Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, từ năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Sau gần 4 năm thực hiện, TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…
Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 là một trong những hoạt động nổi bật góp phần hiện thực hóa tầm nhìn để Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo.
Sân chơi thể hiện những ý tưởng sáng tạo
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 do UBND thành phố Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao, Tạp chí Kiến trúc thực hiện vừa diễn ra thành công với những công trình, triển lãm, hoạt động mang tính sáng tạo đầy mới mẻ và hấp dẫn.
Một trong những hoạt động sáng tạo điển hình thu hút rất đông người dân và du khách tham gia đó là tuyến tàu 'Hành trình di sản' được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức từ ngày 18 - 26/11/2023.
Mỗi tuyến tàu “Hành trình di sản” có 5 toa chở khách và 2 toa dành riêng cho triển lãm nghệ thuật, kết nối các điểm di sản hai bên bờ sông Hồng. Đây là tuyến tàu dành riêng cho du khách tham gia trải nghiệm Lễ hội, với hành trình đi qua 3 điểm là ga Hà Nội - ga Long Biên - ga Gia Lâm, qua cầu Long Biên lịch sử. Chỉ đi qua khoảng 4km đường tàu, tương đương 10 phút di chuyển nhưng du khách được ngắm nhìn cầu Long Biên 120 tuổi và cảnh quan 2 bên bờ sông Hồng. Hơn thế nữa, đó là hành trình kết nối giá trị hiện tại và quá khứ đã trở thành một phần ký ức khó quên của những hành khách.
Hay di sản Tháp nước Hàng Đậu cũng được "đánh thức" bởi một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, ánh sáng và âm thanh được nhóm thiết kế gồm kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương và các cộng sự thực hiện.
Điều đặc biệt, các tác phẩm làm nên không gian nghệ thuật bên trong tháp nước đều là vật liệu tái chế. Âm thanh của tiếng nước rơi được thu âm và phát trực tiếp, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng giúp không gian tháp nước như được mở rộng. Chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút tới 30.000 lượt người tới tham quan.
Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo; nhằm hướng tới dòng chảy huyết mạch kết nối giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô, tạo ra những trải nghiệm biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.
Hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo
Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2023 đã cho thấy sự thành công của Thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam.
So với các năm trước, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay về cả không gian, thời gian tổ chức và số lượng, sự đa dạng các hoạt động, sự kiện. Lễ hội lần này đã quy tụ được nhiều chuyên gia, các tổ chức trong nước và quốc tế, nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo trên mọi lĩnh vực.
Lễ hội gồm hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 19 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 12 hoạt động nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo được tổ chức tại tuyến địa điểm chính Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân; ga Long Biên và ga Gia Lâm. Bên cạnh đó, còn hơn 40 hoạt động, sự kiện văn hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội.
Lễ hội có sự tham gia của hơn 200 các đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sỹ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ sỹ trẻ đã đang tích cực tham gia ý tưởng và đồng hành cùng chương trình.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 không chỉ tôn vinh sự sáng tạo trên chất liệu truyền thống, mà còn là nơi 200 đơn vị, nhà sáng tạo, kiến trúc sư, nghệ nhân, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo thăng hoa trong cảm xúc, thoải mái thể hiện những ý tưởng sáng tạo với các không gian triển lãm, như: “Tiếng gọi”, “Bến chờ”, “Góc ký ức”, “Dòng chảy di sản”, Pavilion kiến trúc nhà mát và vẽ lại giấc mơ hiện đại, con đường trải nghiệm với các hoạt động sáng tạo cộng đồng, ẩm thực…
Lễ hội không chỉ thu hút sự quan tâm của công chúng Thủ đô, là “sân chơi” cho các nghệ sĩ trẻ mà còn đặt nền tảng tích cực cho các không gian sáng tạo - tiền đề phát triển ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô trong những năm tới. Điều đó cũng cho thấy những nỗ lực của Hà Nội trong việc thực hiện các cam kết sau khi trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019.
An HòaBạn đang xem bài viết Hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].