Áp lực dân số già lên thế hệ 'bánh mì kẹp': Gánh cả cha mẹ và con cái, làm sao để không kiệt quệ?

Tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới đang cao hơn bao giờ hết. Với sự tiến bộ của công nghệ y tế và hiệu quả của thuốc, tỷ lệ tử vong cũng đã giảm đi.

Đây là một thành công lớn của nhân loại, cho thấy những nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống đã được đền đáp. Tuy nhiên, tuổi thọ tăng cao lại dẫn đến một vấn đề khác: tình trạng kiệt quệ ở người chăm sóc.

Chi phí thuê người chăm sóc cho người già khá đắt đỏ, nhiều gia đình không thể chi trả. Thêm vào đó, ở nhiều nước châu Á, việc tự tay chăm sóc người thân lớn tuổi tại nhà là một giá trị được coi trọng.

John Wong, Giám đốc Trung tâm Khoa học Tâm trí thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết: "Quan sát tại các môi trường lâm sàng, chúng tôi nhận thấy những người chăm sóc đang có nguy cơ kiệt quệ và lo lắng khi nhận ra họ cũng sẽ già đi trong 20 - 30 năm tới".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, đến năm 2050, số người trên 60 tuổi sẽ chiếm khoảng 22% dân số toàn cầu.

"Số người trên 65 tuổi trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 761 triệu vào năm 2021 lên 1,6 tỷ vào năm 2050", theo báo cáo năm 2023 của Liên hợp quốc. 

Báo cáo này cũng cho biết dân số từ 80 tuổi trở lên đang gia tăng thậm chí còn nhanh hơn.

Một số nơi ở châu Á đang dẫn đầu xu hướng này.

"Đến năm 2050, dự kiến khoảng 40% dân số Hong Kong, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ là người từ 65 tuổi trở lên", theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Thế hệ "bánh mì kẹp"

the he banh mi kep (2)

Cùng với việc con người sống thọ hơn, tỷ lệ sinh cũng giảm, dẫn đến các gia đình hạt nhân quy mô nhỏ hơn.

Gia đình hạt nhân (nuclear family) hay gia đình hai thế hệ là gia đình bao gồm cha mẹ và con.

Điều này không chỉ đặt ra những thách thức mới cho các hệ thống và nền kinh tế hiện tại của thế giới mà còn ảnh hưởng đáng kể đến các thế hệ tương lai.

"Một xu hướng ở các quốc gia phúc lợi là thuê người chăm sóc cho người già", Jan-Emmanuel De Neve, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần tại Đại học Oxford cho biết.

"Điều này thường dẫn đến cảm giác bị cô lập, người già cảm thấy mình vô dụng dù họ còn nhiều khả năng cống hiến cho xã hội và các thế hệ trẻ hơn."

Mặc dù chăm sóc tại nhà cải thiện sức khỏe cho người già, nhưng nó cũng có thể gây áp lực cho thế hệ trẻ.

"Khi xã hội đối mặt với già hóa dân số, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi ngày càng tăng, gánh nặng chăm sóc người già thường do thế hệ 'bánh mì kẹp' đảm nhận", Giám đốc Wong chia sẻ.

Thế hệ "bánh mì kẹp" là khái niệm để chỉ những người trung niên vừa phải chăm sóc cha mẹ già yếu, vừa phải lo cho con cái vẫn còn phụ thuộc.

Ngoài việc chăm sóc cha mẹ và con cái về mặt tình cảm và tài chính, họ còn phải tự chăm sóc bản thân và theo đuổi sự nghiệp.

"Thế hệ trẻ phải chu cấp cho cha mẹ hoặc ông bà già yếu. Nếu họ còn có con nhỏ, họ sẽ bị ép chặt như chiếc bánh mì kẹp" - Jialu Streeter.

"Gen Y/GenZ cũng có thể khác với Gen X ở áp lực ngày càng tăng đối với việc phát triển sự nghiệp cá nhân, thực hiện nguyện vọng cá nhân, vượt qua những nhu cầu của gia đình.

Điều này có thể tạo ra áp lực xã hội không đáng có lên Gen Y và Gen Z", Giám đốc Wong nói thêm.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, Gen X là những người sinh từ năm 1946 đến năm 1964. Gen Y là những người sinh từ năm 1981 đến năm 1996, còn Gen Z là những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012.

Phòng tránh tình trạng kiệt quệ khi chăm sóc người cao tuổi

the he banh mi kep (1)

Dưới đây là 3 lời khuyên giúp bạn quản lý áp lực:

  • Chuẩn bị từ trước
  • Trò chuyện cởi mở với gia đình
  • Không quên chăm sóc bản thân.

Để chuẩn bị cho giai đoạn này, bạn cần phải trò chuyện cởi mở với các thành viên trong gia đình.

Giám đốc Wong gợi ý: "Bạn phải xác định hệ thống giá trị của gia đình, đặt ra các mục tiêu cá nhân, nguyện vọng trong cuộc sống, phân bổ và cam kết nguồn lực cá nhân."

Ông nhấn mạnh rằng, việc đặt ra ranh giới là rất quan trọng, nhưng cha mẹ và con cái cần thảo luận trước về những điều này để tránh bị kiệt quệ.

Jialu Streeter, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Chính sách Kinh tế Stanford, nói thêm: "Hãy lên kế hoạch để có những cuộc trò chuyện cởi mở với các thành viên trong gia đình, vợ/chồng/bạn đời để thảo luận về cách phân công nhiệm vụ chăm sóc."

Streeter nói thêm: "Dù rất khó nhưng đừng quên chăm sóc bản thân. Chúng ta thường cho rằng tự chăm sóc bản thân là ích kỷ. Nhưng thực tế thì ngược lại. Chỉ khi chúng ta chăm sóc tốt cho bản thân thì chúng ta mới có đủ năng lực về tinh thần và thể chất để chăm sóc những người thân yêu."

Để người cao tuổi hòa nhập với cộng đồng

Mô hình kết hợp trường mầm non và viện dưỡng lão

Mô hình kết hợp trường mầm non và viện dưỡng lão

De Neve chia sẻ: "Người cao tuổi không nhất thiết phải trở thành gánh nặng cho người trẻ hoặc xã hội. Vì lợi ích của người cao tuổi, chúng ta cần tư duy sáng tạo và thực tiễn để giúp họ hòa nhập lại với cộng đồng một cách ý nghĩa và hữu ích".

De Neve gợi ý, các thế hệ trẻ và chính phủ nên suy nghĩ về các giải pháp để đưa người cao tuổi trở lại hòa nhập với xã hội, để họ duy trì sự năng động, khỏe mạnh và trở thành những người có giá trị cho xã hội.

Một gợi ý là đặt các trường mẫu giáo và viện dưỡng lão trong cùng một tòa nhà.

Ông nói thêm: "Hãy nghĩ về tất cả những lợi ích... như mở rộng tầm nhìn cho trẻ nhỏ, đồng thời khiến người cao tuổi cảm thấy có ích khi họ nhìn thấy cuộc sống nở rộ qua đôi mắt của một đứa trẻ 2 tuổi."

(Theo CNBC)

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính