Chuyến đi “định vị” lại nóc nhà Đông Dương
Mặc dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi chuyện chinh phục đỉnh núi anh cả của Đông Dương, ông Khuyên trở nên hoạt bát hẳn.
Nhấp một ngụm trà đặc, ông kể: “Năm ấy, khi tôi đang làm việc tại phòng Văn hóa huyện thì được lãnh đạo giao nhiệm vụ đưa đoàn chuyên gia của Ba Lan và các vận động viên leo núi lên đỉnh Fansipan để họ đặt chóp trên đó”.
Thời điểm đó, ông Khuyên chưa thể hình dung hết được những khó khăn mình sẽ phải đối mặt khi chinh phục sống lưng Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.
Một sớm tháng 10 năm 1984, Hà Văn Khuyên được thông báo tập trung cùng đoàn ở trung tâm thị trấn. Trước khoảng sân nhỏ, anh văn công quê Hà Nam mắt tròn mắt dẹt khi thấy lố nhố bóng người.
Những chuyên gia đến từ Hungary, Ba Lan, Bungari... đã nai nịt đầy đủ, áo ấm che kín mít. Gần đó ngổn ngang là balo, dây thừng leo núi và cơ man... thịt hộp. Đỉnh chóp 3 mặt bằng chất liệu duyra bọc kín trong vải mềm được một porter người Mông cẩn thận gùi trên lưng.
Đoàn 50 người, với 17 chuyên gia nước ngoài xăm xắm hướng về phía Cát Cát, bắt đầu hành trình kéo dài 3 ngày để mang chóp lên gắn cho đỉnh núi cao nhất xứ Đông Dương bấy giờ.
“Ngày đó, chỉ có một con đường duy nhất để tiếp cận đỉnh là đi theo hướng bản Cát Cát. Đây cũng là cung đường mà người Mông sử dụng để vào sâu trong Hoàng Liên Sơn trồng thảo quả nên việc dẫn đoàn được giao cho anh em ‘thổ địa”, ông Khuyên kể.
Con đường chinh phục
Rời Cát Cát, cả đoàn bắt đầu gặp những thử thách đầu tiên của núi mẹ. Dốc nối dốc. Đường đang bằng phẳng bỗng dựng đứng như con ngựa chồm lên giận dữ.
Ông Khuyên rùng mình nhớ lại cảm giác mà ông tự gọi là “nâng gối thì chạm vào cằm” khi buộc phải vượt qua địa hình phức tạp thời điểm ấy.
Mất gần 4 giờ, họ mới lên được trạm nghỉ ở độ cao 1.500m. Lúc này, cả ta lẫn Tây ai nấy mặt đỏ bừng, mồ hôi như tắm.
Sau một đêm nghỉ lại, cả đoàn tiếp tục hành trình. Càng lên cao, đường đi càng khó. Nhiệt độ bắt đầu giảm mạnh. Nhưng đáng sợ nhất với những người đi rừng ở khu vực này lại là... rắn.
“Đêm thứ hai, khi tôi cùng mọi người đã nằm trong lều ngủ thì bỗng giật thót vì thấy có vật gì đang bò qua người mình. He hé mắt nhìn thì phát hiện đó là con rắn dài cả mét. Anh em không ai dám thở mạnh”, ông Khuyên kể.
“Hung thần” rừng Hoàng Liên sau một hồi dạo chơi trong lều lẳng lặng bỏ đi. Nhưng, cả đêm ấy, những “gã người” ôm giấc mơ đặt chóp trằn trọc không sao ngủ tiếp được.
Ngày tiếp theo, cả đoàn rời điểm 2.600m hướng về phía trước. Những trảng rừng nhiệt đới dần dần biến mất. Thay vào đó là bạt ngàn trúc lùn và đỗ quyên cổ thụ.
“Đích đến ngày càng gần, ai cũng hồi hộp, háo hức. Tất cả đều ý thức rõ đây không chỉ là một cuộc chinh phục thông thường. Lần này, chúng tôi sẽ mang chiếc chóp đầu tiên gắn lên đỉnh núi. Nó giống như một lần nữa định vị và đặt tên cho núi vậy,” ông Khuyên bồi hồi nhớ lại.
Trưa hôm ấy, 50 con người chính thức đặt chân lên nóc nhà Đông Dương. Việc đặt chóp được tiến hành. Xi măng, cát sỏi vốn cất kỹ sâu dưới đáy gùi để chống ướt được đổ ra.
Người trộn, kẻ xây. Chỉ mất chừng 30 phút, chiếc chóp duyra sừng sững được dựng nên, trên độ cao 3.143m.
Những ông Tây ôm chầm lấy nhóm dẫn đường người Việt, hò reo với đủ thứ ngôn ngữ. Dù không ai hiểu ai, nhưng tất cả đều tự hào đã góp phần “cõng chóp” gắn lên đỉnh trời.
Cáp treo – “xương sống” mới của Sa Pa
35 năm sau chuyến đi “khai sơn, phá thạch” ấy, chàng văn công Hà Văn Khuyên ngày nào đã rút về với quán phở nhỏ nép mình bên chợ tình cũ của Sa Pa.
“Năm 1986, tôi tiếp tục cùng các chuyên gia địa chất Việt Nam khám phá đỉnh Fansipan. Lần cuối tôi leo bộ là vào năm 2006, khi đã 58 tuổi,” ông lão cười rổn rảng khoe.
Lần chinh phục nóc nhà Đông Dương ở độ tuổi gần 60 ấy, ông đã cảm giác rõ sức nặng của tuổi tác đang đè nặng lên chân mình. Khi leo tới điểm 2.600m, ông Khuyên thực sự muốn bỏ về vì quá mệt.
Nhưng rồi, ý nghĩ có thể đây sẽ là lần cuối mình được tận hưởng cái cảm giác náo nức, tự hào khi đứng trên đỉnh cao đã thôi thúc ông cố gắng.
Buổi sáng khi “chạm Fan”, ông lão 58 tuổi lặng lẽ đứng nhìn về biển mây đang cuồn cuộn chảy, âm thầm gửi một lời chào tạm biệt người bạn cố tri...
Nhưng, ông không thể ngờ rằng, đúng 10 năm sau, cơ hội để gặp lại Fansipan lại bất ngờ xuất hiện.
Năm 2016, cáp treo 3 dây nối từ thị trấn Sa Pa lên đỉnh 3.143m của Sun Group chính thức được vận hành. Ông cùng đại gia đình được mời đi chuyến cabin đầu tiên lên đỉnh núi. Ở độ tuổi 68, ông là người già nhất lên Fansipan bằng cáp khi đó.
Ngồi trên cabin, cung đường 35 năm trước cùng đoàn chuyên gia vượt qua như được vẽ lại trước mắt ông. Kia mốc 1500m giờ đã rậm rịt tán cây.
Còn kia là vành đai 2.600m với những “vườn” thảo quả chạy dài hàng cây số. Và đây là đỉnh Fansipan. Phút chốc, những ký ức vạm vỡ lại ùa về khiến ông lặng đi trong rưng rưng khó tả.
Cáp treo đã hiện thực hóa giấc mơ chinh phục tưởng chừng như đã nguội lạnh trong ông. Cáp treo cũng mở ra cơ hội để từ già đến trẻ, phụ nữ - đàn ông, đều có thể được ngắm nhìn núi rừng Sa Pa từ một góc nhìn rất khác.
Ông lão 70 tuổi hào hứng: “Có đi chuyến ấy, tôi nghĩ: Chúng ta phải ghi nhận, phải khâm phục những người làm cáp. Vì họ giữ nguyên được cái hồn của rừng núi. Chỗ nào cần làm đường thì làm, chỗ nào không cần thì giữ nguyên tất cả. Cái hồn của Fansipan không hề mất đi.”
Rồi ông mỉm cười nói thêm: “Tôi không bao giờ nghĩ đến tuổi 70 tôi vẫn có thể đứng trên đỉnh Fansipan”.
Với những người đã gắn cả cuộc đời mình với vùng đất Sa Pa, ông Khuyên hiểu hơn ai hết từng ngày đổi thay của mảnh đất này. Với ông, tuyến cáp ấy đã tạo “xương sống”, để mảnh đất này vươn mình đứng dậy, phát triển mạnh mẽ.
“Từ khi có cáp, Sa Pa giàu và đẹp hơn chứ không còn buồn như ngày xưa. Khách du lịch đến với nơi đây nhiều hơn, kinh tế cũng theo đó mà phát triển. Tuyến cáp như là xương sống mới của núi rừng, từ đây Sa Pa cựa mình đứng dậy,” ông Khuyên nhấn mạnh.
Sa Pa cựa mình từ cáp treo
Theo số liệu được công bố tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch năm 2019 với chủ đề "Lào Cai – Điểm đến thành công", Sa Pa đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng khách du lịch vượt bậc.
Nếu như năm 2013, tổng lượt khách đến Sa Pa mới đạt 720.000 lượt, doanh thu 576 tỷ đồng, thì đến năm 2018, tổng lượt khách đến Sa Pa đã lên tới 2,7 triệu, doanh thu 3.900 tỷ đồng.
Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách đến Sa Pa đạt 1,65 triệu lượt, doanh thu xấp xỉ 5.200 tỷ đồng, tăng 33% so với cả năm 2018 và tăng gấp 9 lần doanh thu năm 2013.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Hành trình kỳ thú gắn đỉnh chóp đầu tiên trên nóc nhà Đông Dương Fansipan tại chuyên mục Du lịch của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].