Tập trung thực hiện ba nội dung trong công tác gia đình
Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp thành phố Hà Nội luôn coi trọng công tác gia đình. Thành ủy Hà Nội đưa công tác xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ mới là nội dung quan trọng trong thực hiện các chương trình công tác toàn khóa, đặc biệt là Chương trình 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình 08-CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII.
Đáng chú ý, năm 2019, thành phố Hà Nội là một trong 12 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch quan tâm lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Thành phố đã chọn phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) và xã Phú Cường (huyện Ba Vì) để triển khai thực hiện. Năm 2021, Thành phố tiếp tục thí điểm thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất để làm căn cứ triển khai nhân rộng trong thời gian tiếp theo.
Theo ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), phát huy vai trò tích cực của gia đình đối với sự phát triển xã hội, thành phố Hà Nội chủ trương thực hiện 3 nội dung cốt lõi là: Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng gia đình văn hóa và xây dựng các mô hình văn hóa. Trong đó lấy con người làm hạt nhân, gia đình là nền tảng; hoàn thiện các mẫu hình văn hóa là kiến tạo môi trường lành mạnh để phát triển, đáp ứng với tiến trình xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh.
Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo
Song song với việc tuyên truyền và triển khai phong trào xây dựng Gia đình văn hoá theo các tiêu chuẩn cụ thể, việc thành lập và đưa vào hoạt động Câu lạc bộ văn hoá gia đình ở các địa bàn được thành phố Hà Nội chú trọng. Câu lạc bộ văn hoá gia đình đã đóng góp tích cực vào sự chuyển biến về nhận thức của nhân dân, nâng cao chất lượng của cuộc vận động.
Điển hình như Câu lạc bộ văn hoá gia đình ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) sinh hoạt 1 quý 1 lần với những nội dung phong phú, đa dạng như: tìm hiểu về gia đình Việt Nam xưa và nay, quan hệ đôi lứa, những mâu thuẫn nảy sinh ở từng giai đoạn hôn nhân, vấn đề kế hoạch hoá gia đình, quan hệ cha mẹ và con cái, quan hệ bố mẹ chồng - nàng dâu, gia đình với công tác phòng chống ma tuý HIV/AIDS, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang,...
Việc tôn vinh các gia đình văn hoá mẫu mực đã được quận Long Biên thực hiện bằng một hình thức rất thiết thực. Theo đó, Phòng Văn hoá - Thông tin (thay mặt Ban chỉ đạo cuộc vận động) tặng “Sổ vàng tôn vinh các gia đình văn hoá” tại các ngôi đình của các làng để ghi danh các gia đình văn hoá mẫu mực của từng làng, xã, phường. Đồng thời, hệ thống truyền thanh của địa phương cũng biểu dương các gia đình văn hoá mẫu mực, để động viên khuyến khích các gia đinh phấn đấu đạt được danh hiệu vinh dự đó. Đây là một cách làm rất có ý nghĩa, đã động viên, khuyến khích được mọi người, mọi nhà phấn đấu một cách thực chất, đồng thời cũng tạo nên một phong trào thi đua sôi nổi ở địa phương.
Tại huyện Thanh Trì, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ sự chung tay của các cấp, ngành, và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở huyện ngày càng phát triển sâu rộng. Nhiều cách làm sáng tạo được nhân rộng như: phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”...
Xây dựng gia đình văn hóa là giá trị cốt lõi phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ đổi mới
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, phong trào xây dựng Gia đình văn hoá đã làm thay đổi đáng kể đời sống văn hoá ở Thủ đô; đã tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống, từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn, củng cố nền nếp, gia phong của mỗi gia đình, phong tục tập quán của cộng đồng, sống có đạo lý giúp nhau cùng tiến bộ, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng con người Thủ đô văn minh - thanh lịch - hiện đại; góp phần xây dựng Hà Nội xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước.
Theo chuyên gia văn hóa Phùng Hoàng Anh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”.
Có thể thấy, gia đình không chỉ giữ vai trò nền tảng, tế bào của xã hội, mà còn là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách. Một gia đình no ấm, bố mẹ thuận hòa, hạnh phúc là điều kiện, môi trường quan trọng, trực tiếp tạo nên các thế hệ sau có chất lượng cả về thể chất lẫn tinh thần, góp phần đắc lực vào chiến lược phát triển nguồn lực con người có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô và đất nước hiện nay.
Với ý nghĩa như vậy, phải coi công tác xây dựng, duy trì, phát huy các hệ giá trị tốt đẹp của gia đình và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình và việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từ đó nâng cao ý thức tự giác thực hiện; coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiên tiến làm tốt công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn TP Hà Nội…
V.LinhBạn đang xem bài viết Giữ gìn, lan tỏa nét đẹp văn hóa gia đình Thăng Long - Hà Nội: Bài 4: Giá trị cốt lõi phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ đổi mới tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].