Ai cần tầm soát đột quỵ và tầm soát đột quỵ bằng phương pháp nào?
Bác sĩ Trần Hoàng Ngọc Anh, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TP HCM) cho biết: Đột quỵ gồm 2 dạng chính là chảy máu não (do vỡ mạch máu não) và nhồi máu não (do tắc động mạch não).
Với chảy máu trong não: Nguyên nhân thường gặp nhất là do tăng huyết áp, ít gặp hơn như vỡ túi phình động mạch não, bệnh mạch máu não dạng bột, rối loạn đông máu…
Với nhồi máu não: Nguyên nhân thường gặp nhất là xơ vữa động mạch não, các bệnh lý tim mạch tạo cục máu đông trong tim (như rung nhĩ, bệnh van tim hậu thấp, suy tim nặng,….), các bệnh mạch máu nhỏ của não (thường do tăng huyết áp, đái tháo đường,…). Khoảng 25% trường hợp không tìm được nguyên nhân chính xác.
Bác sĩ Trần Hoàng Ngọc Anh lưu ý, đột quỵ thường xảy ra không có dấu hiệu báo trước. Khi có các dấu hiệu đột ngột méo miệng, nói ngọng và yếu liệt nửa người, hoặc bất kỳ xáo trộn chức năng thần kinh đột ngột thì đều cần phải cảnh giác đột quỵ và nên vào bệnh viện ngay, để tránh bỏ lỡ thời gian vàng cấp cứu đột quỵ.
Có 1 số người đột ngột méo miệng, nói ngọng và yếu nửa người, sau đó thì hồi phục hoàn toàn (thường trong vòng 24h). Đây là một dạng khác của đột quỵ (gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua), không phải là dấu hiệu báo trước. Trường hợp này cần được khảo sát, điều trị như đột quỵ cấp thông thường.
Theo bác sĩ Trần Hoàng Ngọc Anh, tầm soát đột quỵ chính là tầm soát các nguyên nhân, các yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch….
Với từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ chỉ định các khảo sát phù hợp. Thông thường bao gồm theo dõi huyết áp, đường huyết, mỡ máu, tim mạch, xơ vữa động mạch, chỉ số ABI,… Trong một số tình huống, có thể bác sĩ sẽ chỉ định chụp CT/MRI não và mạch máu não, tầm soát các bệnh lý dễ gây tăng đông,..
Bác sĩ Trần Hoàng Ngọc Anh cho biết với những người lớn tuổi, đặc biệt là người có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường… hoặc có các thói quen xấu, lối sống kém lành mạnh như hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, ít vận động… đều nên tầm soát đột quỵ. Với những người đang khỏe mạnh và không có yếu tố nguy cơ thì nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng.
Với những người đã từng bị đột quỵ, nguy cơ đột quỵ tái phát nhiều hơn người khỏe mạnh. Mục tiêu tầm soát với nhóm này là tìm các nguyên nhân tạo ra cục máu đông làm tắc mạch não hoặc nguyên nhân làm vỡ mạch não tương tự như với trường hợp chưa bị đột quỵ: Hẹp động mạch não, tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh về tim, lóc tách động mạch,…
Với nhóm này, các bác sĩ thường khuyên dùng thuốc để giảm nguy cơ. Bên cạnh dùng thuốc theo đúng chỉ định, người bệnh cần tái khám thường xuyên để điều chỉnh thuốc và kiểm soát các bệnh nền để đạt mục tiêu phòng ngừa tối ưu. Nếu người bệnh có tăng huyết áp cao hoặc đái tháo đường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để hạ thấp, kết hợp với việc thay đổi lối sống.
Trong một số trường hợp, những người đã bị đột quỵ nhẹ do động mạch cảnh bị hẹp có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh để loại bỏ mảng xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh, ngăn ngừa đột quỵ tái phát. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể điều trị động mạch cảnh bị hẹp mà không cần phẫu thuật bằng thủ thuật được gọi là nong mạch, dùng bóng nong và đặt stent để mở động mạch.
Thông thường các thuốc phòng ngừa đột quỵ đều phải dùng lâu dài, gần như là suốt đời. Do đó bệnh nhân phải tuân thủ điều trị, không tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều thuốc. Nếu có bất thường trong quá trình điều trị thì nên tái khám để được bác sĩ đánh giá lại và điều chỉnh nếu cần. Người bệnh không nên tự ý thay đổi liệu trình điều trị.
Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA - công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não
Hiện nay, MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ… Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp Xquang hay cắt lớp vi tính (CT).
Hệ thống chụp MRI 3.0 Tesla tại các bệnh viện Vinmec trên toàn quốc được trang bị tối tân bởi hãng GE Healthcare (Mỹ) với chất lượng hình ảnh cao, cho phép đánh giá toàn diện, không bỏ sót tổn thương mà lại giảm được thời gian chụp. Công nghệ Silent giúp hạn chế gây ra tiếng ồn, tạo sự thoải mái và giảm căng thẳng cho khách hàng trong quá trình chụp, giúp cho việc thu hình đạt chất lượng tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp.
Vinmec là bệnh viện đầu tiên tại Đông Nam Á sử dụng máy chụp cộng hưởng từ mới 3.0 Tesla công nghệ Silent từ nhà sản xuất GE Healthcare (Mỹ). Máy áp dụng công nghệ chụp cộng hưởng từ an toàn, chính xác nhất hiện nay, không dùng tia X, không xâm lấn. Công nghệ Silent rất có lợi cho các trường hợp bệnh nhân là trẻ nhỏ, người già, bệnh nhân sức khỏe yếu hay vừa phẫu thuật.
Với hệ thống MRI tối tân và áp dụng các phương pháp can thiệp mạch não hiện đại, đội ngũ chuyên gia chẩn đoán hình ảnh và thần kinh giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, Vinmec là địa chỉ khám, tầm soát nguy cơ đột quỵ uy tín được khách hàng tin cậy. Trong thời gian qua Vinmec đã cấp cứu, điều trị kịp thời thành công nhiều trường hợp đột quỵ, không để lại di chứng.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Đột quỵ não và vai trò của chụp cộng hưởng từ (MRI) trong tầm soát đột quỵ tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].