Theo người Tây Tạng, việc giáo dục con cái được chia làm 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Dưới 5 tuổi
Theo cách nuôi dạy của người Tây Tạng, trong thời kỳ này, cha mẹ phải đối xử với đứa trẻ như một "vị vua/nữ hoàng". Không nên cấm hay phạt trẻ bất kỳ điều gì.
Trong giai đoạn này, trẻ đặc biệt tò mò, hiếu động, sẵn sàng khám phá thế giới. Tuy nhiên chúng chưa có kinh nghiệm học hỏi và chưa kết luận logic được.
Do đó nếu chúng làm điều gì sai trái hay nguy hiểm, cha mẹ hãy làm vẻ sợ hãi và hướng sự chú ý của trẻ đến thứ khác.
Cảm xúc là thứ ngôn ngữ mà trẻ hiểu nhất trong thời kỳ này.
Quan trọng: Nếu bạn bảo vệ trẻ thái quá và ngăn cấm trẻ làm nhiều điều, bạn sẽ hạn chế tư duy sắc bén của trẻ, khiến trẻ chỉ biết nghe lời một cách vô thức.
Giai đoạn 2: Từ 5 đến 10 tuổi
Theo người Tây Tạng, trong giai đoạn này, trẻ cần phải được đối xử như một "nô lệ", nhưng tất nhiên không phải là tàn ác.
Trong giai đoạn này, trí thông minh và tư duy logic của trẻ đang phát triển, nền tảng nhân cách của trẻ đang hình thành.
Do đó, cha mẹ cần đặt những nhiệm vụ khác nhau cho trẻ, kiểm soát cách trẻ hoàn thành những nhiệm vụ đó, dạy trẻ sẵn sàng đối mặt hậu quả nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Bằng cách này, con sẽ học chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Đừng sợ giao cho trẻ quá nhiều nhiệm vụ, trẻ có thể hoàn thành và sẵn sàng học hỏi.
Quan trọng: Nếu trong giai đoạn này bạn vẫn tiếp tục coi trẻ như "vị vua", trẻ lớn lên sẽ có tính cách trẻ con, không biết chịu trách nhiệm với những việc mình làm.
Giai đoạn 3: Từ 10 đến 15 tuổi
Người Tây Tạng cho rằng, trong giai đoạn này trẻ cần được đối xử bình đẳng. Mặc dù cha mẹ có nhiều kinh nghiệm sống và kiến thức hơn trẻ, nhưng bạn phải cho trẻ quyền được nói ra suy nghĩ của trẻ và chia sẻ quan điểm của trẻ với bạn.
Hãy giúp trẻ bằng cách hỏi ý kiến trẻ và khuyến khích trẻ độc lập. Cha mẹ nên đưa ra lời khuyên chứ không phải mệnh lệnh hay cấm đoán, vì giai đoạn này trẻ đang hình thành tính độc lập trong tư duy.
Quan trọng: Nếu cha mẹ cấm đoán trẻ quá nhiều sẽ làm mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái tồi tệ hơn và trẻ có thể tự đặt mình vào nguy hiểm. Nếu cha mẹ bảo vệ trẻ thái quá, trẻ lớn lên sẽ thiếu tự tin, lệ thuộc vào người khác.
Giai đoạn 4: Từ 15 tuổi trở lên
Đến giai đoạn này, nhân cách, tính cách của con đã được hoàn thiện. Việc quan trọng cha mẹ cần làm lúc này là tôn trọng con. Cha mẹ vẫn có thể đưa ra lời khuyên, nhưng đừng dạy dỗ.
Lúc này, bạn sẽ thấy được thành quả của mình: con bạn độc lập, tự tin, tôn trọng cha mẹ và người xung quanh.
Hoàng Nguyên (dịch theo Bright Side)Bạn đang xem bài viết Giáo dục con cái theo 4 giai đoạn như trí tuệ Tây Tạng tại chuyên mục Trẻ em của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].