Hà Nội đã từng có sự phát triển lệch bất lợi cho khu Đông
Trao đổi với PV Gia Đình Mới, TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trong bức tranh tổng thể của toàn Thành phố, Hà Nội đã có giai đoạn phát triển lệch.
“Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính năm 2008, Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, đã chính thức mở ra thời kỳ mới ở phía Tây. Cũng dễ hiểu bởi khi đó ở phía Tây được chú trọng hạ tầng giao thông liền mạch với các tuyến đường xuyên tâm, huyết mạch như Nguyễn Trãi - Trần Phú, Lê Văn Lương kéo dài, Quốc lộ 32-Nhổn, Đại lộ Thăng Long.
Vào thời điểm đó, đương nhiên các chủ đầu tư bất động sản tập trung ở phía Tây bởi hạ tầng sẵn có, các hoạt động kinh tế của Hà Nội tập trung phía Tây nhiều hơn. Ví dụ các cơ sở kinh tế, giáo dục, y tế…
Còn khu Đông Hà Nội thời điểm đó thì vẫn rất đơn sơ, nghèo nàn về hạ tầng, hầu như không được giới đầu tư chú trọng. Trước những năm 2010, khu Đông chủ yếu là sản phẩm nhà ở giá rẻ như khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Việt Hưng, Thượng Thanh, Rice City… cũng như một số dự án chung cư giá rẻ dưới 20 triệu đồng/m2.
Cuộc “lột xác” ngoạn mục của hạ tầng phía Đông Hà Nội
“10 năm sau ngày điều chỉnh địa giới hành chính, phía Đông Hà Nội đang ‘lội ngược dòng’ mạnh mẽ khi có sức bật mạnh mẽ từ những “đòn bẩy” trong quy hoạch hạ tầng giao thông, xã hội” - TS Quảng khẳng định.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng.
Tại thời điểm này, cầu Vĩnh Tuy 2 có vốn đầu tư lên tới 2.500 tỷ đồng đang tiến sát tới mốc khánh thành vào tháng 10 năm nay. Mới đây, cầu Trần Hưng Đạo cũng đã được chốt phương án thiết kế, dự kiến hoàn thành vào quý 2/2025. Như vậy, khu vực các quận Long Biên, Gia Lâm tới đây sẽ có mật độ cầu vượt sông Hồng dày đặc, với 4 cây cầu lớn trong phạm vi 5 km.
Cùng với mạng lưới cầu, phía Đông Hà Nội hiện là khu vực có hệ thống đường bộ đồng bộ. Dễ thấy nhất là những công trình lớn như nút giao Cổ Linh. Từ khi chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2021, đã giúp kết nối loạt tuyến huyết mạch như vành đai 3, Cổ Linh, cầu Thanh Trì, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…
Ngoài ra, khả năng kết nối vùng của phía Đông đang rộng mở với sự xuất hiện của các dự án lớn như đường liên tỉnh nối Hà Nội - Hưng Yên; vành đai 3,5; vành đai 4. Riêng tuyến vành đai 4 dài hơn 112km đi qua 3 tỉnh Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh đã được Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư trong năm 2022.
Phía Đông Hà Nội cũng đang xuất hiện những khu đại đô thị hiện đại được ví như những “thỏi nam châm” để hút lượng lớn cư dân, kéo dãn được mật độ dân cư vùng lõi nội thành. Cư dân nội đô đã sẵn sàng “vượt sông”, “vượt cầu”, sẵn sàng “đi xa để sống chất” cũng góp phần vào định hình một khu trung tâm mới, tạo nên một diện mạo mới cho khu Đông.
Phía Đông sẽ trở thành một trung tâm mới của Hà Nội
“Cá nhân tôi cho rằng phát triển 2 bờ sông Hồng là tầm nhìn tuyệt vời cho phát triển Hà Nội. Người Việt Nam có câu “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận đàng” để chỉ về những lợi thế khi chọn vị trí định cư, phát triển cuộc sống lâu dài và bền vững.
Chính vì vậy, các đô thị thường được gắn với những dòng sông. Với Hà Nội, phát triển thành phố lấy sông Hồng làm trục chính, mở rộng về phía Đông với những chuỗi đô thị hiện đại đang là hướng đi hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển to lớn” –TS Quảng nhận định.
Nhìn vào quy hoạch vùng Thủ đô, TS Trương Văn Quảng khẳng định, phía Đông Hà Nội sẽ là nơi có động lực phát triển kinh tế nổi trội trong tương lai gần, với hệ thống hạ tầng đầy đủ và cấu trúc hạ tầng hướng tâm mạnh mẽ.
“Địa lợi” tại khu vực này theo ông là lợi thế trở thành tâm điểm giao thương, trung tâm logistics, trung tâm công nghệ mới khi tọa lạc ở điểm đầu kết nối vùng Thủ đô với tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh.
Hạ tầng đồng bộ cũng giúp khu Đông thuận tiện kết nối tới các cụm, khu công nghiệp lớn tại nhiều tỉnh thành phía Bắc ở Bắc Ninh, Hưng Yên..., biến nơi đây thành nơi tập trung cộng đồng chuyên gia nước ngoài, tầng lớp trí thức, người thu nhập cao.
Ở góc độ rộng hơn, TS Quảng cũng cho rằng phía Đông Hà Nội nằm trong hành lang kinh tế quốc tế gồm Côn Minh – Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Do đó, phía Đông Hà Nội có thể trở thành trung tâm hoạt động của doanh nghiệp, trung tâm thương mại, tài chính lớn cấp vùng, quốc gia và quốc tế, với sự hội tụ của giới tri thức, các tập đoàn kinh tế, tài chính lớn. Từ đây, sức lan tỏa của khu vực lõi nội đô thứ 2 này sẽ tạo thành tâm chấn, lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế tới các địa phương lân cận.
Không chỉ hạ tầng, nhiều đô thị lớn cũng đã dịch chuyển về phía Đông Hà Nội, kéo theo là dòng chảy kinh tế xã hội. Sự xuất hiện các đại đô thị Ocean Park 1-2-3 đang là giải pháp giúp phân bố lại dân cư, giảm mật độ tại các khu vực trung tâm về ngưỡng theo quy hoạch. Dự kiến, sẽ có khoảng 500.000 người tham gia vào hành trình dịch chuyển từ nội đô sang các trung tâm mới theo xu hướng tất yếu của quá trình đô thị hóa.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 50.000 dân đã rời khỏi nội đô và định cư tại “siêu quần thể đô thị biển” rộng 1.200 ha của Vinhomes. Là mảnh ghép đầu tiên của “siêu quần thể đô thị biển”, Vinhomes Ocean Park hiện trở thành một trong những khu vực sôi động nhất ở phía Đông Hà Nội.
“Trên thực tế, diện mạo khu Đông hiện nay đang thay đổi, phát triển từng ngày. Do đó, 10 năm tới, chúng ta hoàn toàn tin tưởng phía Đông sẽ mang vóc dáng một trung tâm Thủ đô mới của thế kỉ 21-22 hiện đại, năng động, khả năng kết nối tốt, khác với khu vực nội đô lịch sử” – TS Quảng khẳng định.
Việt Hưng - Kim Thoa
Bạn đang xem bài viết Diện mạo phía Đông Hà Nội 10 năm tới sẽ như thế nào? tại chuyên mục Phía Đông: Tương lai của BĐS Hà Nội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].