Đến thời điểm hiện tại, ê kíp thực hiện phẫu thuật đã thực hiện xong thì phẫu thuật thứ 2, tách rời thành công 2 bé Trúc Nhi - Diệu Nhi, đang thực hiện thì phẫu thuật thứ 3. Trúc Nhi được chuyển sang phòng phẫu thuật khác để tiếp tục chỉnh, tạo hình các cơ quan.
Ê-kip chính chia đôi đội ngũ, tiến hành tái tạo các bộ phận thiếu cho từng bé.
Thì thứ ba là giai đoạn tái tạo, sắp xếp lại xương và các cơ quan vùng bụng cho hai bé. Lúc này, bệnh nhi nằm ngửa. Các phẫu thuật viên chỉnh hình tiến hành tách khung chậu, xoay và khép xương chậu, hai chân đúng hướng, băng thun cố định chân. Bàng quang, tử cung và phần phụ được xoay vào đúng vị trí ở ổ bụng.
Phẫu thuật viên tiếp tục cố định khớp mu, tạo hậu môn tạm, đóng cân cơ thành bụng, khép da hoàn chỉnh và bó bột cố định. Nếu suôn sẻ như kế hoạch, phẫu thuật kết thúc lúc 18 giờ, bệnh nhân được chuyển tới phòng hồi sức.
Chia sẻ với báo chí, GS.BS Trần Đông A - 1 trong 9 chuyên gia tham vấn cho cuộc đại phẫu cho biết, cuộc mổ là thử thách lớn với cả ê-kíp nhưng các y bác sĩ đều thấy tràn trề năng lượng để tiếp tục thực hiện. Sức khỏe của 2 bé giờ ổn định, tất cả đều đã được dự đoán từ trước.
BS Trần Đông A cũng là kíp trưởng thực hiện ca phẫu thuật cho cặp song sinh dính liền Nguyễn Việt - Nguyễn Đức 32 năm trước (năm 1988).
Nói về ca phẫu thuật của song Nhi hôm nay, GS Trần Đông A tham gia với tư cách cố vấn chuyên môn, ông nhận định ca mổ này có nhiều thuận tiện hơn, trước hết về mặt kỹ thuật, trang thiết bị vô cùng hiện đại tại BV Nhi đồng Thành phố.
So với ca bụng 3 chậu như cặp Việt - Đức thì 2 bé gái song sinh này là ca bụng chậu có 4 chân, khó khăn lớn nhất chính là việc hở xương chậu, nếu đóng được cái này lại thì tất cả các cơ quan đều được ở đúng vị trí.
Trúc Nhi - Diệu Nhi có sức khỏe tương đối tốt. Các cháu mới chỉ 13 tháng tuổi, đúng tuổi để thực hiện phẫu thuật theo y văn.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Đông A: "Những ca dính nhau bụng chậu như thế này là không nhiều, chỉ rơi vào khoảng 6% trên thế giới, buộc ê kíp thực hiện phải hết sức thận trọng. Qua tham khảo tài liệu, tuy không chính xác nhưng tỷ lệ thành công của những ca đã mổ là trên 70% nếu không có bất cứ biến chứng nào.
"Nếu có biến chứng, kết quả có thể sẽ thay đổi. Tuy nhiên, các biến chứng đã được chúng tôi bàn thảo rất kỹ trong khi hội chẩn. Dẫu vậy y khoa vốn là ngành khoa học không phải lúc nào cũng chính xác. Chúng ta chỉ có thể tiếp cận với sự chính xác mà thôi.
Tuy các phương tiện chẩn đoán của chúng ta bây giờ hiện đại và chi tiết hơn rất nhiều, nhưng bất ngờ luôn có thể xảy ra với các ca dính liền.
Trong những buổi hội chẩn, các chuyên gia đã cùng ê-kíp tham vấn, góp ý rất nhiều cho các bác sĩ tham gia phẫu thuật từ vấn đề bàn thảo cho đến chi tiết từng thì trong ca mổ. Chúng tôi đã phải thảo luận để khi xảy ra những trường hợp bất trắc, các bác sĩ cũng sẽ biết phải làm gì với hy vọng có thể cứu được hai cháu" - GS.BS Trần Đông A chia sẻ.
Nói về ý nghĩa của cuộc đại phẫu hôm nay, GS Trần Đông A cho hay, đây là ca mổ tách dính được tiến hành lần đầu tiên tại một bệnh viện nhi mới, trang thiết bị hiện đại, khánh thành từ năm 2018. Cuộc đại phẫu sẽ đánh dấu bước lịch sử của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng như ngành y tế của TP.HCM.
V.LinhBạn đang xem bài viết GS.BS Trần Đông A nói về điểm đặc biệt của ca đại phẫu tách 2 bé song sinh dính liền tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].