Ghi nhận thêm 3 ca nhiễm bạch hầu ở Đắk Nông

Tính tới hiện tại, trên địa bàn Đắk Nông đã ghi nhận 15 ca mắc bạch hầu.

Sáng 3/7, thông tin với PV Gia Đình Mới, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, tại 2 ổ dịch của tỉnh ghi nhận thêm 3 trường hợp mới nhiễm bạch hầu.

3 trường hợp là cháu L.T.P (SN 2012), cháu H.T.N (SN 2005, trú tại thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, Krông Nô và cháu T.V.X (SN 2012, trú tại thôn 12, xã Quảng Hòa, Đắk Glong.

Ngày 30/6, các bệnh nhi có biểu hiện ho, sốt, đau họng. Do 2 xã nói trên hiện đang là ổ dịch bạch hầu và có nhiều ca dương tính, ca nghi ngờ đang theo dõi điều trị, nên Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp, tiến hành điều tra, giám sát, theo dõi, cách ly. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành xác minh, điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Kết quả cho thấy cả 3 trường hợp trên đều dương tính với bạch hầu. Như vậy, tính đến hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 15 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó 01 trường hợp đã tử vong.

Bạch hầu lây từ người sang người như thế nào?

Theo chuyên gia y tế, bệnh bạch hầu khởi phát cấp tính và các đặc điểm chính là đau họng, sốt và sưng hạch ở cổ. Độc tố bạch hầu làm cho màng mô chết đi, tích tụ trên cổ họng và amidan, khiến việc thở và nuốt trở nên khó khăn.

  Đắk Nông đang nỗ lực dập các ổ dịch bạch hầu.

Đắk Nông đang nỗ lực dập các ổ dịch bạch hầu.

Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Vì vi khuẩn bạch hầu lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan rất nhanh, có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

Hiện nay đã có thuốc để điều trị bệnh bạch hầu, tuy nhiên, trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3% những người mắc bệnh bạch hầu, tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Do đó, cần tuân thủ tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Việt Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính