Ai đó đã nói rằng, những người theo chủ nghĩa xê dịch luôn là những người rất khoẻ, sống tích cực và lạc quan.
Bọn mình không dám nhận là rất khoẻ, nhưng đúng là để di chuyển hàng nghìn km trên một chiếc ô tô do chính mình lái trong một quãng thời gian ngắn trong các chuyến đi thì phải có sức khoẻ, có khả năng chịu đựng và điều ấy có được là nhờ sự rèn luyện thường xuyên.
Và sự rèn luyện thì bọn mình đã thực hiện trong rất nhiều năm qua, khi trong các hành trình ở Châu Âu, khi dừng chân ở các điểm đến, bọn mình đi bộ rất nhiều, liên tục đi lại bằng các phương tiện công cộng.
Nhà mình ở Roma thì ngay cạnh công viên to đùng, thế nên, ngày nào vợ chồng và con gái cũng chạy hoặc đi bộ. Ngay cả khi đi một mình, trong những hành trình công tác, mình cũng đi bộ lang thang rất nhiều, với bản đồ trong tay, cứ thế đi. Có những lần đến các thành phố lớn mà mình yêu thích, mình còn hay dậy rất sớm, xỏ đôi giày vào và chạy trên phố lúc bình minh.
Bây giờ, khi trở lại Việt Nam, bọn mình cũng vẫn thế, khi mỗi ngày đi bộ ít thì 5 km mà nhiều thì 10 km trong khu chung cư rất rộng ở ngoại ô Hà Nội.
Khi đi du lịch, bọn mình cũng rất thích các khu resort lớn, bởi ở đó sẽ có không gian rộng rãi cho việc đạp xe, đi bộ, mà đi bất cứ khi nào có thể và cảm thấy thoải mái nhất.
Hôm rồi, một bạn phụ trách xe ô tô điện chở khách ở một khu resort có bảo bọn mình rằng, "ai cũng như anh chị thì bọn em thất nghiệp hết ". Đơn giản bởi bọn mình luôn đi bộ từ villa đến chỗ ăn sáng, chỗ vui chơi và sau đó đi bộ trở lại villa. Quanh đi quẩn lại cũng tới vài cây số. Đấy không chỉ là một cách tuyệt vời để thư giãn, lắng nghe tiếng chim hót hay tiếng sóng biển, mà còn để cho cơ thể được vận động.
Thỉnh thoảng vẫn có người bảo, muốn đi chơi nhiều, chơi thật xa, thật lâu phải có tiền. Mình không bao giờ đặt chuyện tiền lên làm ưu tiên hàng đầu và nhờ thế mới có thể đi. Nó chỉ là một trong các công cụ để biến các kế hoạch lên đường thành hiện thực thôi.
Chứ không có sức khoẻ, không có niềm đam mê đi, không có niềm khao khát khám phá thế giới, chưa kể các kĩ năng sống, chẳng thể lên đường được đâu. Chính cái tâm trạng vui tươi và háo hức mỗi khi nghĩ đến việc lại sắp được đi đâu đó quan trọng lắm, nhưng sự ốm yếu có thể ngăn cản cho chuyến đi không thành hiện thực.
"Đi khi ta còn trẻ" là một khẩu hiệu hay, nhắm chủ yếu đến giới trẻ. Nhưng trong các hành trình, mình đã gặp rất nhiều người tuổi đời không còn trẻ, nhưng tâm hồn của họ rất trẻ, và đặc biệt, họ giữ được một thể trạng sức khoẻ tốt.
Họ nói rằng, tâm hồn ấy và sức khoẻ ấy giúp họ sống phơi phới và đầy lạc quan, hy vọng, luôn luôn hướng tới những điều tích cực trong đời này. Và đi chính là một trong những điều tích cực mà họ đã và đang làm để sống một cuộc sống tích cực thực sự...
Trương Anh Ngọc
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Đi khi ta còn trẻ tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].