Tăng tuổi nghỉ hưu của lao động, trong đó có giáo viên
Mới đây, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đã đề xuất 2 phương án quy định tại khoản 2 Điều 169 về tuổi nghỉ hưu để Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Phương án 1: Quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.
Kể từ ngày 01/01/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Phương án 2: Theo như đề xuất do Chính phủ trình quy định cụ thể lộ trình và tuổi. Cụ thể: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Các đại biểu Quốc hội sẽ bỏ phiếu “chốt” phương án cuối tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây.
Trung tâm Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại kiến nghị về việc SGK bị loại
Liên quan tới việc bộ sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị loại khỏi vòng thẩm định về Sách giáo khoa mới, mới đây, tập thể Trung tâm Công nghệ giáo dục đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Trong đơn kiến nghị, Trung tâm Công nghệ giáo dục bày tỏ sự không đồng tình với kết luận của Hội đồng thẩm định SGK mới (Bộ GD&ĐT) về việc đánh giá bộ SGK của nhóm tác giả do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên là Không đạt.
Trung tâm cũng cho biết, việc đánh giá SGK Công nghệ giáo dục là không đạt gây lo lắng, hoang mang tới 48 tỉnh thành và hơn 930.000 học sinh khắp cả nước đang học sách Công nghệ GD.
TP. HCM xây dựng mô hình trường học thông minh
Trong kế hoạch năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT TP.HCM tập trung triển khai các hạng mục mô hình giáo dục thông minh, với dự án xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh.
Xây dựng hệ thống trường học thông minh tại 5 trường gồm: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền và THPT Nguyễn Du.
Sở cũng nhấn mạnh, việc xây dựng mô hình giáo dục thông minh đảm bảo nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách hiệu quả, thiết thực, nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy - học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Tin tức giáo dục 24/9: Kiến nghị về việc sách giáo khoa của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị loại tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].