Trong một khảo sát của trường đại học Alabama (Birmingham, Anh), một số phụ nữ lần đầu làm mẹ, có con trong tầm 12 – 36 tháng tuổi, đã được dẫn đi một vòng trong một căn hộ mẫu.
Họ được hỏi xem đâu là những góc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Kết quả là, tất cả các bà mẹ chỉ có thể nhận biết chưa đến ½ các vị trí không an toàn.
Sau đây là những đồ vật sẵn có trong mỗi gia đình, có thể khiến trẻ dưới 3 tuổi bị chấn thương nếu cha mẹ không thận trọng:
Trong phòng khách
Nến và diêm: cần để ngoài tầm với của trẻ. Ngay cả một đứa trẻ đi chưa vững cũng có thể vô tình có được diêm và quẹt chúng lên. Hoặc nêu bé nhai nến, bé sẽ bị hóc vì sáp nến.
Vì vậy, cha mẹ nên để nến và diêm ở xa ngoài tầm với của bé.
Các loại khung ảnh: nên treo cao. Nếu trẻ với được hoặc xô đổ khung ảnh, những miếng kính vỡ ra từ khung ảnh sẽ làm bé bị thương. Tốt nhất là cha mẹ nên để khung ảnh ra ngoài tầm tay bé, hoặc thay thế khung kính bằng khung nhựa.
TV thực ra lại là vật dụng khá nguy hiểm trong phòng khách.
Nếu trẻ trèo lên kệ TV, toàn bộ TV và kệ có thể đổ vào người bé. Vậy nên hãy gắn chặt TV vào tường, ở phía trên cao, nếu có thể.
Ngoài ra, những chiếc điều khiển TV có hộp pin cũ, lỏng lẻo khiến trẻ có thể moi pin ra và cắn thử. Chất chì trong pin rất độc, đồng thời pin có thể gây hóc dị vật ở trẻ.
Lò sưởi: Cần lắp đặt cửa chống nóng cho lò sưởi. Trẻ cũng có thể ngã và bị thương do va vào các cạnh của lò sưởi.
Hãy chắc chắn rằng bạn đã có ốp an toàn gắn vào các cạnh lò sưởi cũng như cạnh của các loại bàn, tủ trong phòng khách.
Các loại lò sưởi nhân tạo có thể có những viên đá nhỏ - đây là vật dễ khiến trẻ tò mò cho vào miệng. Nếu lò sưởi nhà bạn có vật dụng này, hãy loại bỏ nó.
Dây điện bị hở hoặc các phích điện dễ lôi ra khỏi ổ cắm cũng là nguồn nguy hiểm cao độ. Hãy đảm bảo tất cả các dây điện được chạy ngầm trong tường hoặc nếu phải chạy nổi, hãy bọc một lớp bảo vệ.
Đồ chơi nhỏ, tròn cũng rất nguy hiểm với trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo:Cách lựa chọn và sử dụng đồ chơi an toàn cho trẻ
Trong bếp
Phòng bếp đầy ắp các đồ nguy hiểm cho trẻ nhỏ, vì vậy lý tưởng nhất là đóng hoặc chặn cửa bếp khi bạn không có ở đó.
Cha mẹ nên chú ý: khóa tất cả các kệ tủ ở dưới thấp, đặc biệt chú ý đến các sản phẩm tẩy rửa, nước rửa bát...
Các loại dao, kéo, dụng cụ làm bếp sắc nhọn cần được để trên cao, ngoài tầm với của trẻ.
Lò vi sóng cần để trên cao, tránh trường hợp trẻ tự ý mở nắp lò. Đừng bao giờ mở nắp lò, để đồ ăn nóng bên trong rồi rời đi. Hoặc ngược lại, bạn cũng không nên để trẻ chơi xung quanh khi đang lấy đồ ăn, chất lỏng nóng ra khỏi lò.
Lò nướng thường được để trên cao, nhưng nguy hiểm là nhiều gia đình hay để khăn treo ở cửa lò nướng. Trẻ có thể bám vào những chiếc khăn này và kéo, khiến nắp lò mở ra và gây nhiều tan nạn do bỏng thức ăn.
Những chiếc chảo đồ ăn với tay cầm quay ra phía ngoài bếp cũng có thể gây nguy hiểm nếu trẻ với được.
Tủ lạnh cũng không hề an toàn với trẻ nhỏ. Nếu trẻ bắt đầu tự mở được tủ lạnh, hãy gắn khóa tủ. Hoặc ít nhất, hãy nhớ rằng có những gì trong tủ. Những thứ dễ gây tai nạn hóc, nghẹt thở như nho, dễ vỡ như chai rượu, dễ gây ngộ độc như thuốc... cần để ở các ngăn cao của tủ lạnh.
Trong phòng tắm
Nền phòng tắm ướt là nguy cơ khiến cho bọn trẻ có thể bị ngã bất cứ lúc nào.
Cửa phòng tắm là nơi dễ khiến trẻ bị kẹt tay, dập ngón tay. Vì vậy cha mẹ nên mua thiết bị để ngăn cho cửa không bị đóng hoàn toàn, hoặc đơn giản treo một cái khăn lên trên cùng của cửa khi toilet không có người sử dụng.
Chiếc khăn này khiến cho cửa không bị đóng hẳn lại và dập vào tay trẻ.
Máy sấy không rút ra khỏi ổ điện và cất vào nơi an toàn có thể bị trẻ với tới thông qua sợi dây điện. Trẻ sẽ bị bỏng hoặc nếu máy sấy bị kéo rơi xuống nước, bé sẽ bị điện giật.
Toilet là nơi bé có thể ngã vào và không thể tự thoát ra được. Trẻ nhỏ có cấu tạo đầu khá nặng so với trọng lượng chung của cơ thể, vì vậy việc bị ngã chúi đầu là hoàn toàn có thể xảy ra.
Hãy nhắc nhở mọi người trong gia đình sau khi sử dụng xong nên đóng nắp toilet, hoặc an toàn hơn, hãy mua một cái khóa (loại khóa giống khóa cánh cửa tủ lạnh) để đảm bảo nắp toilet không bị trẻ mở ra.
Các chất tẩy, xà phòng cần được cất vào ngăn riêng, có cửa khóa được. Trẻ càng bé càng dễ bị tổn thương nặng nếu nuốt phải những chất này.
Trẻ có thể bị nghẽn mạch máu, đỏ mắt, thay đổi mạch, tim đập nhanh, thậm chí trẻ nhỏ còn bị mê sảng nếu nuốt phải chất tẩy rửa.
Trong phòng ngủ
Cũi của bé cần được lắp đặt một cách an toàn. Ngay khi bé có thể ngồi, bạn cần đề phòng nguy cơ bé có thể ngã ra khỏi cũi.
Các loại thú nhồi bông, kệ hỗ trợ ngủ trong cũi có thể gây nguy hiểm cho trẻ do trẻ có thể mắc hội chứng trẻ sơ sinh đột ngột tử vong (SISD).
Cửa sổ cần có chốt cài hoặc có chấn song để đảm bảo trẻ không ngã ra ngoài.
Ngoài ra, các loại cửa sát sàn nhà, hoặc có kệ để ngồi lên, việc có chốt lại càng quan trọng.
Rèm cửa nên là loại không có dây. Các loại dây kéo rèm cửa có thể tròng vào cổ và khiến trẻ nghẹt thở.
Kể từ năm 1990 tới nay, tại Mỹ có tới 200 trẻ đã tử vong do tai nạn này – con số cung cấp bởi Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC).
Các loại tủ quần áo thực ra cũng không an toàn. Trẻ có thể dễ dàng trèo lên một ‘tầng’ của các loại tủ ngăn kéo và điều này làm tủ bị lật, đổ rất nguy hiểm.
Những con lợn tiết kiệm bằng vật liệu gốm sứ cần để ở độ cao phù hợp. Một khi trẻ có thể với được vật dụng này, chúng có thể làm vỡ khiến các mảnh sắc nhọn làm trẻ bị thương.
Đồng thời, tiền xu trong lợn rơi ra là ‘món’ hoàn hảo để trẻ thử bỏ vào miệng. Kích thước nhỏ của đồng xu có thể khiến bé bị nghẹt thở đến mức nghiêm trọng.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết ‘Điểm danh’ những vật dụng trong nhà nguy hiểm cho trẻ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].