F0 khỏi bệnh vẫn bị ho dai dẳng, hụt hơi, mất ngủ, mệt mỏi kéo dài... cần phải làm sao?

Mặc dù đã được điều trị khỏi COVID-19 nhưng nhiều F0 khỏi bệnh vẫn thấy bị ho dai dẳng, hụt hơi, mất ngủ, mệt mỏi kéo dài… Tình trạng này có nguy hiểm?

Anh N.D.A. (28 tuổi, ở Hà Nội) bị nhiễm COVID-19 cách đây khoảng 1 tháng. Sau khi điều trị tại nhà, bệnh nhân đã khỏi COVID-19 nhưng lại xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau ngực, hụt hơi, khi gắng sức thì bị khó thở.

“Cứ tưởng xét nghiệm âm tính là bệnh đã khỏi, nhưng không ngờ, sau khi khỏi bệnh tôi lại thấy bị mệt trong người. Buổi tối hầu như tôi không ngủ được, mỗi ngày tính ra tôi chỉ ngủ được 1 – 2 tiếng đồng hồ. Ngủ không đủ giấc kiến tôi càng mệt mỏi, khó chịu.

  ThS.BS Nguyễn Thị Kim Oanh – Phụ trách phòng khám thuộc khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, BV Hữu Nghị thăm khám cho bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID-19

ThS.BS Nguyễn Thị Kim Oanh – Phụ trách phòng khám thuộc khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, BV Hữu Nghị thăm khám cho bệnh nhân mắc hội chứng hậu COVID-19

Đáng lo lắng hơn nữa là tôi gặp phải tình trạng hụt hơi khi nói chuyện. Chỉ cần nói liên tục 5 – 10 phút là tôi bị hụt hơi, không nói được nữa” – anh D.A. chia sẻ về tình trạng của mình.

Còn bà N.T.O. (66 tuổi, ở Hà Nội) bị mắc COVID-19 vào cuối tháng 1/2022. Hiện tại bệnh tình đã khỏi nhưng bà O. vẫn có triệu chứng đau ngực, hụt hơi, khó thở khi gắng sức.

“Tôi thấy sức khỏe của mình hồi phục chậm. Đến nay đã được khoảng 8 tuần kể từ khi mắc bệnh mà sức khỏe của tôi mới phục hồi được khoảng 60% so với trước khi bị bệnh.

Hơn nữa, trước đây tôi chỉ đau xương khớp, giờ lại thêm đau tức ngực trái, lên xuống cầu thang khó khăn, đi cầu thang được mấy bước là thở hổn hển, phải vịn tay, chống gối mới đi được” – bà O. cho biết.

Nói về tình trạng của các bệnh nhân trên, ThS.BS Nguyễn Thị Kim Oanh – Phụ trách phòng khám thuộc khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, BV Hữu Nghị chia sẻ: “Các bệnh nhân này đều gặp phải những tổn thương kéo dài do COVID-19. Thời gian gần đây, số lượng F0 ở Hà Nội tăng nhanh, người bệnh mắc hội chứng hậu COVID-19 đi thăm khám nhiều hơn. Trung bình 1 tháng chúng tôi tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhân đến khám do mắc hội chứng hậu COVID-19.

Các bệnh nhân đến khám sau khi khỏi COVID-19 thường gặp phải những triệu chứng bất thường như đau đầu, mất ngủ, giảm trí nhớ, kém tập trung, ho kéo dài, cảm giác hụt hơi, khó thở khi gắng sức, sức bền giảm đi sau khi nhiễm COVID-19, có một số trường hợp nặng hơn sẽ gặp những triệu chứng như đau ngực, khó thở, SPO2 giảm dưới 94%...”.

  Bệnh nhân đi khám hậu COVID-19 sẽ được kiểm tra chức năng tim, phổi...

Bệnh nhân đi khám hậu COVID-19 sẽ được kiểm tra chức năng tim, phổi...

Bác sĩ Oanh cho biết thêm, virus SARS-CoV-2 tác động đến rất nhiều các cơ quan trong cơ thể, để lại di chứng ở hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh khiến bệnh nhân gặp phải tình trạng hụt hơi, gắng sức khi leo cầu thang, đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi...

Với những bệnh nhân này, khi thăm khám bác sĩ sẽ cho bệnh nhân kiểm tra chức năng hô hấp, kiểm tra tim, phổi xem có vấn đề gì không để từ đó có hướng điều trị phù hợp, kịp thời.

Nguyên tắc chung là virus SARS-CoV-2 tác động gây tổn thương bộ phận nào thì xác định nguyên nhân để điều trị. Việc điều trị bằng thuốc vẫn theo phác đồ chung của Bộ Y tế, kèm theo đó là những liệu pháp tâm lý, hướng dẫn người bệnh tham gia các câu lạc bộ sinh hoạt để giải tỏa tâm lý, các bài tập phục hồi chức năng hô hấp để bệnh nhân nhanh cải thiện sức khỏe.

Thời gian phục hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương mà người bệnh gặp phải, việc đáp ứng thuốc điều trị và sự cố gắng của người bệnh.

Theo bác sĩ Oanh, hội chứng hậu COVID-19 không quá đáng sợ và vẫn ở trong tầm kiểm soát được. Sau khi khỏi COVID-19, nếu không có triệu chứng gì bất thường, người bệnh khỏe mạnh hoàn toàn thì không phải đi khám, nhưng sau 4 tuần mà những triệu chứng ho, khó thở, đau tức ngực… kéo dài hoặc xuất hiện những biến chứng mới thì người bệnh phải đi khám ngay để phát hiện kịp thời những tổn thương do COVID-19 gây ra và điều trị sớm.

Hậu COVID-19 không tồn tại vĩnh viễn, dai dẳng, trừ các trường hợp có triệu chứng nặng phải nhập viện, còn lại những trường hợp nhẹ sẽ ổn định dần sau 3 – 6 tháng điều trị bệnh.

Những người hậu COVID-19 khi khó thở cần bình tĩnh và kiên trì tập thở, chủ động tăng cường dinh dưỡng, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính