Hiện nay, có rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ. Chúng ta vẫn thường cho rằng, đột quỵ ''tự nhiên mà đến'', ai không may thì bị, tuy nhiên thực tế không phải vậy. Trước khi bị đột quỵ, bao giờ cũng có ‘tiền triệu’ tức là triệu chứng cảnh báo sớm. Những triệu chứng này đôi khi chỉ thoáng qua nên bản thân người bệnh lẫn người thân đều không để ý.
2 triệu chứng sớm cảnh báo đột quỵ
Thiếu máu não thoáng qua
Dấu hiệu cảnh báo sớm và đặc trưng nhất của bệnh đột quỵ là cơn thiếu máu não thoáng qua. Tình trạng này xảy ra do sự ngưng tạm thời của quá trình cung cấp máu lên não trong khoảng thời gian ngắn.
Triệu chứng này thường chỉ xảy ra trong vài phút đến vài giờ khiến bệnh nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tê bì chân tay, yếu nửa người, nói khó, khó đi lại, mặt rủ một bên, miệng lệch…
Sau đó cơ thể người bệnh sẽ tự hồi phục hoàn toàn trong 24 giờ. Cũng vì thế mà nhiều người thường chủ quan cho rằng đó chỉ là bị trúng gió hoặc hạ canxi.
Theo một thống kê sơ bộ, có khoảng 7% bệnh nhân bị cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ bị đột quỵ trong vòng 1 tuần. Có tới 14% bệnh nhân bị đột quỵ trong vòng 3 tháng sau đó. Nếu bỏ qua triệu chứng này, chúng ta có thể tự gây nguy hiểm cho chính bản thân.
Tăng huyết áp
Huyết áp ở người bình thường là dưới 140/90 mmHg, còn nếu huyết áp đạt từ 180 mmHg trở lên thì tức là tình trạng sức khỏe bạn đang ở mức nguy hiểm. Lúc này, hệ thần kinh, tim mạch và nội tạng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đồng thời, bệnh nhân cũng sẽ có biểu hiện đau ngực, khó thở, đau lưng, yếu liệt chi, suy giảm ý thức, nhìn mờ, buồn nôn, nôn, nói khó. Đây là lúc mà đột quỵ đã gần kề, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay trong 1 – 2 giờ. Nếu bỏ lỡ, nguy cơ qua đời là rất cao.
Tăng huyết áp chính là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ. Có tới 9/10 người bị đột quỵ ở Việt Nam có liên quan tới tăng huyết áp.
Sơ cứu người bị đột quỵ như thế nào?
+ Gọi tới 115 cấp cứu. Trong thời gian đội ngũ cấp cứu chưa thể tiếp cận được thì cần chuyển an toàn người bệnh tới cơ sở y tế đủ điều kiện để xử trí. Chú ý khi di chuyển bệnh nhân phải nhẹ nhàng, tránh va đập, rung lắc mạnh.
+ Ghi chú lại thời điểm người bệnh bắt đầu khởi phát dấu hiệu bất thường để phòng khi bác sĩ hỏi tới.
+ Đặt bênh nhân nằm nghiêng sang một bên để tránh tình trạng nôn ra sẽ rơi vào đường thở.
+ Làm thông thoáng đường thở cho bệnh nhân.
+ Không để người bệnh tự di chuyển đi lại vì có thể gặp chấn thương do bị ngã.
+ Đặt người bệnh ở tư thế thoải mái, nới rộng quần áo, cà vạt, khăn… nếu có.
+ Ghi lại tất cả những loại thuốc mà bệnh nhân dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang sử dụng.
+ Nếu bệnh nhân không thở được thì cần làm hô hấp nhân tạo, cung cấp oxy cho bệnh nhân để nuôi dưỡng cơ thể, tránh tình trạng chết não.
Làm gì để hạn chế đột quỵ?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới đột quỵ, một trong số đó chính là lối sống thiếu lành mạnh. Chính vì thế, để ngăn ngừa đột quỵ, chúng ra nên lưu ý:
+ Hạn chế rượu bia, tập thể dục thể thao khoảng 30 phút mỗi ngày.
+ Giải tỏa áp lực, stress trong công việc.
+ Có chế độ ăn uống hợp lý, giàu vitamin, khoáng chất và hạn chế ăn các chất b=béo.
+ Kiểm soát cân nặng để phòng bị béo phì.
+ Ăn lượng muối và kali hợp lý vì ăn mặn dễ làm tăng huyết áp. Do đó, bạn không nên ăn quá 6g muối/ngày
+ Duy trì giấc ngủ khoảng 7h mỗi ngày, nên đi ngủ sớm, dậy sớm.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết Đột quỵ không tự nhiên mà đến: Bác sĩ nói có 2 triệu chứng sớm người bệnh thường bỏ qua tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].