Bộ Y tế vừa tổ chức Lễ mít tinh Hưởng ứng Ngày an toàn người bệnh thế giới năm 2023. Tham dự lễ mít tinh có Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh; đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cùng lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, đại diện Sở Y tế các tỉnh… cùng hơn 300 điểm cầu trực tuyến tại 63 Sở Y tế các tỉnh, thành, các bệnh viện và trung tâm y tế trên toàn quốc.
Cứ 1 phút, có 5 bệnh nhân tử vong vì không được chăm sóc an toàn
Ông FAIRLIE, Shane Francis - Trưởng nhóm truyền thông sức khỏe Văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết, an toàn người bệnh là một trong những quyền cơ bản của người dân.
Trên thế giới, mỗi phút lại có 5 bệnh nhân tử vong vì không được chăm sóc an toàn. Những mất mát này gây thiệt hại về sức khỏe, kinh tế xã hội… đây là những điều chúng ta có thể phòng tránh được. Đó là lý do tại sao mà chúng ta cần phải tăng cường chăm sóc an toàn người bệnh hàng năm.
Bằng chứng hiện cho thấy, có 134 triệu sự việc y khoa không an toàn ở các bệnh viện của các quốc gia thu nhập thấp cũng như thu nhập cao đã khiến khoảng 2,6 triệu người chết hàng năm.
Chính vì vậy, WHO đã thống nhất chọn Ngày An toàn người bệnh thế giới (17/9) hằng năm nhằm nâng cao nhận thức, sự tham gia của cộng đồng trên phạm vi toàn cầu và hướng tới sự đoàn kết hành động của các quốc gia thành viên để thúc đẩy an toàn và giảm thiểu tổn hại cho người bệnh.
Bảo đảm an toàn người bệnh phải được thực hiện theo chuỗi
PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục KCB, Bộ Y tế cho biết chủ đề của Ngày an toàn người bệnh năm nay là “Tăng cường sự tham gia của người bệnh vì sự an toàn của người bệnh”.
Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, vấn đề an toàn người bệnh luôn được ngành y tế và người dân quan tâm hàng đầu.
Bộ Y tế đã triển khai nhiều hình thức để “Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh”, ví dụ như ban hành Quy chế bệnh viện năm 1997, Bộ Y tế đã xây dựng các kênh thu thập ý kiến người bệnh như đường dây nóng bệnh viện, hộp thư góp ý, hội đồng người bệnh...
Thứ trưởng nhận định chủ đề năm nay là "Tăng cường sự tham gia của người bệnh vì sự an toàn của người bệnh” thể hiện vai trò trung tâm của người bệnh trong việc bảo đảm an toàn cho người bệnh là rất thiết thực, hợp lý. “Khi người bệnh được tham gia, hiểu biết về quá trình sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy an tâm và hoạt động khám chữa bệnh cũng vì thế được an toàn hơn".
Thứ trưởng chỉ rõ, bảo đảm an toàn cho người bệnh phải được thực hiện đồng bộ theo chuỗi. Từ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng bệnh tật cho người dân, nếu không may họ bị bệnh thì phải tư vấn, hướng dẫn khám chữa bệnh.
Việc bảo đảm an toàn cho người bệnh dựa vào người thầy thuốc khám và chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác. Nếu người bệnh không được chẩn đoán sớm, kịp thời sẽ khó được cứu chữa. Thậm chí, việc chẩn đoán muộn còn khiến bệnh nhân tử vong.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần được chăm sóc toàn diện về tinh thần và về thuốc. Đơn cử như với một ca bệnh nặng, ngoài bác sĩ điều trị còn cần sự hỗ trợ của điều dưỡng, dược sĩ, bác sĩ tâm lý. Sau khi người bệnh ra viện, họ cũng cần được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe khi ở nhà...
4 mục tiêu cơ bản của Ngày An Toàn Người Bệnh Thế Giới 2023 là:
1. Nâng cao nhận thức toàn cầu về việc lắng nghe người bệnh, người nhà chia sẻ trải nghiệm và tâm tư của mình để bảo đảm dịch vụ khám chữa bệnh an toàn hơn;
2. Thu hút sự quan tâm, lắng nghe của lãnh đạo các cấp, các nhân viên y tế, các đối tác y tế với hoạt động an toàn người bệnh;
3. Bảo đảm quyền của người bệnh là được tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe, quá trình khám chữa bênh của chính mình;
4. Vận động thể chế hóa kế hoạch hành động toàn cầu về an toàn người bệnh giai đoạn 2021-2030./.
V.LinhBạn đang xem bài viết Thứ trưởng Bộ Y tế: Bảo đảm an toàn người bệnh phải được thực hiện theo chuỗi tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].