Mặc dù Chính phủ đã có phương án chuyển dần nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS từ nguồn lực của các chương trình, dự án sang nhiệm vụ của Quỹ bảo hiểm y tế, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, kể cả khi có phương án này thì nguy cơ giảm số người điều trị ARV là vẫn còn.
Nguyên nhân là do khi chuyển sang phương án này thì bệnh nhân HIV phải tham gia bảo hiểm y tế thì mới được điều trị bằng thuốc ARV. Trong khi đó, kinh tế của chính những người bệnh HIV là cực kỳ khó khăn.
Bên cạnh đó, không phải bệnh nhân HIV nào cũng sẵn sàng đăng ký làm thẻ bảo hiểm y tế. Có nhiều trường hợp bệnh nhân HIV mặc cảm, họ tự kỳ thị chính bản thân mình dẫn đến không muốn tiết lộ danh tính và lựa chọn bỏ điều trị.
Theo thống kê từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2015, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế chỉ đạt 30%. Con số này đã tăng lên 89% vào thời điểm này. Như vậy, vẫn còn 11% bệnh nhân HIV chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã hướng dẫn, phổ biến và hỗ trợ các tỉnh, thành phố vận động nguồn ngân sách địa phương và nguồn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.
Cùng với đó, cơ chế tham gia bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu đã được giải quyết trong Thông tư 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế thông qua hình thức phát hành thẻ bảo hiểm y tế có ảnh.
"Những người nhiễm HIV không nhất thiết phải tham gia hộ gia đình mà chỉ cần thông qua các Trung tâm hỗ trợ các cơ quan phòng chống AIDS của tỉnh, các cơ sở điều trị để lập danh sách, tổng hợp lại. Qua đó, hỗ trợ người nhiễm HIV làm thẻ bảo hiểm y tế. Trước mắt, phấn đấu tất cả các bệnh nhân HIV đang điều trị ARV phải có thẻ bảo hiểm y tế", Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết.
L.MinhBạn đang xem bài viết Hết nguồn hỗ trợ quốc tế, nhiều bệnh nhân HIV dừng điều trị bằng thuốc ARV tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].