Báo Điện tử Gia đình Mới

Hà Nội lan tỏa văn hóa đọc: Những thư viện cộng đồng thúc đẩy niềm đam mê đọc sách

Cùng với hệ thống thư viện công lập, Hà Nội có nhiều mô hình thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân, thư viện cơ sở… đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy đam mê đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc.

Điểm đến hấp dẫn của những đứa trẻ yêu sách ở Duyên Hà

Thư viện Mạnh An (thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội), có diện tích khoảng 400m2, đi vào hoạt động từ tháng 10/2022 và hoàn toàn miễn phí. Nơi đây trở thành điểm đến của rất nhiều trẻ em và đông đảo người dân của xã Duyên Hà để đọc sách hoặc tra cứu thông tin.

Em Nguyễn Thị Hồng (học sinh lớp 7 trường THCS Duyên Hà) phấn khởi cho biết, từ khi biết đến thư viện, hầu như cuối tuần nào em cũng tới để đọc truyện, đọc sách. “Thư viện có số lượng đầu sách nhiều và phong phú. Đến thư viện, cháu có nhiều lựa chọn để tham khảo, vừa giải trí, vừa bổ sung thêm kiến thức bên ngoài chương trình sách giáo khoa…”.

Thư viện Mạnh An -điểm đến hấp dẫn của những đứa trẻ yêu sách ở Duyên Hà.

Thư viện Mạnh An -điểm đến hấp dẫn của những đứa trẻ yêu sách ở Duyên Hà.

Anh Phạm Văn Hiếu - Quản lý Thư viện Mạnh An cho biết, ở thư viện hiện tại có khoảng 2.000 đầu sách, báo, tạp chí với đa dạng các thể loại như sách khoa học, công nghệ, sách thiếu nhi, truyện tranh, từ điển, cẩm nang... "Thư viện được sự hỗ trợ của các cá nhân, doanh nghiệp trong việc cung cấp các đầu sách. Chúng tôi thấy rằng với sự đa dạng của nhiều thể loại sách, truyện, báo, tạp chí sẽ thu hút các em học sinh và mọi người đến thư viện nhiều hơn. Bởi mỗi người có nhu cầu đọc, tìm hiểu các nguồn thông tin khác nhau. Thư viện thường đông hơn vào cuối tuần" - Anh Hiếu chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Thị Duyên Huyên đánh giá, Thư viện Mạnh An có ý nghĩa lớn, không chỉ ở việc lan toả văn hoá đọc trong giới trẻ mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư. Đây cũng là mục tiêu rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Lan tỏa văn hóa đọc từ tủ sách khu dân cư

Nhằm lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng trong các em thiếu nhi, Đoàn thanh niên - Hội đồng Đội quận Cầu Giấy đã thành lập “Tủ sách thiếu nhi” tại Nhà sinh hoạt cộng đồng tổ 13 phường Quan Hoa. Tủ sách có hơn 200 đầu sách như: Tri thức cho em, thế giới truyện tranh, sách tham khảo học tập, văn học Việt Nam..., được bố trí khoa học, ngăn nắp, thu hút, giúp độc giả nhí dễ kiếm tìm theo nhu cầu, sở thích.

 “Tủ sách thiếu nhi” quận Cầu Giấy thu hút đông các em học sinh tới đọc sách.

“Tủ sách thiếu nhi” quận Cầu Giấy thu hút đông các em học sinh tới đọc sách.

Là bạn đọc thân thiết của tủ sách, Đặng Thanh Thảo, học sinh Trường Tiểu học Nghĩa Tân cho biết: “Em thích đọc sách ở đây vì được đọc miễn phí rất nhiều sách em thích như các loại sách tìm hiểu về thế giới tự nhiên, truyện tranh hay cả những câu chuyện cổ tích rất thú vị. Thêm nữa, thư viện ở trên địa bàn nên có nhiều bạn quen trong lớp, trong trường đến đọc, chúng em có thể cùng đọc sách và trao đổi".

Phó Bí thư Thường trực Quận đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội quận Cầu Giấy Hoàng Văn Sướng cho biết, tủ sách ở Nhà sinh hoạt cộng đồng tổ 13 phường Quan Hoa là tủ sách thứ 10 do Quận đoàn - Hội đồng Đội quận Cầu Giấy thực hiện tặng thiếu nhi. Tủ sách có ý nghĩa tuyên truyền nâng cao văn hóa đọc và vun đắp lòng hiếu học trong thanh niên, thiếu nhi trên địa bàn quận, gắn với chuyên mục “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”.

Tạo sức hút cho thư viện để khuyến khích, phát triển văn hoá đọc

Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân... nằm ở các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội. Qua ghi nhận cho thấy, hệ thống thư viện chính là yếu tố quan trọng trong việc phát triển văn hoá đọc.

Đồng tình với điều này, Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội Vương Thị Lý cho rằng, số đông học sinh, người dân khi muốn đọc sách đều tìm tới thư viện, thư viện cũng dễ 'hút' độc giả nếu thực sự hấp dẫn. Hấp dẫn của thư viện nằm ở cơ sở vật chất, các tiện ích của thư viện, đặc biệt là các đầu sách, các dạng, loại hình tài liệu.

"Thư viện không chỉ là không gian đọc sách mà còn là không gian mở để học sinh có thể chia sẻ kiến thức thông qua các hoạt động nhóm, là nơi mà các em có thể hình thành và thực hiện các ý tưởng sáng tạo, phát triển các kỹ năng khác như viết vẽ, tìm hiểu và tra cứu thông tin...

Thư viện cũng cần được kết nối chặt chẽ với chương trình học để bổ trợ cho việc học của học sinh được tốt hơn. Thông qua các hoạt động tại thư viện, các em sẽ có được những trải nghiệm thú vị nhằm bổ sung tốt hơn cho chương trình học chính khóa.

Như vậy, để đảm bảo những yêu cầu này, một thư viện cần có ba trụ cột: cơ sở vật chất (bao gồm cả trang thiết bị), sách và hoạt động thư viện, trong đó sách và hoạt động thư viện phải luôn được đầu tư, bổ sung, cập nhật và đa dạng".

Vừa qua, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết Sửa đổi quy định về phí thư viện tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP Hà Nội. Theo đó, TP sẽ miễn phí sử dụng tài nguyên thông tin tại thư viện, mượn theo thời hạn quy định trong nội quy thư viện.

Theo bà Lý, đây là một chính sách rất có ý nghĩa, không chỉ với người làm công tác thư viện mà còn với đối tượng được thụ hưởng một địa chỉ văn hóa – thư viện. Sau khi thực hiện Nghị quyết của HĐND TP, lượng bạn đọc đến Thư viện Hà Nội đông hơn rất nhiều. Mặc dù chỉ miễn khoảng 10.000 – 20.000 đồng nhưng tư tưởng của họ rất phấn khởi, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, UBND TP Hà Nội thúc đẩy nhu cầu đọc sách của người dân.

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đối với sách và việc đọc sách, phong trào đọc sách của mọi tầng lớp Nhân dân. Điều đó được thể hiện cụ thể thông qua những quyết định quan trọng nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Như tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU về "Phát triển văn hóa, nâng cao nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh"; UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 268/KH-UBND ngày 29/11/2021 về "Phát triển mô hình đọc sách trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025" trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Việt Thanh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO