Báo Điện tử Gia đình Mới

Hà Nội lan tỏa văn hóa đọc: Gieo niềm yêu thích đọc sách cho học sinh

Nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những cách làm hay, hiệu quả, từ đó khuyến khích học sinh hăng say tìm tòi, khám phá tri thức từ những trang sách, tác phẩm hay.

“Sách cũ của bạn là sách mới của tôi”

Đây là phong trào được trường THCS Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) phát động để tạo thói quen đọc sách cho học sinh toàn trường. Học sinh mang sách của mình đã đọc đến thư viện cho bạn khác mượn; qua đó, các em chia sẻ những cuốn sách hay với bạn bè trong trường, ngoài ra nhà trường cũng bổ sung thêm khá nhiều đầu sách mới.

Cô giáo Phạm Thanh Minh thông tin, để học sinh đọc yêu thích đọc sách và đọc sách hiệu quả, giáo viên Ngữ văn của trường sẽ lên danh sách một số cuốn sách nên đọc đối với từng khối lớp, mỗi lớp sẽ gửi đầu sách đến phụ huynh.

Thư viện sách trường THCS Thanh Xuân luôn thu hút học sinh đến đọc sách.

Thư viện sách trường THCS Thanh Xuân luôn thu hút học sinh đến đọc sách.

Hàng tuần, hàng tháng, trường đều có các cuộc thi Giới thiệu sách từ cấp lớp đến cấp trường và có trao thưởng, tặng quà đối với phần giới thiệu sách hay nhất. Mỗi tháng 1 lần, trường sẽ tổ chức 1 tiết giới thiệu sách dưới sân trường. Phần giới thiệu sách hay nhất tháng sẽ được thu âm trong chương trình Phát thanh măng non của trường để phát cho toàn thể học sinh nghe trong các giờ nghỉ trưa.

Tránh tình trạng học sinh đọc sách tràn lan, sa đà, ngay từ đầu năm trường đã xây dựng kế hoạch đọc có định hướng cho học sinh thông qua phương pháp đọc sách và lựa chọn các chủ đề phù hợp với sở thích của các em. Việc định hướng này rất quan trọng, giúp học sinh có kỹ năng đọc, bổ sung thêm kiến thức trên lớp theo môn học, đồng thời khơi gợi niềm đam mê đọc sách theo nhu cầu.

Mỗi học sinh cũng có một cuốn Nhật ký đọc để hàng ngày đọc gì có thể ghi chép vào cuốn nhật ký. Việc đọc sách cứ như vậy giúp học sinh hình thành thói quen và điều giá trị hơn là các con đã bộc lộ những năng lực và phẩm chất của mình trong các tình huống thực tế của cuộc sống, biết yêu thương, chia sẻ, thể hiện tình cảm với người thân, với thầy cô, bạn bè.

Phát triển văn hóa đọc là chương trình trọng tâm của của nhà trường

Xây dựng và phát triển văn hoá đọc đã trở thành một trong những chương trình trọng tâm của trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình).nhằm rèn luyện năng lực tự học, giúp học sinh phát triển và mở rộng kiến thức.

Đại diện Ban giám hiệu trường THCS Nguyễn Công Trứ cho biết, hoạt động đọc sách được triển khai ở tất cả các lớp trong nhà trường, thư viện được trang bị khá nhiều sách và tư liệu phù hợp lứa tuổi, phong phú về nội dung và có các góc hoạt động rất tiện lợi, bổ ích, hấp dẫn với học sinh như: Góc trò chơi học tập; góc cảm nhận; góc sáng tạo,… Ngay cả trong thời kì giãn cách đại dịch Covid, Thư viện và Liên đội nhà trường cũng đã nhanh chóng thích ứng, thực hiện các hoạt động giới thiệu sách dưới dạng trực tuyến, đảm bảo khả năng thích nghi chuyển đổi số trong thời đại 4.0.

Phát triển văn hóa đọc là chương trình trọng tâm của trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình).

Phát triển văn hóa đọc là chương trình trọng tâm của trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình).

