Đề xuất duy trì thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động bị mất việc do COVID-19

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất duy trì thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động gặp khó khăn do COVID-19.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH về việc đề xuất sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ ngày 1/2/2020 dịch bệnh COVID-19 đã tác động trực tiếp đến đời sống việc làm của người lao động.

Khi dịch bệnh khởi phát trở lại tại Đà Nẵng (từ ngày 25/7/2020) số người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương hoặc nghỉ việc luân phiên tiếp tục tăng lên.

  Đề xuất duy trì thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động bị mất việc do COVID-19. Ảnh minh họa

Đề xuất duy trì thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động bị mất việc do COVID-19. Ảnh minh họa

Những đối tượng lao động này gặp rất nhiều khó khăn khi không được tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc do đang trong thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hường lương hoặc làm việc luân phiên chưa đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đồng thời cũng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình do vẫn chưa chấm dứt hợp đồng lao động.

Điều này vừa ảnh hưởng đến tính liên tục (5 năm) của thẻ bảo hiểm y tế, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh và hưởng bảo hiểm y tế của người lao động. Nếu chẳng may, người lao động bị ốm đau, bệnh tật trong thòi gian này mà không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ lâm vào tình cảnh rất khó khăn.

Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có ý kiến đề xuất với Chính phủ trong quá trình sửa đổi Nghị quyết 42/NQ-42 và Quyết định 15/QĐ-TTg có quy định hướng dẫn cho phép người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương hoặc làm việc luân phiên dưới 14 ngày trong tháng nếu bị ốm đau phải đi khám bệnh, chữa bệnh vẫn được hưởng quyền lợi về bảo hiểm y tế (có thể có điều kiện về thời gian đã tham gia bảo hiểm y tế trước đó) hoặc được mua thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình để duy trì thẻ bảo hiểm y tế liên tục.

Trước đó, ngay từ đợt dịch lần thứ nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã yêu cầu các cấp Công đoàn không chỉ chăm lo đời sống mà còn phải tích cực giới thiệu tìm việc làm mới cho người lao động.

Để giảm bớt khó khăn, góp phần ổn định cuộc sống của đoàn viên, người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định 643/QĐ-TLĐ ngày 22/5/2020 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ nguồn tài chính công đoàn và các nguồn huy động. 

Theo thống kê, đến nay đã có 9.868 công đoàn cơ sở tư vấn, hỗ trợ 41.591 công nhân được hưởng các gói an sinh của nhà nước với tổng số tiền gần 41,1 tỉ đồng, 5.799 công đoàn cơ sở đề xuất cho 117.267 công nhân được hưởng chế độ, chính sách chăm lo của doanh nghiệp với tổng số tiền gần 172,2 tỉ đồng.

Ngoài ra, còn có 25.183 công đoàn cơ sở thăm hỏi, tặng quà cho 905.604 công nhân gặp khó khăn với tổng số tiền gần 181,4 tỉ đồng.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính