách tốt nhất lúc này là cha mẹ giữ thái độ bình tĩnh và tiếp tục làm công việc của mình như không có chuyện gì xảy ra.
Trẻ 8 – 12 tháng
Khi trẻ bắt đầu tập bò, khoảng 8 tháng, đây là thời gian nghĩ về việc đặt ra các giới hạn.
Đội nhiên, tất cả mọi thứ, từ những đồ trang điểm trên bàn phấn của bạn hay lõi giấy vệ sinh dưới bồn rửa đều có thể là đồ chơi cho nhóc con nghịch ngợm.
Trẻ tầm tuổi này đơn thuần chỉ muốn khám phá, bé không hề có khái niệm về những gì nên và không nên, vì vậy, nếu muốn con không động vào thứ gì, cách tốt nhất là đặt chúng ra ngoài tầm với và chỉ để những thứ an toàn với trẻ ở chỗ bé có thể với được.
Đó là cách tốt nhất để trẻ không gây rắc rối và có thể tuân theo các nguyên tắc.
Nhiều cha mẹ chỉ đơn giản nói ‘Không’ khi muốn khép trẻ vào kỷ luật. Tuy nhiên, đó là một cách làm không phù hợp với trẻ tầm tháng tuổi này.
Trẻ có thể đã nhận ra giọng của bạn khi nói ‘Không’ thì hoàn toàn khác với khi nói ‘Mẹ yêu con’, tuy nhiên, bé vẫn chưa hoàn toàn hiểu được nghĩa của từ đó.
Thêm nữa, bé chưa có kỹ năng để điều khiển bản thân làm theo những gì mẹ yêu cầu.
Bạn có thể duy trì, lặp đi lặp lại một hành động để nhắc trẻ đó là thứ ‘Không được động vào’.
Đây là kinh nghiệm của chị Cristina Soto, một bà mẹ ở New York:
‘Khi bé được 8 – 9 tháng, mỗi lần Sonia con gái tôi đến gần một ống thoát nước, tôi thường hét lên với giọng sợ hãi như mấy nhân vật hoạt hình ‘Ahhhhh’. Tôi cứ tiếp tục làm như vậy.
Sau đó một thời gian, cứ đến gần rãnh nước, Sonia sẽ dừng lại, chỉ vào đó và nói ‘Ahhh’ với mẹ’
Trẻ 12 - 24 tháng
Ở độ tuổi này, khả năng giao tiếp của bé nở rộ, vì thế bạn có thể bắt đầu giải thích cho bé những kỷ luật cơ bản, ví dụ: ‘Đừng kéo đuôi con mèo’.
Bạn cũng có thể dùng các từ như ‘Không’, ‘Đừng’ để ngăn chặn con trong những tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên, đừng lạm dụng cách này vì quá nhiều lần dùng các từ đó sẽ khiến trẻ bị ‘nhờn’ và cách này trở nên vô nghĩa.
Đây là lúc em bé đang hào hứng với việc bắt đầu có thể tự đi được, một số kỹ năng vận động cũng hoàn thiện hơn. Bé đồng thời sẽ cảm thấy thất vọng vì không thể làm tất cả những gì bé muốn.
Bé có thể hay khóc lóc ăn vạ vào thời điểm này. Mặc dù hành động khóc lóc có thể khiến cha mẹ khá là khủng hoảng, nhưng đó là một trong những dấu hiệu chứng tỏ bé đang lớn lên.
Một vài trẻ có thể nín khóc ngay khi cha mẹ cho bé một đồ chơi gây sao nhãng, một vài bé cần được ôm, vuốt ve.
Nếu tình trạng ăn vạ không kết thúc khi bạn đã thử các cách trên, hãy đưa trẻ ra khỏi vị trí bé đang đứng và giải thích nhẹ nhàng, rõ ràng cho đến lúc bé bình tĩnh trở lại, ví dụ: ‘Nếu con tiếp tục khóc nhà mình sẽ không được ở trong siêu thị này nữa đâu’.
Nhiều bé có thể đánh, cắn cha mẹ vì những cảm xúc tiêu cực, ví dụ như khi bé không thể nói hết được mong muốn của mình.
Để đối phó với tình huống này, hãy nói với trẻ những gì bé không được làm, giải thích đơn giản, dễ hiểu và hướng bé đến hành động khác phù hợp hơn.
Ví dụ, nếu trẻ đánh mẹ bởi vì trong lúc bé đang chơi, mẹ ngăn bé lại để thay tã, hãy nói: ‘Đừng đánh người khác, đánh là đau lắm’; đồng thời đưa cho bé đồ chơi để bé chơi trong lúc bạn thay tã cho bé.
Trẻ 24 - 36 tháng
Ở độ tuổi này bé đã bắt đầu hiểu những yêu cầu đơn giản, nguyên nhân – kết quả. Do đó cha mẹ có thể đưa ra một vài khái niệm dễ hiểu khi giáo dục con.
Ví dụ con bạn lấy bút mầu của trẻ khác, bạn sẽ nói: ‘Đừng lấy đồ chơi nhé. Lấy đồ chơi của bạn thì bạn sẽ buồn đấy’.
Đưa cho bé một đồ chơi tương tự để bé chơi cũng là một cách tốt để giải quyết vấn đề.
Một nguyên tắc để giúp bé tuổi mầm non hiểu được các nguyên tắc là làm cho mọi thứ thật đơn giản. Theo một nghiên cứu của các giáo sư tâm lý học Mỹ, những bà mẹ giáo dục bằng cách nói dài dòng sẽ thu được ít hiệu quả hơn so với những bà mẹ nói thẳng vào vấn đề.
Bà mẹ Susan Simmons, bang Virginia, mẹ của bé Mia 2,5 tuổi, nói: ‘Khi Mia 2 tuổi, tôi bắt đầu giải thích rất dài cho bé rằng vì sao bé không được làm gì đó, nhưng tôi nhận ra rằng bé chẳng hiểu gì.
Giờ nếu bé đòi ăn kẹo trước bữa tối, tôi chỉ nói: Con không thể ăn vào lúc này, vậy là đủ’.
Phạt đứng góc
Từ 24 – 36 tháng tuổi, cha mẹ có thể thử áp dụng hình phạt này.
Khi trẻ có lỗi, trẻ sẽ phải đứng (hoặc ngồi) một mình, im lặng, ở một góc trong phòng để tự trấn tĩnh. Thời gian trẻ chấp hành hình phạt này là số phút tương ứng với số tuổi, ví dụ: 3 tuổi thì đứng góc 3 phút…
Tất nhiên, mỗi đứa trẻ là khác nhau, không có nguyên tắc nào là luôn luôn hiệu quả. Cha mẹ cần linh hoạt khi áp dụng các biện pháp để dạy bé tính kỷ luật, giúp bé hiểu được ranh giới giữa việc nên và không nên làm.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Áp dụng kỷ luật với trẻ dưới 3 tuổi: khi nào và như thế nào là phù hợp? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].