Cô đỡ thôn bản chỉ ước có quần áo sơ sinh mang theo mỗi lần đi đỡ

Đi bộ 8 cây số, người nhà sản phụ gọi lúc 1 giờ sáng, không còn phụ cấp… nhưng “cô đỡ thôn bản” Thào Thị Se vẫn tâm huyết với công việc của mình.

Thào Thị Se tâm sự: "Việc sinh đẻ của người H’Mông quê tôi toàn nhờ các bà đỡ trong bản, hoặc bố, mẹ, họ hàng…

Hủ tục cắt rốn bằng dao cắt cỏ, chỉ được đẻ trong xó bếp hoặc nơi góc buồng tối om, trẻ con đẻ ra cả tháng trời không được tắm rửa... truyền từ đời này sang đời khác.  

Tôi được cử đi học chương trình “Cô đỡ thôn bản”, biết được kiến thức về sức khoẻ sinh sản nên giúp đỡ được cho nhiều phụ nữ trong thôn, phần nào khiến người trong thôn có suy nghĩ khác về việc sinh đẻ".

Mang theo con 2 tháng tuổi đi học đỡ đẻ

Năm 2010, Thào Thị Se được lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hà Giang chọn đi học lớp Cô đỡ thôn bản, thuộc dự án của Bộ Y tế.

Được sự động viên của chồng và gia đình, Se đã quyết tâm theo học với mong muốn sau khi học xong sẽ nhà, phục vụ bà con thôn bản.

Đây cũng là lần đầu tiên Se tới thành phố Hà Giang - nơi xa nhất mà người phụ nữ sinh năm 1988 khi đó có cơ hội được đặt chân tới.

Từ Thôn Chúng Pả B, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, Se mang theo đứa con mới được 2 tháng tuổi xuống thành phố thực hiện ước mơ của mình.

Em gái của Se phải đi theo để trông con cho cô yên tâm học hành. May mắn, Se nhận được sự giúp đỡ của các thầy cô trong trường, tạo điều kiện cho cô cùng cậu con trai và em gái của mình có thể ở và sinh hoạt tại trường.

Sau khi hoàn thành khoá học, Se trở về thôn, được trạm y tế phân công phụ trách 3 bản. Đôi chân rắn rỏi của người phụ nữ dân tộc H’Mông đi tới từng hộ gia đình có phụ nữ mang thai để khám thai cho họ, vận động các chị em phải đến trạm y tế đẻ thay vì sinh con ở nhà theo thói quen.

Trong các lần đến thăm sản phụ sau đẻ, Se hướng dẫn họ vệ sinh cá nhân, chăm sóc con nhỏ và cách cho con bú an toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

Thào Thị Se tại Hội Nghị Biểu dương Cô đỡ thôn bản tiêu biểu

Thào Thị Se tại Hội Nghị Biểu dương Cô đỡ thôn bản tiêu biểu

Nhớ lại những ngày đầu về thôn sau khoá học, chẳng ai tin Se có thể đỡ đẻ được. Rồi một ca thành công, hai ca mẹ tròn con vuông…

Se nhận được sự tin tưởng của tất cả bà con nơi cô phụ trách. Khi khoản tiền phụ cấp bị cắt, 2 cô đỡ thôn bản cùng làm việc với Se đã nghỉ, tất cả mọi người chỉ trông chờ vào Se.

Từ khi nhận công tác tới nay, Se đã vận động được nhiều gia đình cho con em mình tới trạm y tế để tiêm chủng, đi cân và uống Vitamin A theo đúng quy định.

Se tranh thủ thời gian ở mọi nơi, mọi lúc để phát huy hết khả năng của mình trong công tác tuyên truyền tới bà con trong bản.

Mỗi lần họp phụ nữ trong thôn, Se giải thích cặn kẽ và khuyên chị em nên thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Từ những nỗ lực đó, công tác tuyên truyền của Se ngày một hiệu quả.

Hàng năm, trẻ em tại thôn mà Se phụ trách đều được tiêm chủng và uống Vitamin A đầy đủ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn. Se luôn sát sao xem thôn mình có bệnh dịch gì, báo trạm y tế để có phương án xử lý kịp thời.

Thực hiện công việc của một “Cô đỡ thôn bản” trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất nên Se gặp không ít khó khăn. Nếu trong năm 2012, Se khám thai được 128 ca, đỡ đẻ tại nhà được 15 ca thì đến năm 2017, Se khám được 182 ca và đỡ đẻ được 8 ca tại nhà.

Ngoài ra, trong năm 2017, Se còn vận động được 22 phụ nữ có thai đi khám định kì tại trạm y tế thôn, chăm sóc 26 ca sau đẻ, phát hiện các ca nguy hiểm và chuyển tuyến kịp thời 3 ca.

Trung bình, mỗi tháng Se đỡ từ 2 đến 3 ca chuyển dạ được mẹ tròn con vuông. Trong quá trình công tác, Se luôn cố gắng học hỏi, tranh thủ sự hỗ trợ của các thầy cô và cán bộ y tế trạm.

Năm năm gắn bó với công việc của một “cô đỡ thôn bản”, có những lúc Se nản chí vì từ năm 2017, khoản tiền phụ cấp cho 200.000 đồng/tháng đã không còn nữa. Nhưng Se nghĩ tới những người phụ nữ đang cần sự giúp đỡ của mình, cô lại tiếp tục công việc. 

Điều ước giản dị của cô đỡ dân tộc H’Mông

Nhớ lại ca đỡ để đầu tiên, khi Se chưa được học những kiến thức về sinh sản, cô rùng mình: “Lần đầu tiên tôi đỡ đẻ là đỡ cho cháu, khi đó tôi cũng run nhưng mẹ của cháu cứ bảo tôi đỡ đi. Tôi liều đỡ và không có chuyện gì xảy ra cả. Sau khi đi học về, tôi thấy mình quá mạo hiểm…”

Se đã từng đỡ những ca đẻ khó và nguy hiểm: thai ngôi ngang, chuyển dạ đẻ non, chuyển dạ kéo dài, băng huyết, không nghe được tim thai, những ca có tiền sử sản giật, rau không bong sau sinh, thai đôi…

Có những lúc, chồng Se thấy cô đi lại vất vả, đã không đồng ý cho cô tiếp tục công việc. Nhưng Se luôn nghĩ, có nhiều người gọi tức là họ đang cần mình nên cô đã thuyết phục được chồng. Se có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ chồng và gia đình cô đã tạo điều kiện giúp cô hoàn thành nhiệm vụ. 

Năm năm là "cô đỡ mát tay", Se có nhiều kỉ niệm chẳng nhớ hết. Se nhớ có một sản phụ khi sinh con ra, đứa trẻ đó không khóc, Se sử dụng các kĩ năng đã được đào tạo để sơ cứu và cuối cùng em bé đã khóc được.

Sản phụ và mẹ đẻ vui mừng cảm ơn Se. Sau này, mỗi lần gặp lại, họ đều nhắc lại công lao cứu đứa trẻ của Se với sự biết ơn.

“Họ chỉ có câu “Cảm ơn” thôi! Vì tôi yêu nghề nên một lời cảm ơn cũng được rồi!”, Se thổ lộ.

Mỗi lần đi đỡ đẻ, Se chỉ có thể mang theo hai cái tã khô. Chứng kiến nhiều gia đình không có tiền mua quần áo cho con mặc, Se ước mình có thật nhiều quần áo sơ sinh, để mỗi lần đi đỡ đẻ thì có thể đem theo vài bộ cho đứa nhỏ.

Với sự nỗ lực không ngừng, Thào Thị Se được tuyên dương là một trong những “Cô đỡ thôn bản” tiêu biểu toàn quốc năm 2017.

Tú Anh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính