Với lý thuyết có phần mới mẻ này, con người nên ăn chay, ốm không uống thuốc, sinh nở chẳng cần đến bệnh viện.
Họ lập luận “trước đây ông bà cũng như thế, không ảnh hưởng gì mà còn được nhiều cái lợi”, nhiều người tin theo những lời giáo điều đó. Đặc biệt, nhiều chị em phụ nữ học tập phương pháp sinh nở “liên sinh”, "kiêng” cách sinh nở có can thiệp y khoa, nhất là sinh mổ.
Theo một số ý kiến, khi sinh mổ phụ nữ phải tiêm các loại thuốc, bị các thủ thuật can thiệp gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Mặt khác, trẻ sẽ bị cách li mẹ nhiều giờ, người mẹ không có nhiều thời gian gần con.
Ngoài ra, với họ, việc tiêm chủng vacxin cho trẻ dễ khiến trẻ gặp phải những tai biến, phản ứng không mong muốn do vacxin.
Trong cách đẻ "liên sinh", trẻ cũng không được cắt rốn vì mẹ của chúng cho rằng, em bé sẽ nhận được các dưỡng chất từ nhau thai cho tới khi cuống nhau khô và rụng đi. Nhiều người tin rằng bé được sinh ra bằng phương pháp này có hệ miễn dịch tốt hơn. Cuống nhau rụng một cách tự nhiên sẽ giúp trẻ có một chiếc rốn đẹp hơn so với trường hợp bị cắt cuống nhau khi chào đời.
Hội “thuận tự nhiên” truyền nhau phải cho con dùng sữa mẹ, vì vậy, sinh xong, dù sữa chưa về, họ vẫn kiên quyết không cho con dùng sữa công thức.
Để làm rõ cơ sở khoa học cũng như mặt lợi, hại của trào lưu "liên sinh" này, trao đổi với PV Gia Đình Mới bác sĩ CK II Nguyễn Tuấn Minh– Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc cho rằng: “Ông bà ta vẫn nói, “chửa đẻ như cửa mả” như nói tới những nguy hiểm của chuyện sinh nở. Nhiều người nghĩ đẻ tự nhiên để giống với thời đại ngày xưa, nhưng họ không biết, ngay cả bây giờ, nhiều khu vực y học chưa phát triển, người dân tộc thiểu số vẫn sinh đẻ tại nhà. Nhưng điều đáng nói, số sản phụ, trẻ sơ sinh tử vong rất lớn. Vì vậy, Bộ Y tế phải hình thành mô hình cô đỡ thôn bản để giải quyết tình trạng trên”.
Theo bác sĩ, đẻ theo cách tự nhiên như trên sẽ có rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe của mẹ và bé. Nhất là những sản phụ mang thai bất thường: Thai to, ngôi ngược… Với thai to, phụ nữ có thể gặp tình trạng vỡ tử cung khi chuyển dạ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
“Còn với những người đẻ được bình thường cũng vẫn có thể gặp tình trạng băng huyết nặng nề, đờ tử cung… nếu không được xử lý kịp thời phải trả giá bằng tính mạng.
Hoặc có những người bị chảy máu, nhiễm trùng, hậu sản… Nhẹ hơn có thể bị viêm niêm mạc tử cung gây ra vô sinh.
Trước đây, y tế có thuật ngữ “bàn tay sạch”, tức bác sĩ đỡ đẻ phải vệ sinh tay sạch sẽ để giảm tỉ lệ phụ nữ tử vong vì nhiễm trùng hậu sản.
Trong khi đó, khi đẻ tại nhà, bệnh nhân không có kiến thức chuyên môn, không đảm bảo vệ sinh xung quanh, không vô khuẩn”, BS CKII Nguyễn Tuấn Minh nhấn mạnh.
Ngay cả việc không cắt dây rốn cho trẻ cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng cuống rốn, uốn ván rốn cho bé. Quan niệm con ốm cũng không thăm khám bác sĩ là nguy hiểm vô cùng, nhất là trẻ nhỏ có sức đề kháng kém.
Theo BS Nguyễn Tuấn Minh, việc họ cho rằng dễ bị tác dụng phụ, tai biến của gây mê, gây tê khi sinh mổ là hoàn toàn sai lầm. Bất cứ thuốc gì cũng có thể tác dụng phụ, tuy nhiên, nó phụ thuộc tùy cơ địa mỗi người. Gây mê, gây tê nếu dùng đúng quy trình không có ảnh hưởng về sức khỏe.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Đẻ 'liên sinh', đỡ đẻ ở nhà, không cắt rốn, không tiêm chủng: Coi chừng mất mạng cả mẹ lẫn con tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].