Hiện, công tác điều trị bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV) cho những người nhiễm HIV ngay sau khi được chẩn đoán xác định được các cơ sở điều trị thuốc ARV trên địa bàn TP.Hà Nội thực hiện khám, chữa bệnh HIV qua bảo hiểm y tế.
Các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố vẫn đang đẩy mạnh công tác tư vấn để người nhiễm HIV chủ động tham gia bảo hiểm y tế. Đảm bảo 100% người nhiễm đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế và được sử dụng tại đơn vị y tế.
Trong số đó, BV ĐK Hà Đông là một trong những đơn vị thực hiện tốt, phát huy tối đa vai trò tiên phong trong công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người bệnh HIV/AIDS.
Theo đó, BV ĐK Hà Đông đã thực hiện kết nối, chuyển gửi điều trị ARV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV; chẩn đoán sớm, quản lý và điều trị cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV.
Đồng thời, tăng cường dự phòng, phát hiện và điều trị các bệnh đồng nhiễm với HIV/AIDS bao gồm: Lao, viêm gan B, C và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Cùng với đó, bệnh viện cũng thường xuyên cập nhật hướng dẫn chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, thực hiện tối ưu hóa phác đồ điều trị HIV/AIDS theo các khuyến cáo của Bộ Y tế; bảo đảm điều trị an toàn, hiệu quả; cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS phù hợp với tình trạng của người bệnh; tăng cường quản lý, theo dõi và hỗ trợ tuân thủ điều trị HIV/AIDS.
Ngoài ra, BV ĐK Hà Đông còn bám sát mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tăng cường các biện pháp điều trị nghiện trong can thiệp giảm hại; triển khai biện pháp mới dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao (PrEP).
Theo BSCKII Trần Thị Kim Anh, BV ĐK Hà Đông, với số lượng gần 1.000 bệnh nhân HIV – AIDS đang điều trị theo dõi tại bệnh viện, Ban lãnh đạo bệnh đã đẩy mạnh, tăng cường các giải pháp cốt lõi như dự phòng lây nhiễm HIV; tư vấn xét nghiệm HIV; điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV; giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá và nghiên cứu khoa học; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS…
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm: giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; đồng thời giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt được mục tiêu giảm số người nhiễm HIV mới và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại thành phố vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế xã hội, đầu năm 2023 UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hành động; trong đó đưa ra các nội dung, giải pháp để triển khai, thực hiện.
Theo đó, trong năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người nhiễm HIV trong diện quản lý được điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV); 98% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế.
Kế hoạch cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể bao gồm trong năm 2023 có 500 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Đạt 80% người nghiện chích ma túy tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm; 65% phụ nữ mại dâm được tiếp cận với chương trình bao cao su; 65% nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tiếp cận với chương trình bao cao su và chất bôi trơn. Đạt 5.300 người nghiện chất dạng thuốc phiện được điều trị bằng thuốc thay thế. 70% người dân trong độ tuổi từ 155-49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Hoàn thành 300 mẫu giám sát trọng điểm theo quy định của Bộ Y tế. 14.350 người nhiễm HIV/AIDS được duy trì điều trị bằng thuốc kháng virus (bao gồm các bệnh viện tuyến trung ương và Bệnh viện đại học Y Hà Nội). 633 người nhiễm HIV bắt đầu được điều trị bằng thuốc ARV. 11.112 người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV được làm xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi điều trị ARV; 98% (10,890) người nhiễm HIV/AIDS có kết quả tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế. 8.502 khách hàng có nguy cơ cao nhiễm HIV được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEP) ít nhất 1 lần. 92% người nhiễm đang điều trị HIV/AIDS hoàn thành điều trị Lao tiềm ẩn.
Với mong muốn đạt mục tiêu, ngành y tế Hà Nội đã đề nghị Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu phù hợp với tình hình của địa phương với các giải pháp, hoạt động cụ thể. Đồng thời, đảm bảo 100% người nhiễm HIV sinh sống trên địa bàn có thẻ bảo hiểm y tế và tham gia điều trị ARV bằng thẻ bảo hiểm y tế.
Đồng thời, nâng cao kiến thức về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại gia đình, cộng đồng cũng như mở rộng độ bao phủ các dịch vụ, nâng chất lượng của dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, BHYT và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân.
An AnBạn đang xem bài viết Hà Nội đẩy mạnh phối hợp khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].