Vừa tháng trước, chị tôi gọi điện với giọng điệu chắc nịch: “Ly hôn, không nói suông nữa!”. Lần này chị không nói dai thật, nhanh gọn lẹ ra toà sòng phẳng với chồng.
Anh rể tôi khi ấy mấy lần sang nhà cha mẹ tôi, hết khóc than rồi lại trách chị tôi vô tình. Anh ta bảo vợ chồng sống với nhau mười mấy năm sao giờ cạn tình cạn nghĩa khi chồng làm ăn thua vốn.
Anh ta trách chị tôi bỏ chồng nghèo để theo giàu, để theo bồ. Mẹ tôi tức quá, quát thẳng vào mặt anh ta: “ Đàn ông không lo được cho vợ con thì có quyền trách ai?”.
Ngày trước, khi chị tôi đòi lấy anh rể, ba tôi dù không đồng ý nhưng cũng không ngăn cản được. Ba tôi chỉ nói nhìn anh rể ông không thấy có tương lai.
Chị tôi khi ấy vì yêu nên chọn người đàn ông gia cảnh nghèo, cũng chưa có gì trong tay. Nhưng khi ấy chị tôi rất tự tin vào tình yêu của mình, chị nói chị nhìn thấy tương lai ở anh rể.
Thế nhưng, quãng thời gian 7 năm lấy chồng, chị tôi chưa một lần dám sắm một bộ váy áo mới. Anh rể tôi không ở lại được công ty nào quá 1 năm.
Anh ấy bảo không hợp làm thuê, muốn làm chủ. Vậy là vợ chồng vay tiền bạn bè để có vốn làm ăn.
Nhưng từ ngày mở tiệm bán đồ gia dụng, chỉ mình chị tôi quán xuyến, anh rể hôm vui thì làm, hôm không vui thì nhậu nhẹt.
Đến khi gần đây lỗ vốn quá nhiều phải đóng cửa tiệm, nợ chưa trả chồng chất nợ mới, chị tôi cuối cùng cũng không chịu được nữa. Chị tôi trước khi ly hôn vẫn nói trong nước mắt:
“Chị không sợ anh ấy nghèo tiền nghèo của, nhưng lại quá sợ một người chồng nghèo ý chí, cố gắng”.
Một người chồng không có chí cầu tiến không chỉ đem đến vất vả cho chị mà còn là khổ tâm tổn thương.
Chị không chỉ một mình lo chuyện bên ngoài, còn phải hầu hạ anh ta khi về nhà.
Vì không có ý chí cố gắng, anh ta lười nhác trong mọi việc. Vì không có nỗ lực đi lên, anh ta đổ mọi trách nhiệm, sai trái cho vợ mình sau mỗi lần thất bại. Nếu chị không hài lòng về anh ta, anh ta sẽ tự ái mà tổn thương chị.
Đến khi chị không thể chịu nổi mà rời đi, anh ta lại cho rằng chị vô tình vô nghĩa. Chị nói, rời đi vì hết thương thì không hẳn, nhưng khi khổ quá rồi người ta sẽ không còn thiết thương yêu nữa. Không ai chịu được nghèo khó và khổ sở khi họ không có người đồng hành và chia sẻ.
Thật vậy, phụ nữ có thể chọn một người đàn ông trong tay chưa có gì để chung sống cả đời. Họ chấp nhận đồng cam cộng khổ cùng chồng, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Sự thủy chung của phụ nữ vượt qua mọi rào cản giàu nghèo ở đời.
Ngay cả khi chồng có không giàu có bằng người khác, có không cho họ đủ đầy thì đó cũng không phải là lý do để phụ nữ ly hôn. Vì họ không chọn kết hôn chỉ vì tiền.
Nhưng phụ nữ sẽ rời đi khi những hy sinh họ bỏ ra không thể đổi lấy sự cố gắng nỗ lực của chồng.
Một người đàn ông giàu hay nghèo đôi khi không phải do số phận. Nếu cố gắng, nỗ lực thì đàn ông có thể lo đủ những gì thiết yếu cho gia đình của mình.
Đàn ông quá nghèo để vợ phải lâm vào chật vật khốn cùng không phải do cha mẹ anh ấy nghèo, hay vì may mắn chưa tới, mà là ở bản thân anh ấy không có nỗ lực, làm ít mà mong nhiều, giậm chân mà muốn tiến.
Hãy nhớ rằng: Đàn ông trước 30 tuổi còn nghèo khó có thể vì chưa đủ vận may. Nhưng sau 30 nếu đàn ông vẫn không thể lo cho vợ con thì chính là không có chí tiến thủ.
Đàn ông khi ấy chính là ích kỷ và vô trách nhiệm. Thế thì nếu bị vợ bỏ lại cũng đừng trách cứ ai, đó là cái giá phải trả khi đàn ông không biết quý trọng gia đình.
Bạn đang xem bài viết Phụ nữ không sợ lấy chồng nghèo, chỉ sợ lấy nhầm người vừa lười lại không có chí tiến thủ tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].