Từ ngày 28 tháng Chạp đến ngày 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (tức 8/2), số lượng bệnh nhân cấp cứu và nhập viện tăng nhanh tại các bệnh viện Trung ương trên địa bàn Hà Nội.
Tại Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày vẫn duy trì trung bình từ 1200-1400 bệnh nhân điều trị nội trú. Số bệnh nhân này được bệnh viện cung cấp suất ăn miễn phí trong 4 ngày Tết.
Khoa Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu hơn 200 bệnh nhân nặng/ngày, tăng so với ngày thường. Các ca bệnh chủ yếu do tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan thận cấp.
Cũng trong những ngày Tết này, mỗi ngày Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cấp cứu điều trị 2 - 3 trường hợp ngộ độc liên quan đến rượu, thực phẩm không đảm bảo gây nhiễm khuẩn, ma túy tổng hợp…
Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, trong những ngày Tết đã có 1.982 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, 488 ca nhập viện để điều trị/theo dõi, 3 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).
Công tác khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán tại các bệnh viện là 82.459 bệnh nhân. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 40.569 người, nhập viện điều trị nội trú 127.119 bệnh nhân, chuyển viện 14.778 bệnh viện, thực hiện 2.416 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó 55 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, những ngày Tết, số bệnh nhân nhập viện do rượu bia ngày càng nhiều. Trung bình mỗi ngày Trung tâm Chống độc của bệnh viện tiếp nhận 2 -3 ca ngộ độc rượu.
Bác sĩ Nguyên cảnh báo, lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể.
Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu “xịn”, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu, bia “xịn” thì cũng vẫn là gánh nặng cho gan.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là loại “độc chất” gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể.
Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ tiến triển nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng mặt bệnh.
Về tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp chứa Methanol, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết Bệnh viện Bạch Mai đã thường xuyên, liên tục phối hợp với các kênh truyền thông đại chúng cảnh báo về tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol qua rất nhiều ca bệnh nặng đã không qua khỏi nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều tình trạng ngộ độc methanol phải vào viện.
Được biết, đa số các ca do uống rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp vào rượu để bán thu lời.
Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1 - 2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.
L.MinhBạn đang xem bài viết Dịp nghỉ Tết, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu hơn 200 bệnh nhân tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].