Ngày mai, tôi phải đi viện dưỡng lão…
Không vì bất đắc dĩ, thì tôi cũng không muốn đi viện dưỡng lão. Nhưng mà từ khi sinh hoạt hàng ngày không thể tự làm được, mà con gái vừa làm việc vất vả vừa phải chăm sóc cháu trai, không có thời gian để quan tâm mình, dường như đây là sự lựa chọn duy nhất đối với tôi.
Quả thật, mức sống ở viện dưỡng lão không tệ: Một mình trong căn phòng sạch sẽ, được lắp các đồ điện đơn giản thực dụng, đầy đủ các loại phương tiện giải trí; đồ ăn cũng ngon miệng; phục vụ rất chu đáo, bày trí xung quanh cũng rất đẹp.
Thế nhưng giá cả lại đắt đỏ, tiền hưu của tôi nhất định không đủ trả. Nhưng tôi còn có nhà của mình, đem bán nó đi, tiền cũng không còn là vấn đề nữa. Nhưng của cải còn lại, trong tương lai tôi muốn để dành cho con cái. Con cái lại rất hiểu chuyện, chúng nói: “Tài sản của mẹ thì mẹ tùy ý sử dụng, không cần lo cho bọn con”.
Số tiền còn lại đúng là tôi muốn chuẩn bị để vào viện dưỡng lão. Sống trong nhà, cái gì cũng không thiếu từ kim chỉ đến rương hòm, ngăn tủ, ngăn kéo đều đầy ắp các loại đồ dùng. Quần áo bốn mùa, đồ dùng bốn mùa, chồng chất như núi; tôi thích sưu tầm, tem sưu tầm đã thành từng chồng lớn, ấm tử sa cũng đã hơn mười cái.
Còn có rất nhiều vật linh tinh cất giấu, nào là ngọc bích, hạt óc chó, vật trang sức. Đặc biệt là sách, cả một mặt tường là giá sách, chật kín đầy ắp; rượu ngon thì Mao Đài, Ngũ Lương, rượu Tây cũng phải mấy bình.
Hơn nữa, còn có nguyên bộ đồ điện gia dụng, dụng cụ nấu nướng, nồi niêu xoong chảo, củi gạo dầu muối, đủ loại đồ gia vị, nhét chật đầy phòng bếp; còn hơn chục cuốn album ảnh, nhìn một phòng tràn đầy đồ vật, tôi cũng thấy phát rầu!
Ở viện dưỡng lão chỉ có một gian phòng, một cái tủ, một cái bàn, một giường, một ghế sô pha, một tủ lạnh, một máy giặt, một TV, một bếp điện từ, một lò vi ba, căn bản không có chỗ để lưu giữ thứ mà mình tích lũy.
Trong chớp mắt, tôi đột nhiên cảm giác được, những của cải này đều là dư thừa, chúng cũng không thuộc về mình…
Chẳng qua, tôi chỉ là nhìn một cái, chơi một chút, dùng một lát, những đồ dùng đó trên thực tế chỉ thuộc về thế giới này, những sinh mệnh lần lượt lướt qua ta, cũng chỉ là quần chúng.
Cố Cung là của ai, hoàng đế cho rằng là của trẫm đấy, nhưng bây giờ nó là của nhân dân, của xã hội, chỉ có thể trở thành lịch sử. Tự nhiên tôi hiểu ra: Tại sao Bill Gates muốn đem cho toàn bộ tài sản của mình; tại sao Jack Ma tuyên bố muốn tặng toàn bộ đồ cất giữ cho viện bảo tàng? Đó là bởi vì bọn họ hiểu rồi: Tất cả vốn dĩ không phải của họ!
Bọn họ chẳng qua là nhìn một cái, chơi một chút, dùng một lát, sinh không mang theo, chết không mang đi, chi bằng tích đức làm việc thiện lưu lại phúc cho con cháu. Đó mới thật là sáng suốt!
Căn phòng nhiều đồ đạc của tôi, thật muốn đem hiến tặng, nhưng lại không nỡ. Phải xử lý chúng trở thành một vấn đề khó khăn, con cháu lại chẳng dùng được bao nhiêu.
Tôi có thể tưởng tượng, lúc cháu mình đối mặt với những bảo bối tôi khổ tâm tích lũy thì sẽ đối xử thế nào: Quần áo chăn đệm toàn bộ đều vứt đi; hơn chục cuốn album quý báu bị đốt bỏ; sách bị coi như phế phẩm bán đi; đồ cất giữ không có hứng thú sẽ bị dọn sạch; đồ gỗ lim trong nhà không dùng, cũng sẽ đem bán giá rẻ.
Giống như phần cuối Hồng Lâu Mộng: “Chỉ còn lại trắng xóa một mảnh, thật sạch sẽ!”
Bất giác, tôi quay lại nhìn đống quần áo như núi, chỉ lấy vài bộ thích mặc; đồ dùng phòng bếp chỉ chừa lại một bộ nồi niêu chén bát. Sách chọn lấy vài cuốn đáng đọc; ấm tử sa chọn lại một cái để uống trà.
Mang theo chứng minh thư, giấy chứng nhận người già, thẻ y tế, hộ khẩu, đương nhiên còn có thẻ ngân hàng, vậy là đủ rồi!
Đây chính là toàn bộ gia sản của tôi! Tôi đi rồi, từ biệt hàng xóm, đem trả ngôi nhà này lại cho thế giới này!
Kỳ thực, đời người chỉ có thể ngủ một giường, ở một gian phòng, dù nhiều hơn nữa đều là để nhìn chơi. Con người sinh ra trên đời, quả thật không cần quá nhiều, đừng quá coi trọng vật chất, bởi vì tất cả cuối cùng đều phải trả lại cho thế giới này!
Chi bằng đọc nhiều sách, dành thời gian ở bên cạnh người thân, yêu mến bạn bè bên cạnh, làm cho thế giới này bởi vì có tấm lòng yêu thương của bạn mà trở nên tốt đẹp, vui vẻ hơn.
Bạn đang xem bài viết Lá thư 'Viện dưỡng lão là ngôi nhà cuối cùng của tôi', ai đọc cũng thấy chua xót tại chuyên mục Quà tặng Cuộc sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].