Báo Điện tử Gia đình Mới

Hà Nội 'đánh thức' di sản công nghiệp bằng sức sáng tạo không ngừng

Hơn 200.000 lượt khách đã đến tham quan, trải nghiệm các không gian sáng tạo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và tháp nước Hàng Đậu là kết quả tích cực của việc 'đánh thức' di sản công nghiệp mà Hà Nội đang thực hiện.

Hà Nội hội tụ những di sản công nghiệp hàng đầu của cả nước

Theo định nghĩa của Ủy ban quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp (TICCIH): Di sản công nghiệp là những giá trị của nền “văn minh công nghiệp” nhân loại, bao gồm giá trị lịch sử, khoa học, kỹ thuật, xã hội, kiến trúc, quy hoạch... và những giá trị khác, cần được xác nhận và bảo tồn cho thế hệ tương lai.

Di sản công nghiệp không chỉ bao gồm các vật thể (có giá trị) còn lại mà hàm chứa cả các tầng ý nghĩa, tính biểu tượng, câu chuyện, ký ức, các sự kiện có tính bước ngoặt trong phát triển - là các giá trị phi vật thể gắn với tiến trình lịch sử công nghiệp hóa của loài người.

Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời di sản văn hóa nói chung, mang những giá trị độc đáo và đóng góp sự đa sắc màu trong nền kinh tế văn hóa.

Tái thiết không gian sáng tạo cho những di sản công nghiệp ở Hà Nội.

Tái thiết không gian sáng tạo cho những di sản công nghiệp ở Hà Nội.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ, kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 185 công trình công nghiệp, hiện còn 90 công trình còn hiện hữu. Di sản công nghiệp của thành phố Hà Nội là các nhà máy, công xưởng từ thời Pháp thuộc cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đây không chỉ là những công trình kiến trúc mà còn có giá trị lớn với người dân, gắn với tiềm thức, ký ức cũng như cuộc sống một thời, vì thế, di sản công nghiệp luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại. 

Các công trình di sản công nghiệp Hà Nội từng một thời là biểu tượng của Thủ đô như nhà máy bia Hà Nội, nhà máy xe lửa Gia Lâm, giày Thượng Đình, Tháp nước Hàng Đậu... đã cùng tạo ra một bức tranh công nghiệp đầy sôi động những năm tháng thế kỷ trước của Thủ đô.

Đánh thức di sản đang 'ngủ quên' bằng sức sáng tạo không ngừng

Từ một nhà máy cũ nằm trong diện di dời ra khỏi nội đô Hà Nội, với các ý tưởng từ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã được cải tạo trở thành không gian sáng tạo độc đáo, nơi tổ chức của những hoạt động văn hóa trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 và điểm thăm quan hấp dẫn của đông đảo du khách và người dân Hà Nội.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, còn được gọi là Xưởng Gia Lâm hay Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm, là di sản lịch sử quan trọng của Việt Nam, vốn liên quan sâu sắc đến lịch sử đường sắt và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, phát triển hệ thống đường sắt ở Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Không chỉ đóng vai trò trong ngành đường sắt, Nhà máy còn góp phần vào sự chuyển dịch văn hóa và tư tưởng của người Việt; tạo điều kiện cho sự trao đổi văn hóa và tư tưởng thông qua làm việc với người lao động từ khắp nơi và các mạng lưới đại lý rộng lớn. 

Đánh thức di sản đang 'ngủ quên' bằng sức sáng tạo không ngừng.

Đánh thức di sản đang 'ngủ quên' bằng sức sáng tạo không ngừng.

KTS Nguyễn Hồng Quang - người cùng TOOB Studio thiết kế Pavilion “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng nóng” tại phân xưởng gia công nóng B1 của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm chia sẻ: “Chúng tôi giữ nguyên hiện vật ở đây, hầu như không động gì vào, chỉ làm sạch và cung cấp những chú thích để công chúng hiểu về hoạt động của công xưởng. Qua đó, tôi muốn truyền tải thông điệp rằng, những máy móc này đã có thời kỳ phục vụ cho những người công nhân, cho nhà máy, là một phần lịch sử thú vị”.

Là người thực hiện công trình biểu trưng cho Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - sân khấu chính của các sự kiện - Pavilion “Bến chờ”, KTS Lê Quang Thạch chia sẻ: Thiết kế Pavilion được lấy cảm hứng từ ký ức của Nhà ga đường sắt. Nhà ga không chỉ là nơi trung chuyển, mà còn là nơi của chia xa, nơi của gặp lại, là nơi mang đến ký ức buồn vui qua những cuộc đợi chờ. "Bến chờ" không chỉ là một pavilion mang tính hoài niệm, đây còn là điểm dừng chân cho du khách mỗi lần cần nghỉ ngơi, để tĩnh lại lòng mình giữa tấp nập của thời cuộc, ngồi lại bên nhau, ngắm nhìn một vẻ đẹp đang bị lãng quên của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm”.

Với sự đóng góp của các pavilion trên, trung bình mỗi ngày, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thu hút 30.000 người đến tham quan, trải nghiệm, tham gia các hoạt động trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.

Cũng nằm trong những điểm đến thu hút du khách trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, Tháp nước Hàng Đậu đón tiếp khoảng 3.000 người/ngày. Tháp nước là nơi diễn ra không gian “Sắp đặt Nước & Di sản Tháp nước Hàng Đậu” được thiết kế bởi họa sĩ Nguyễn Đức Phương cùng những cộng sự. Đây là không gian sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước. Họa sĩ Nguyễn Đức Phương cho biết muốn dùng âm thanh tiếng giọt nước để đưa người ta đến những chiều không gian mênh mông, giống như một đồng hồ khổng lồ.

“Thông qua dự án lần này, tôi mong công chúng sẽ có ý thức và đóng góp đối với di sản. Đời sống tuy thay đổi theo thời kỳ, những di sản vẫn luôn mang lại giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng người trẻ có cái nhìn, cách tiếp cận khác về nghệ thuật, từng bước tạo nên giá trị cho cộng đồng. Tôi mong nhiều không gian nghệ thuật hơn nữa được kiến tạo từ di sản như thế này” - họa sĩ Nguyễn Đức Phương chia sẻ.

Những công trình tưởng như “ngủ quên” bao năm của Hà Nội đang được đánh thức, khoác lên một diện mạo mới đầy sáng tạo, ngẫu hứng, nghệ thuật và hấp dẫn.

Cần tái thiết di sản công nghiệp trong lòng Hà Nội

Kiến trúc sư Vương Hoàng Long, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng: "Các không gian sáng tạo được thiết kế tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và Tháp nước Hàng Đậu" chính là sự 'đánh thức' di sản công nghiệp đang 'ngủ quên' của Hà Nội. 

Sự “hồi sinh” của các không gian di sản như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hay Bốt nước Hàng Đậu không chỉ là tín hiệu đáng mừng với cộng đồng khi được tiếp cận với một phần dòng chảy của sự phát triển đô thị, mà còn đem tới tiềm năng phát triển những di sản tương tự và truyền cảm hứng cho các dự án nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật. Đây là tiền đề cho việc đưa di sản công nghiệp thành điểm nhấn du lịch độc đáo của thành phố, mang đến cho cộng đồng nhiều hoạt động và trải nghiệm khác nhau".

Theo kiến trúc sư Vương Hải Long, hiện nay, nhiều di sản công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã biến mất và được thay thế bởi những công trình mới. Đây là sự biến đổi mang tính tất yếu trước sức ép phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã quan tâm đến việc phát huy và bảo tồn các di sản công nghiệp, kiến thiết lại những công trình kiến trúc nhà máy, công xưởng cũ thành những công viên giải trí, văn hóa, góp phần hiệu quả trong việc phát triển Công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, di sản công nghiệp gần như chưa được phát huy hết giá trị. Và đã đến lúc chúng ta cần phải có ứng xử văn hóa với những di sản công nghiệp này để di sản xứng với vai trò và tiềm năng của nó.

Một vấn đề nữa được đặt ra đó là các di sản công nghiệp Hà Nội cần phải sử dụng như thế nào để mang lại giá trị và không mất đi tính lịch sử. Do vậy, di sản cần phải được đánh giá, có quy hoạch và tầm nhìn xa. Trong đó, các di sản công nghiệp có thể được chuyển đổi thành không gian văn hóa, sáng tạo phục vụ cộng đồng và phát triển công nghiệp văn hóa.

Đồng tình với định hướng cần khai thác tiềm năng của di sản công nghiệp tại Hà Nội, Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cũng cho rằng,dưới góc nhìn di sản, các nhà máy cũ nếu đã loại bỏ hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, thì không hẳn trở thành các ứ tồn đô thị cần phải đập bỏ, thay thế. Chúng ta hoàn toàn có thể bảo tồn, cải tạo, tái sử dụng thích nghi chúng thành các trung tâm văn hoá, nghệ thuật, các tổ hợp sáng tạo, khởi nghiệp như kinh nghiệm ở rất nhiều nơi trên thế giới. Các nhà máy với những giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hoá luôn tạo ra những cảm xúc đặc biệt, cuốn hút sẽ hấp dẫn người dân và khách tham quan. Đây là cơ hội để biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hoá sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững".

An Hòa/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO