Xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết ở ngoại thành Hà Nội
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố có 634 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tại một số xã ở vùng ngoại thành có ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và có diễn biến phức tạp.
Được biết, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội phân bố ở 28/30 quận, huyện; 198/579 xã, phường, thị trấn.
Bệnh nhân có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây. Một số xã ghi nhận nhiều bệnh nhân và có ổ dịch có diễn biến phức tạp như: Tam Hiệp - Phúc Thọ (182 ca), Khánh Hà - Thường Tín (48 ca), Thanh Thùy - Thanh Oai (44 ca).
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp tại một số địa phương ngoại thành Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, TTYT các quận, huyện quyết liệt triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Tiến hành thực hiện triệt để các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi với mục tiêu tất cả các hộ gia đình, khu công cộng, cơ quan, xí nghiệp, trường học được kiểm tra vệ sinh môi trường định kỳ thường xuyên.
Tại khu vực có bệnh nhân sốt xuất huyết, thực hiện phương châm vào từng ngõ, gõ từng nhà, lực lượng cộng tác viên, đội xung kích sẽ kiểm tra từng hộ gia đình để hướng dẫn, giám sát hoạt động diệt bọ gậy.
Cách phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường
Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh sốt xuất huyết là do virus Dengue gây nên và thông thường trong những ngày đầu mắc bệnh, người bệnh thường có biểu hiện sốt giống với những trường hợp sốt virus thông thường.
Chính vì vậy mà nhiều người bệnh chủ quan chỉ uống thuốc hạ sốt ở nhà mà không đến bệnh viện để theo dõi.
Đến ngày thứ 4, 5 trở đi thì bệnh bắt đầu có diễn biến nặng như cô đặc máu, lúc đó nếu không được theo dõi, điều trị kịp thời sẽ diễn biến nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, việc nhận biết sớm bệnh sốt xuất huyết để đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, đúng cách sẽ giúp phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Thư hướng dẫn cách phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường như sau:
- Thông thường bắt đầu từ tháng 6 đi là vào mùa dịch của sốt xuất huyết Dengue, con đường lây truyền qua muỗi. Thời gian ủ bệnh thường từ 1-2 tuần, sau đó bệnh nhân có các biểu hiện của sốt cao, đau mỏi người đặc biệt là đau đầu, nhức hốc mắt.
Lúc này triệu chứng sốt xuất huyết giống như sốt do virus khác và chỉ phân biệt được bằng xét nghiệm.
Sốt là phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh, mức độ sốt cao hay thấp tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể mạnh hay yếu, nhiệt độ vượt quá 37.5 độ C là bị sốt, do đó một số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể chỉ sốt nhẹ nên không để ý.
- Đến ngày thứ 4, thứ 5 trở đi bệnh nhân bắt đầu lui sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, tụt huyết áp, có thể gây sốt xuất huyết nổi mẩn đỏ ở các mức độ khác nhau.
Một số bệnh nhân bắt đầu có biếu hiện chảy máu bất thường do giảm tiểu cầu như: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt nhiều bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen...
Trong giai đoạn này nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách bệnh nhân sốt xuất huyết có thể gặp phải biến chứng nặng và dẫn đến tử vong.
- Từ ngày thứ 7 trở đi các triệu chứng trên sẽ hồi phục, bệnh nhân có thể xuất hiện các nốt ban trên da và ngứa. Triệu chứng ngứa có thể tồn tại một vài ngày, các nốt ban hết dần.
Trong khi đó, đối với sốt phát ban, sốt siêu vi khác, bệnh nhân thường sốt cao nhưng là sốt từng cơn, kèm các triệu chứng viêm ở đường hô hấp trên như: Ho, chảy nước mũi, đau họng, đau nhức toàn thân, có thể có hoặc không có phát ban...
Cách tốt nhất để phân biệt các loại sốt là đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm công thức máu trong bệnh sốt xuất huyết dengue sẽ thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, xét nghiệm kháng nguyên Test Dengue (+) dương tính.
Còn đối với các loại sốt còn lại hầu như công thức máu bình thường, xét nghiệm kháng nguyên sốt xuất huyết Test Dengue (-) âm tính.
Một điều đáng lưu ý là với sốt phát ban hoặc sốt do virus thông thường, khi giảm sốt nghĩa là bệnh đã khỏi dần. Nhưng với sốt xuất huyết thì khi giảm sốt là bắt đầu bước vào giai đoạn biến chứng nguy hiểm, cần phải đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm theo dõi hàng ngày để phát hiện sớm những biến chứng và xử trí kịp thời.
Chính vì vậy, trong mùa dịch sốt xuất huyết, khi có biểu hiện sốt cao trong những ngày đầu tiên nên đến viện thăm khám để sàng lọc sốt xuất huyết.
Bác sĩ Kim Thư khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa. Bởi vậy, cách phòng ngừa tốt nhất mà người dân nên làm là diệt muỗi và loăng quăng bằng cách khơi thông cống rãnh, dọn dẹp các bụi cây,…
Bên cạnh đó, người dân cũng cần có các biện pháp bảo vệ bản thân khỏi bị muỗi đốt.
Xem thêm:
6 cách đuổi muỗi trong nhà hiệu quả phòng tránh sốt xuất huyết
An AnBạn đang xem bài viết Hà Nội có hơn 600 ca sốt xuất huyết, cách phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].