Theo cảnh báo của Viện Da liễu Mỹ (AAD), bạn không bao giờ nên dùng chung bấm móng tay với người khác (kể cả với vợ/chồng hoặc người trong gia đình).
Khi dùng chung bấm móng tay, bạn đang đối mặc với một số nguy cơ về sức khỏe.
1. Nguy cơ khi dùng chung bấm móng tay
Theo AAD, dùng chung bấm móng tay có thể làm lan truyền các bệnh nhiễm trùng ở móng tay hoặc vùng da xung quanh móng, trong đó có bệnh nấm móng (onychomycosis), hắc lào và nấm da chân (Athlete's foot).
Lưu ý thêm là bạn cũng có nguy cơ bị lây các bệnh trên khi dùng chung các vật dụng khác như dũa móng tay, giày, giày trượt, khăn tắm...
Công bằng mà nói, nguy cơ này tương đối nhỏ nếu bạn là người trưởng thành khỏe mạnh và dùng chung bấm móng tay với một người trưởng thành khỏe mạnh khác.
Brendan Camp bác sĩ da liễu tại Đại học Y Weill Cornell, New York, Mỹ cho biết: "Hệ miễn dịch khỏe mạnh thường có thể bảo vệ bạn khỏi các nguy cơ nhiễm trùng. Nhưng vẫn có nguy cơ khi bạn sử dụng công cụ bị nhiễm bẩn."
Nếu một người trong gia đình bị nhiễm bệnh về móng hoặc da, khả năng lây lan cho người khác khi dùng chung bấm móng tay là gần 50%, theo một bài tổng hợp nghiên cứu trên Tạp chí Nấm năm 2022.
Tiến sĩ Camp cho biết vi khuẩn hoặc nấm có nhiều khả năng gây nhiễm trùng hơn nếu bạn có vết thương hở quanh móng tay. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, mắc bệnh tiểu đường hoặc các tình trạng làm suy yếu hệ miễn dịch cũng khiến bạn dễ lây bệnh hơn.
Các loại nhiễm trùng lan truyền bởi bấm móng tay thường không nghiêm trọng, trừ khi hệ miễn dịch bị suy yếu. Nhưng các vấn đề như nấm bàn chân và nấm ngoài da có thể gây ngứa và khó chịu.
Nhiễm nấm có thể làm cho móng tay hoặc móng chân bị khô, giòn, đổi màu hoặc có mùi và phải mất nhiều tháng mới khỏi.
2. Cách vệ sinh dụng cụ bấm móng tay
Tiến sĩ Camp cho biết, mua bộ bấm móng tay riêng và không dùng chung với người khác là cách dễ dàng để giảm nguy cơ nhiễm trùng móng và da. Bạn đặc biệt nên chú ý điều này nếu ai đó trong gia đình bạn bị nhiễm trùng hoặc nếu bạn có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
Nếu bạn định mượn dùng bấm móng tay của người khác, AAD khuyến cáo nên khử trùng trước. Bạn có thể vệ sinh bấm móng tay bằng cách rửa với xà phòng và nước, sau đó lau sạch bằng cồn.
Đối với giấm hoặc tinh dầu thơm, mặc dù chúng có thể loại bỏ mùi nhưng không được phê duyệt là chất khử trùng, vì vậy bạn không nên sử dụng.
(Theo Livestrong)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Dùng chung bấm móng tay có hại đến mức nào? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].