Đặc biệt, việc đẩy mạnh hoạt động “Đọc và làm theo báo Đội” cũng được Liên đội nhà trường chú trọng trong những năm gần đây. Không chỉ lan toả văn hoá đọc, Báo Đội còn là cẩm nang hữu ích góp phần giáo dục ý thức học sinh về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, truyền thống lịch sử, tình cảm thầy trò, “Gương người tốt - việc tốt” ở quanh các em. Ngoài ra, các cuộc thi của Báo Đội tổ chức như: Festival Tiếng Anh, Trạng nguyên nhỏ tuổi,… cũng trở thành những sân chơi bổ ích cho học sinh có cơ hội được trau dồi kiến thức và đạt các giải.

Với sự nỗ lực tuyên truyền của Liên đội, đến nay, Liên đội đã có 100% chi đội - lớp tham gia phong trào. Đặc biệt vừa qua, Liên đội đã vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về phong trào “Đọc và làm theo báo Đội”.

Nhiều trường mở rộng không gian thư viện bằng cách “biến” hành lang, góc lớp... thành những “phòng đọc” thân thiện, dễ tiếp cận. Trường Tiểu học Bồ Đề (quận Long Biên) đã tạo một không gian mở ngay chân cầu thang với những kệ sách chia theo chủ đề, đồng thời tận dụng không gian dọc hành lang phòng đọc để trải thảm xanh, trang trí và mở rộng góc đọc.

Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) tạo không gian đọc ngay ở sảnh tầng 1 để trẻ có thể đọc sách trong giờ ra chơi hay khi chờ bố mẹ đến đón. Những không gian này không chỉ phục vụ việc đọc sách, mà còn là nơi học sinh chơi cờ, trò chơi dân gian hoặc giao lưu cùng bạn. Tính đa năng của các không gian đọc giúp học sinh hứng thú với sự đọc.

Tạo môi trường thuận lợi giúp học sinh tiếp cận thường xuyên với sách

Để xây dựng văn hóa đọc, từ đó góp phần nâng cao dân trí việc đọc sách phải trở thành thói quen. Người đọc, nhất là học sinh, cần hiểu rằng việc đọc không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu giải trí, mà còn để thu nhận kiến thức, nâng cao hiểu biết.

Tại Hà Nội, từ hơn 10 năm trước, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường có thư viện đạt chuẩn hoặc đủ điều kiện bố trí học sinh mỗi lớp 1 tiết/tuần tham gia hoạt động tại thư viện. Chủ trương tích cực này đã góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Mới đây, nhằm tạo môi trường thuận lợi giúp học sinh tiếp cận thường xuyên với sách, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng ban hành hướng dẫn thực hiện công tác thư viện trường phổ thông năm học 2023-2024. 

Theo đó, Sở yêu cầu các đơn vị, nhà trường tiếp tục triển khai thư viện số tại địa chỉ https://thuvien.hanoi.edu.vn kết nối liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tại https://csdl.hanoi.edu.vn; tăng cường chia sẻ tài liệu số giữa các thư viện của các đơn vị.

Tích cực xây dựng nguồn tài nguyên trong thư viện, thường xuyên bổ sung tài liệu, đảm bảo chất lượng và số lượng, phong phú về chủng loại, cân đối về thành phần với các loại hình tài liệu truyền thống, tài liệu điện tử, kho học liệu phong phú, phù hợp với từng cấp học. Hướng dẫn học sinh khai thác sách điện tử, học liệu điện tử trên môi trường mạng.

Tiếp tục tổ chức hiệu quả các hoạt động như: Ngày hội đọc sách, trưng bày sách, phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”, tích cực tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, các triển lãm sách... Chủ động tổ chức giao lưu giữa tác giả - tác phẩm và người đọc, phục vụ hiệu quả nhu cầu học tập suốt đời của học sinh.

Đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi giúp học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức phục vụ phong phú, phù hợp với điều kiện của các nhà trường như: thư viện lưu động, túi sách/giỏ sách lưu động, góc đọc trong lớp, thư viện xanh, xây dựng thư viện thân thiện với các góc hoạt động hiệu quả, phục vụ đọc tại chỗ và mượn về nhà cho học sinh và cộng đồng.

Việt Thanh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO